Tuesday, March 20, 2018

LẠI CHUYỆN SỮA MẸ VÀ CHỊ HỒNG

Mình có duyên biết đến chị Hồng và hội Betibuti từ những ngày đầu thành lập. Tài liệu lúc đó là những bài riêng, tổng hợp lại thành 1 file doc đăng trên group của hội. Mình đã in ra để đọc và tiện tra cứu hàng ngày. Đây là công sức của chị dịch nhiều bài viết về sữa mẹ của WHO và viết thành nhiều chủ đề. Kết quả mình thành công nuôi con bằng sữa mẹ đến khi con 2 tuổi, bé khỏe mạnh, ít phải đi khám bệnh, hầu như không dùng đến thuốc kháng sinh (2-3 lần).

Khi nuôi con nhỏ bằng sữa mẹ, mình bị chịu những áp lực gì?
- Sữa công thức quảng cáo đầy trên tivi và trên mạng, lướt webtretho thì chủ đề quen thuộc của các bà mẹ thời ấy là: các mẹ cho con uống sữa gì để có cân nặng và chiều cao tốt, bé thông minh?
- Con đẻ thiếu tháng, dù khỏe mạnh nhưng nhẹ cân, y tá tư vấn cho con ăn dặm thêm sữa công thức để tăng cân nhanh hơn, vì bú sữa mẹ bé tăng cân chậm. Mà mình hồi ấy, tin 100% vào bác sĩ và y tá
- Người thân xung quanh ép ăn để "có đủ sữa cho con", cho đến khi mình cảm thấy như mình thiếu sữa thật, cảm thấy mình ăn chưa đủ thật, có bữa ôm tô cơm lèn chặt mà nước mắt rơi lã chã
- Đêm phải dậy liên tục cho con bú, nếu cho con bú sữa công thức thì nhờ người thân cho ăn hộ được 
- Mẹ thì béo như heo tăng đến chục kg, con thì gầy quay quắt, có người bảo: mẹ ăn hết phần con
- Con nhẹ cân gầy còm nên mọi người cũng chê "sữa mẹ xấu", mình tủi thân cứ như thể mình là bà mẹ vụng tồi (hệt như cảm giác của các bà mẹ nuôi con bằng sữa công thức bây giờ mà bị chê là sữa thú - cái cảm giác tủi thân của người mẹ cố gắng nuôi con bằng dòng sữa xấu của mình kia, ai hiểu cho mình?)

Tại sao mình hàm ơn chị và qua group mình học được gì?
- 1-2 ngày đầu bé bú rất ít chứ không phải 30-60ml như mình tưởng, thấy bé mút mát chút ít có khi mẹ tưởng là chưa có sữa nhưng có thể với bé thể là đủ rồi
- Có nhiều nguyên nhân gây ra sữa mẹ "chậm về" sau sinh, như 2 mẹ con bị cách ly, không được da tiếp da, nghĩ mình không có sữa nên chưa cho con bú ngay
- Bé bú sữa công thức ngủ ngon ít lục sục, không phải vì no bụng hơn bú sữa mẹ, mà vì sữa công thức có chất gây buồn ngủ
- Không có "sữa tốt" hay "sữa xấu" như dân gian hay đổ tội cho các bà mẹ nuôi con còi, sữa mẹ nào cũng tốt nhất cho con, con tăng cân chậm do thể trạng của bé
- Hiểu đúng về chuẩn chiều cao cân nặng của WHO, không phải cứ phải bé bụ bẫm mập mạp là tốt hơn các bé còn lại 
- Sau 6 tuần, vú mẹ thay đổi cơ chế tiết sữa, không còn căng thừa như 6 tuần đầu vì tiết ra theo nhu cầu bú của bé, nên nhiều khi thấy xẹp bà mẹ tưởng thiếu sữa nhưng không phải
- Uống kháng sinh vẫn có thể cho con bú mẹ (chọn loại kháng sinh, vắt bớt sữa đầu) -> đứa đầu vì vụ này mà phải cai sữa sớm < 1 tuổi, đứa sau mình cũng bệnh phải uống kháng sinh nhưng vẫn kiên trì cho con bú đều, nên duy trì được đến 2 tuổi
- Sữa mẹ chứa nhiều kháng thể sống và thay đổi theo từng cữ bú của con. Nếu con bệnh mà mẹ ôm con, thì cơ thể mẹ tự nhận biết và sữa mẹ tự biến đổi theo hướng tăng kháng thể giúp con khỏi bệnh.
- Khớp ngậm đúng là gì, sữa đầu và sữa cuối
...

Nhờ những kiến thức trên, mình đã dẹp được hết những áp lực vô hình từ quan niệm cũ và khi nuôi bé thứ 2, lòng mình nhẹ tênh. Dù sữa tiết ra ít hơn hồi nuôi bé đầu nhưng mình vẫn tự tin hơn hẳn. Sau này, khi con mình đã cai sữa, khi biết chị xuất bản cuốn sách "68 ngộ nhận và giác ngộ về nuôi con sữa mẹ", mình đã đặt mua, như một lời cảm ơn cho những nỗ lực của chị, dù mình không còn cần đến cuốn sách đó nữa, nhưng mình dự định tặng nó cho người thân. Thật tình mà nói, cuốn sách này mình thấy cách trình bày không dễ hiểu như file doc trên group mình đã tải và in nó ra ngày nào.

Sau này thì mình rời hỏi hội vì con đã lớn không còn quan tâm đến chủ đề đấy nữa, nhưng thỉnh thoảng đọc tin bài xích, mỉa mai hội cực đoan, mình có chút thoáng buồn. Mình thấy không loài sinh vật nào vô lý như con người, thông minh đến độ quên sạch nguồn gốc của mình. Là loài động vật có vú, nuôi con bằng sữa mẹ, nhưng một số lớn những người mẹ lại không đủ sữa nuôi con như các loài động vật có vú khác. Đến tận bây giờ vẫn còn tranh cãi loài người nên ăn bao nhiêu % thịt, bao nhiêu % rau, rồi thậm chí phải căn cứ vào kết cấu răng và so sánh với các loài động vật khác để đoán xem mình ăn gì là phù hợp. Thực phẩm độc hại ăn vào thì cơ thể cũng không phản ứng, nhưng có khi đưa thực phẩm đó cho chuột thì nó không thèm ăn. Cơ thể con người dường như ngày càng mất kết nối với tự nhiên. Con người, cùng với hiểu biết của mình về khoa học, ngày càng kiêu ngạo, coi thường tự nhiên, chạy theo lối sống công nghiệp. Mình cũng thấy trong hội Betibuti có nhiều bà mẹ cực đoan, chỉ trích quá đà những bà mẹ nuôi con bằng sữa công thức. Nhưng mình có phần thông cảm, không cực đoan không được trong cuộc chiến không khoan nhượng với truyền thông phủ sóng dày đặc của các hãng sữa công thức. Mình đã từng là người tin tưởng sữa công thức rất tốt, giúp trẻ cao lớn, thông minh, thậm chí thấy nó còn hơn cả sữa mẹ dù nơi đâu cũng ra rả "sữa mẹ là sự tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ". Lý thuyết là thế, nhưng những gì mình được nghe hàng ngày từ y bác sĩ, người thân, hàng xóm, thậm chí người lạ gặp ngoài đường cũng bảo ngược lại? Thế nên mình hiểu, giữa một bên được marketing bài bản, đổ rất nhiều tiền để quảng cáo, với một bên chỉ có niềm tin vào bản năng tự nhiên và tài liệu dịch từ WHO, bên nào sẽ thắng? Lý do lớn nhất để các bà mẹ nuôi con bằng sữa công thức là mình "không có sữa", mà vô tình thay, nó liên quan nhiều đến kiến thức về khớp ngậm, về da tiếp da, con gần mẹ sớm, mẹ cho con bú sớm, hiểu sai về nhu cầu bú của con những ngày đầu... và vô số nguyên nhân khác mà bà mẹ không nhận thức được nên dễ quy kết chung về một nguyên nhân: "cơ địa ít sữa, hoặc stress sau sinh nên mất sữa".

Những ngày gần đây, chị Hồng gặp bão lớn, xuất phát chỉ từ một tin đồn thất thiệt trên một facebook vô danh nào đó. Tin bịa đặt về câu chuyện 2 mẹ con sản phụ bị tử vong sau sinh tại nhà, do người mẹ tin tưởng sinh con tự nhiên và học khóa học của chị Hồng. Thực tế chưa có khóa học nào diễn ra, không có sản phụ nào tử vong do sinh tại nhà, địa chỉ cung cấp của nạn nhân lại là địa chỉ nhà cũ của chị Hồng. Cộng đồng mạng facebook và một số tờ báo chưa cần kiểm chứng, chụp hình đăng và share đi share lại thành làn sóng lớn bài xích chị Hồng và group Betibuti là ngu dốt, cực đoan. Sau khi sự việc đã được xác minh, không có một lời xin lỗi, người ta đua nhau chuyển sang hướng công kích cá nhân chị Hồng về một số bình luận của chị trong hội, như là: sữa mẹ có thể chữa lành bệnh tim, sữa mẹ giúp ngón tay cụt mọc lại, chứng chỉ của chị không đủ để tư vấn sữa mẹ, Việt Nam chỉ có 1 bác sĩ sữa mẹ duy nhất có chứng chỉ IBCLC (BS Thy)... 
Mình không bào chữa cho chị, bản thân mình cũng đánh giá một số comment của chị bị cực đoan, nhưng không đến mức bị cười nhạo, chê là ngu dốt như vậy:
- Ngón tay cụt mọc lại là có thật.
http://khoahoc.tv/lam-duoc-dieu-khong-the-moc-lai-ngon-tay-bi-cat-cut-12893
http://afamily.vn/ngon-tay-nguoi-co-the-moc-lai-sau-khi-bi-dut-20160924100135188.chn
http://vnreview.vn/tin-tuc-khoa-hoc-cong-nghe/-/view_content/content/1919818/ngon-tay-con-nguoi-co-the-moc-tro-lai-sau-khi-dut
- Lỗ thủng ở tim có thể tự liền là có thật. 
https://tuoitre.vn/benh-tim-co-loai-khong-can-dieu-tri-580341.htm
Chị Hồng có thể hơi cực đoan khi gắn các trường hợp này với sữa mẹ, nhưng nội dung chị cung cấp có tính logic là sữa mẹ có nhiều tế bào gốc nên tốc độ tái tạo mô của trẻ bú sữa mẹ cao, tốc độ tái tạo mô cao thì tổn thương nhanh liền, mình chỉ hiểu có vậy.

Còn bác sĩ sữa mẹ duy nhất của Việt Nam, trong lúc các bà mẹ sữa đang chật vật với nuôi con bằng sữa mẹ thì chị ở đâu? Mình không hề biết đến chị cho đến khi chị Hồng bị "cho lên sóng".
Giá tư vấn của chị bác sĩ sữa mẹ là 300 ngàn đồng/30 phút, và chị được bênh vực là chị có quyền thu tiền cung cấp dịch vụ. Đúng, nhưng tại sao chị Hồng xuất bản sách "68 ngộ nhận và giác ngộ về nuôi con sữa mẹ" thì bị chỉ trích là lợi dụng kiếm tiền? Chị Hồng tư vấn và cung cấp nhiều tài liệu miễn phí dịch từ WHO thì không được lời khen, lại bị chê vì đưa ra một số thông tin sai lệch. Không có chị ấy, thì có hàng ngàn bà mẹ nhận thức được về nuôi con bằng sữa mẹ, da tiếp da, kẹp dây rốn chậm hay không? Lúc đấy chị bác sĩ sữa mẹ và các bác sĩ sản nhi khác ở đâu? Chị Hồng không phải là giáo chủ của một giáo phái, không có bùa mê thuốc lú, không dễ dàng nhiều bà mẹ tin theo cuồng tín đến thế nếu không có những trải nghiệm thành công của những bà mẹ trẻ trong group. Họ thực hành thành công và chia sẻ lại, là động lực để các bà mẹ khác cố gắng. Ít ra là họ đã cố gắng đọc để tăng hiểu biết, cố gắng để con họ được hưởng dòng sữa mẹ, và giờ họ lên tiếng bảo vệ cho ân nhân của họ, để bị cộng đồng gọi là ngu dốt, cực đoan. Chưa kể trong group cũng có admin Quỳnh Chi lúc đó đang học ngành y tá ở Thụy Điển, admin Nguyen Dao có nhiều năm tham gia Hiệp hội sữa mẹ Úc, một số thành viên trong group cũng là bác sĩ.

Câu chuyện buồn vẫn chưa khép lại. Thực lòng mình mong, các bà mẹ sữa hãy mở lòng ra với nhau, đừng cực đoan chỉ trích đôi bên. Những bà mẹ nuôi con bằng sữa công thức, hãy dành thời gian để tìm hiểu vì sao mình thiếu sữa, mất sữa. Nếu cố gắng rồi vẫn không được thì buông. Còn nếu chưa cố gắng, đã đổ cho cơ địa, stress thì người thiệt thòi chính là mẹ con các bạn. Những bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ thành công, hãy tư vấn tận tình, thật tâm, đừng bài xích. Các bác sĩ hãy thôi kiêu ngạo đăng bài mắng các bà mẹ ngu dốt, hãy tích cực nói chuyện với bệnh nhân, viết sách khai mở kiến thức. Thời mình nuôi con, chỉ biết mỗi cuốn sách "Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng" của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Báo chí, bác sĩ chê các bà mẹ cho con ăn dặm sai cách, nhưng không có nổi một cuốn sách dạy ăn dặm, phải chờ khi dịch sách Ăn dặm kiểu Nhật và Baby Led Weaning mới có mà tham khảo. Mà món ăn trong các sách đó là các món Nhật và Tây! Sách dạy nuôi con bằng sữa mẹ cũng chẳng có cuốn nào, cho đến khi có cuốn đầu tiên của chị Hồng "68 ngộ nhận và giác ngộ về nuôi con sữa mẹ". Và báo chí thì thôi đăng những bài lá cải, những tin đồn vu khống trắng trợn như vụ bà mẹ sinh con tại nhà bị chết như vừa rồi. Thông tin đến tai người đọc, nếu tốt thì nó ươm mầm, còn nếu sai thì nó là rác. Xã hội quá nhiều rác thì con người sẽ ra sao?

No comments:

Post a Comment