Thursday, November 23, 2017

NGHĨ VỀ GIÁO DỤC VIỆT NAM

Hôm nay tự nhiên bắt gặp một bài viết của tác giả Nguyen Huu Hop về tình trạng học thuộc lòng, thấy liên kết ý tưởng với nhiều bài viết tương tự mình đã đọc, thế là lại muốn viết một bài về thực trạng chung của giáo dục Việt Nam từ thời mình đi học, cho đến giờ con mình học vẫn không thấy nhiều thay đổi.
-------------- HỌC THUỘC LÒNG ------------------
(FB Nguyen Huu Hop)
"RẮN, BÒ và VẸT.
Hồi xưa đi học tiểu học, cách đây trên 40 năm, bọn mình hay trêu nhau đọc ê a "rắn là một loài bò (nghỉ một tí)... sát không chân". Yếu tố thực thì ít, nhạo báng việc học thuộc lòng như con vẹt thì nhiều.
Bây giờ, điều đáng buồn là, nhiều thầy cô giáo (nếu không nói là phổ biến) vẫn nghĩ và nói công khai "môn-thuộc-lòng" và yêu cầu học sinh học thuộc lòng (từ tiểu học đến trung học cơ sở và trung học phổ thông).
1) LỢI cho ai?
- GV: Đối với những giáo viên yếu chuyên môn, cứ đọc cho học sinh chép, cứ bắt các em học thuộc lòng rồi nhắc lại là "ổn", lại "khỏe". Đấy nhá, vừa "đúng" kiến thức như trong sách giáo khoa, vừa "tiết kiệm" thời gian (dành thời gian để "đắp chăn" cho Toán và TV) lại "an toàn".
- CBQL: Một trong những cái phi lí của giáo dục nước ta là quan niệm sai về "giỏi" - đã là học sinh "giỏi" phải giỏi Toán và TV ("người ta" đâu biết rằng, ngoài Toán và TV, còn có đến 6 trí thông minh khác; may là theo Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học, nay không xếp loại HS "giỏi" nữa). Do đó, ở tiểu học chẳng hạn, "họ" chỉ quan tâm đến Toán, TV, còn các "môn phụ" cứ "thuộc" là được. BGH cho đề thi thuộc lòng (cho "đề cương" trước, học sinh về nhà học thuộc để thi), kết quả cao ngất ngưởng để có thứ mà khẳng định "gà" nhà mình gáy thật to (không thua gà hàng xóm!). Bệnh!?
2) HẠI cho ai?
- HS: Bị ép học thuộc lòng nhiều biến các em thành những con vẹt và hơn thế nữa: i) những gì các em thuộc hôm nay thì mai sẽ quên một nửa, ngày kia quên gần hết, tuần sau thì không còn nhớ gì; ii) không phát triển được tư duy, trí não (trong lúc đó, tư duy mới là thứ quan trọng, kiến thức chỉ là kết quả của tư duy); iii) chán học, sợ học, học kém rồi bỏ học; iv) sinh ra những tính xấu như cáu gắt, (thậm chí có em) chửi thầy cô chỉ vì (thầy cố) bắt học thuộc nhiều...
- Phụ huynh: Con cái đọc ê a, sau đó, nhờ cha mẹ "dò" xem mình đọc đúng chưa. Thấy con mình đọc đúng, cha mẹ "ngộ nhận" con mình "giỏi"(?), hài lòng về kết quả học tập của con (mà không biết rằng đó là thứ GIẢ TẠO, không hề thực chất).
- Xã hội: Những công dân được giáo dục như thế này chỉ biết ăn theo, nói leo mà không hề có tính sáng tạo; rồi xã hội phải giải quyết hậu quả của những trẻ bỏ học, thất học (mặc dù các cháu rất thông minh, nhưng thiệt thòi là gặp phải những giáo viên dốt - xin lỗi mọi người) rồi làm những điều xấu xa cho xã hội...
3) NGUYÊN NHÂN
- Đối với những lớp có sĩ số HS đông, khó có thể tổ chức được hoạt động cho các em.
- QL chỉ đạo chuyên môn dạy và học theo khuôn mẫu hoặc không kiểm soát được việc dạy của giáo viên; quá coi trọng đến mức lệch lạc 2 môn "chính" là Toán và TV (từ đó, GV phải đối phó với việc này).
- GV yếu kém chuyên môn, thiếu trách nhiệm trong công việc; dành quá nhiều thời gian cho 2 môn "chính" là Toán và TV (có khi lến đến 50 phút hoặc hơn, trong lúc đó, mỗi tiết ở tiểu học trung bình 35 phút), còn những môn "phụ" dạy qua loa, cắt xén thời gian, thậm chí bỏ tiết.
- Phụ huynh cũng "tiếp tay" cho GV - kiểm tra việc học của con thì nhiều người hỏi "Con đã thuộc bài chưa?"...
- SGK được biên soạn theo lối bày sẵn kiến thức, vô tình khuyến khích học sinh học vẹt.
- Chương trình nặng, xa rời thực tiễn, nội dung khô cứng làm cho giáo viên khó dạy một cách thích hợp.
- Phương tiện dạy học chủ yếu là sách giáo khoa và lời nói của giáo viên; các phương tiện hỗ trợ như tranh ảnh, đa phương tiện (máy tính, máy chiếu...) chủ yếu dành để phục vụ cán bộ quản lý dự giờ(!).
4) THAY ĐỔI NHƯ THẾ NÀO?
- Giảm sĩ số HS những lớp đông.
- Về nội dung: Nên bổ sung những nội dung thực tiễn, gần gũi, thiết thực với cuộc sống thường nhật của học sinh.
- Về phương pháp: Hãy biến học sinh thành "diễn viên", giáo viên trở thành "đạo diễn".
- Về phương tiện: Tăng cường các phương tiện dạy học khác nhau như tranh ảnh, đa phương tiện...
- Về hình thức: Không chỉ học trong lớp, tăng cường học ngoài lớp, tại hiện trường; phối hợp học toàn lớp, theo nhóm, cá nhân...
- Về kiểm tra, đánh giá: Nên cho học sinh diễn đạt theo cách hiểu của mình, yêu cầu HS dùng kiến thức, kỹ năng để giải quyết các vấn đề thực tiễn...
@ Theo John Dewey, "giáo dục chính là cuộc sống" mà không phải chuẩn bị cho cuộc sống. Do đó, mục đích giáo dục phải là "...giúp học sinh có CUỘC SỐNG TỐT ĐẸP". Để học sinh có cuộc sống tốt đẹp, ĐỪNG biến các em thành những con VẸT."

----------- RA ĐỀ THI ---------------
 (Trích - FB chị Laida)
"Dừng lại, các bạn có thấy đây giống như một đề thi dưới mái trường XHCN chúng ta và con chúng ta thường xuyên gặp không? Luôn là một câu hỏi mang tính bao quát kiểu : Hãy nêu nguyên nhân, diễn biến, ý nghĩa cuộc khởi nghĩa... Hiện tượng cảm ứng điện từ? Nêu ứng dụng của nó trong đời sống.... Làm đứa trẻ phải học thuộc từng ý, từng chữ, từng con số... viết mãi viết mãi vẫn chưa đúng, chưa hết ý của người chấm bài. Cô giáo nhàn - học sinh oải, đó là cách ra đề của giáo dục Việt nam nhiều năm nay."

Câu hỏi kiểu "Nêu nguyên nhân, diễn biến, ý nghĩa, hiện tượng, ứng dụng..." quả là quen thuộc quá :) Ngày xưa mình đi học cũng phải nhớ là trả lời câu hỏi này thì phải đủ bằng này ý, rồi thì triển khai từng ý một ra sao. Ngày ấy chưa biết đến vẽ Mindmap để dễ hình dung, nhưng mà phải nhớ từng gạch đầu dòng là gì, từ môn Văn cho đến Sử Địa, GDCD, thậm chí cả môn Kỹ thuật nông nghiệp. Thế nên, khỏi phải nói vì sao mình cực ghét các môn xã hội.
Giờ thì đã hiểu ra vì sao lại thế. Vì thầy cô không thích ra đề kiểu trắc nghiệm, hay đề gợi mở. Đề kiểu tổng quát như kia thì 5' là biên xong. Học thuộc lòng rồi thì điểm rất chi là cao, vì có khuôn mẫu rồi cứ thế mà thuộc. Chứ mà đề đánh đố kiểu học trò phải tự suy nghĩ, tự đọc nhiều sách khác rồi tự rút ra kết luận thì cầm chắc điểm mặt bằng chung là thấp. Đấy là bệnh thành tích. Rồi còn gì nữa? Học trò làm xong thì quyền cho điểm là ở thầy cô. Ý này thầy cô thấy hay thì cho điểm tốt. Kiểu như "phân tích ý đồ của tác giả", chẳng ai là tác giả để mà nói đúng ý tác giả, nhưng nếu học sinh làm không theo hướng dẫn của thầy cô thì dễ điểm thấp hơn. Vậy nên phải ôn, phải luyện, phải học thêm, những lời thầy cô dạy thì phải chép hết vào vở. Chứ đáp án rõ rành rành như trắc nghiệm multiple choice question thì còn nói làm gì.

---------- PHƯƠNG PHÁP HỌC -------------
(Trích - sách Effortless English)
"Hầu hết các trường học, ở khắp mọi nơi trên thế giới đều có chương trình giảng dạy bí ẩn tương tự nhau. Một nhân tố trong các chương trình đào tạo này là sự thụ động của học sinh. Trong trường học, học sinh được đào tạo trở nên thụ động, chứ không chủ động. Các em ngồi trên ghế thành hàng. Khi còn nhỏ, các em được yêu cầu phải giữ trật tự và tuân theo giáo viên. Khi giáo viên giảng bài, học sinh ghi chép lại. Sau đó, học sinh được yêu cầu phải ghi nhớ những ghi chép đó để chuẩn bị cho bài kiểm tra. Thông điệp rất rõ ràng - học tập là một hoạt động thụ động. Bạn nghe giáo viên, bạn ghi chép, và bạn ghi nhớ các ghi chú đó.
Nếu chương trình giảng dạy bí ẩn là xấu, tại sao các trường học và giáo viên tiếp tục làm theo nó? Sự thật về hệ thống giáo dục của chúng ta đó là chương trình giảng dạy tồn tại để tạo lợi ích cho các trường học, chứ không phải là học sinh. Giáo viên sử dụng các phương pháp này vì chúng được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho các giáo viên, chứ không phải cho học sinh. Chương trình giảng dạy bí ẩn khiến sinh viên trở nên thu động. Nó tạo ra các học sinh biết vâng lời. Học sinh thụ động và vâng lời thì dễ kiểm soát, giúp cho công việc của giáo viên và lãnh đạo nhà trường dễ dàng hơn. Ví dụ, sách giáo khoa giúp cho công việc của giáo viên dễ dàng hơn nhiều. Bằng cách sử dụng sách giáo khoa, giáo viên không cần thiết phải thiết kế bài giảng cho mỗi lớp. Lập giáo án là công việc khó, và sách giáo khoa làm cho việc này dễ dàng hơn nhiều. Giáo viên có thể chỉ cần dạy theo sách giáo khoa mà không tốn quá nhiều công sức. Nhiều giáo viên thậm chí còn không khác gì những người đọc sách giáo khoa. Mỗi ngày họ đọc sách giáo khoa cho học sinh nghe, dạy theo sách một cách mù quáng".

Đoạn trích trên phân tích chương trình dạy tiếng Anh ở các trường học, nhưng mình thấy nó đúng cho rất nhiều môn. Việc dạy theo sách giáo khoa mà thầy cô không có gợi mở cho học sinh tìm tòi trên các nguồn học liệu khác, là một tác nhân quan trọng làm thui chột khả năng tự học và tư duy phản biện của học sinh. Với tình trạng quản lý giáo dục như hiện nay, thì sách giáo khoa được coi như thánh chỉ, việc dạy, học và ra đề buộc phải xoay quanh nội dung sách giáo khoa, thậm chí nếu thầy cô dạy ngoài lề thì có khi "cháy giáo án". Nhìn sang nước Mỹ, họ có một khung chương trình chuẩn Common Core States Standard, họ có nhiều bộ sách giáo khoa do các NXB tư nhân phát hành với nội dung đáp ứng khung chương trình, tùy theo bang hoặc trường học lựa chọn bộ sách nào thì học sinh học theo bộ sách đó. Không chỉ vậy, trước mỗi giờ lên lớp, giáo viên cũng chuẩn bị nhiều tài liệu tham khảo khác nhau ngoài sách cung cấp cho học sinh để phong phú thêm bài giảng trên lớp, và để học sinh tự học thêm ở nhà. Tài liệu tham khảo có thể là những worksheet được chia sẻ bởi hội giáo viên, có thể là nội dung trên nhiều website giáo dục, có thể là những phần mềm mà nhà trường đã mua gói trường học, giáo viên tạo tài khoản cho các em vào sử dụng. Mình biết đến điều này qua trang Học kiểu Mỹ tại nhà của cô Thu Hồng.
Giáo dục Việt Nam bao giờ cho ra được thế hệ học sinh có thể tự học và có tư duy phản biện còn là câu hỏi chưa có lời đáp. Chừng nào hệ thống giáo dục hướng tới các em, lấy các em làm trung tâm, thì chừng đó các em mới được hưởng lợi ích, đồng nghĩa với việc hệ thống quản lý giáo dục và giáo viên buộc phải thay đổi theo hướng sáng tạo, năng động, lao động nhiều hơn. Nhìn thực trạng điểm chuẩn đầu vào ngành sư phạm thấp so với mặt bằng chung, bao nhiêu tiền ngân sách dồn cho cải cách sách giáo khoa vô hiệu thì thấy vấn đề này sẽ còn rất nan giải.

-----------------------
- RẮN, BÒ và VẸT (FB Nguyen Huu Hop): https://www.facebook.com/nguyenhuu.hop.94/posts/393182327511264
- QUYỀN VÀ GIÚP ĐỠ (FB chị Laida): https://www.facebook.com/LaidaHanoi/posts/308696786155416
- Sách Effortless English: https://tiki.vn/luyen-noi-tieng-anh-nhu-nguoi-ban-ngu-tai-ban-kem-dvd-hoac-dung-app-ve-7-rules-effortless-english-p459173.html
- Trang Học kiểu Mỹ tại nhà: https://www.facebook.com/hockieumytainha/