Monday, September 3, 2018

Chuyện đánh vần trong sách CNGD

Mình tuổi đã đầu 3, nhưng thỉnh thoảng đọc sách và học cùng con cũng tiếp thu được nhiều cái mới thú vị.

Đầu tiên là phương pháp học đọc tiếng Anh phonics, tức là học đọc bằng cách đánh vần. Thế hệ mình học tiếng Anh khi đã lớn tuổi, học theo kiểu chép từ mới mỗi từ 2 dòng, kiếm đâu ra kiểu học đánh vần. Trẻ con bây giờ được tiếp xúc với phonics từ sớm từ khi chưa vào tiểu học, và học đọc bằng phonics. Trong phonics có dạy rất rõ từng chữ cái sẽ có tên và âm riêng (ví dụ chữ A có tên là letter "ei", và âm là /a/), sau đó ghép các âm với nhau sẽ ra cách đọc từ, ví dụ từ hat sẽ là 3 âm ghép lại /h//a//t/. Tiếng Việt cũng tương tự thế, chữ B có tên là "bê", và đọc là "bờ", ghép với âm và dấu sẽ được /bờ//o/ => bo

Tiếp đó là phân biệt giữa Fact và Opinion. Trong sách tiếng Anh, đây là một kỹ năng đọc hiểu mà bọn trẻ cần phải học từ khi tiểu học. Trong tiếng Việt, 17 năm ngồi trên ghế nhà trường chẳng ai dạy mình về cái này cả, nên trước đấy mình vẫn lẫn lộn khi tranh luận với bất kỳ ai. Hiểu nôm na Fact là cái gì xảy ra trong thực tế, có thể chứng minh được. Opinion là quan điểm của người đọc/người viết. Áp dụng nó trong đọc hiểu và trong tranh luận, sẽ thấy nguyên tắc tranh luận phải dựa trên Fact mới ra được kết luận đúng sai, nếu 2 người tranh luận mà đều chỉ toàn Opinion thì không bao giờ kết thúc được. Đã gọi là Opinion thì muôn hình vạn trạng, và vì là quan điểm nên cần được tôn trọng, vì sự khác biệt mới tạo nên cuộc sống muôn màu.

2 thứ mình học được trên kia khiến cho mình lặng im trước cơn bão mấy ngày qua phản đối cách đánh vần trong sách Công nghệ giáo dục của ông Hồ Ngọc Đại. Đây là bộ sách đã áp dụng nhiều năm ở trường Thực nghiệm, và kết quả thì không thấy có số liệu thống kê rõ ràng, nhưng nhiều người vẫn tranh cãi. Tức là thiếu Fact, nên mọi ý kiến bênh vực hay phản biện đều chỉ là Opinion, thế nhưng vẫn tranh cãi nảy lửa, thậm chí theo hướng công kích cá nhân ông Hồ Ngọc Đại. Nhiều người không phân biệt được giữa tên chữ cái và âm của chữ cái, nên mới có bài phản biện hài kiểu tam giác vuông Cờ Cờ Cờ như hình dưới đây, thủ tướng cũng không phân biệt được, nên mới đọc CMVL là Cờ Mờ Vờ Lờ (đúng ra phải đọc theo tên của chữ cái).

Image may contain: text
Bao giờ VN triển khai được một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, thì lúc đó cải cách giáo dục sẽ có nhiều tiến bộ. Bao giờ mà SGK còn được coi như thánh chỉ thì lúc đó giáo viên và học sinh còn phải khổ sở nhồi kiến thức và học thuộc lòng.

Các bài tham khảo:

- Tác giả Nguyễn Lân Hiếu: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10216899368987079&set=a.4928685585548&type=3
- Tác giả Chu Mộng Long: https://www.facebook.com/Chumonglong/posts/2339355169412046