Thursday, February 2, 2017

NUÔI CON THUẬN THEO TỰ NHIÊN

"Nuôi con thuận theo tự nhiên" là cụm từ mình học được từ Hội sữa mẹ Betibuti. Chị Admin của Hội thường xuyên dùng từ này, và mình thấy rất ấn tượng. Tiếc là sau này Hội có những vấn đề lùm xùm, và nhiều bà mẹ đã từ bỏ Hội, nhưng những kiến thức mình đã học và áp dụng được từ Hội đó thật sự đáng quý với cá nhân mình. Sau này, tổng kết lại quá trình nuôi con của mình, cụm từ "Thuận theo tự nhiên" giống như là triết lý, là kim chỉ nam cho mình mỗi khi cần lựa chọn điều gì. Bài viết ngày hôm nay là chia sẻ, đồng thời cũng là tâm sự về quan điểm nuôi con của mình theo hướng thuận tự nhiên đó.

1. Sinh thường
Một phần do may mắn; một phần do lúc mang thai, mình chủ động kiểm soát cân nặng không để con quá to dẫn đến mẹ không sinh thường được. Lợi ích của sinh thường thì hầu như ai cũng biết. Con được ép ra dịch và đờm dãi ở phổi và con nhận được miễn dịch đầu tiên từ mẹ. Đây là bước khởi đầu tốt đẹp cho sức khỏe của con sau này.

2. Nuôi con bằng sữa mẹ
Có một câu chúng ta thường xuyên nghe và công nhận "Sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ", thế nhưng khi làm thì thường ngược lại. Mình nghĩ một phần do bà mẹ thiếu tự tin vào sữa của mình, một phần do sữa công thức quảng cáo tốt và quá phổ biến trên thị trường. Với bé đầu, mình cũng không đi ngoài vòng xoáy đó. "Sữa mẹ tốt cho con à, đúng đấy. Nhưng mẹ thiếu sữa thì phải cho con uống sữa công thức, sữa mẹ mà xấu (con tăng cân ít) thì cũng nên cho con bổ sung sữa công thức", mình đã từng được nói cho nghe như thế, và đã từng nghĩ như vậy đấy. Chung quy cũng là vì, ai cũng đã nghe câu "sữa mẹ tốt", nhưng lại không biết tốt ở điểm nào, và không biết hơn sữa công thức ở điểm nào, không biết sữa mẹ có điều gì kém sữa công thức hay không... Vì vậy, nuôi con BSM và SCT đến bây giờ vẫn đang là cuộc chiến tranh giữa 2 phe. Với mình, đến bé thứ 2, mình đã thay đổi quan điểm và lựa chọn nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, không sữa công thức.

Với bé đầu, mình nuôi hoàn toàn sữa mẹ cho đến 5.5 tháng. Đến khi đi làm, buổi trưa vẫn về cho bé bú và vắt sữa để lại cho buổi chiều. Bé dứt sữa mẹ lúc 9 tháng và tiếp tục với sữa công thức, do mẹ bệnh. Nhưng nguyên nhân cũng xuất phát từ sai lầm vì thiếu kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ. Với bé đầu, nuôi con BSM khá là stress, do tác động nhiều của mọi người xung quanh. Mình bị cho là ít sữa và sữa xấu nên con không bụ sữa. Áp lực của mình, chắc cũng giống khá nhiều bà mẹ khác là phải ăn thật nhiều để có nhiều sữa. Ngoài ra, con không được bụ bẫm dù nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn, nên nhiều người nhìn vào bảo mình là "Mẹ thì béo mà con thì gầy, mẹ ăn hết phần con". Tâm lý tự ti chỉ được giải tỏa cho đến khi mình sinh bé thứ 2, gia nhập Hội sữa mẹ Betibuti, trong đó tài liệu của Hội giải thích bé mập hay gầy là do cơ địa, thành phần sữa của các bà mẹ gần như giống nhau. Với sữa của cùng 1 bà mẹ đưa cho 2 bé ăn thì cũng cho ra output khác nhau. Nhưng chỉ mình thì giác ngộ, còn họ hàng và xung quanh vẫn còn nhiều người nhìn mình theo hướng cũ, nghĩa là, ngay từ giai đoạn nuôi con BSM, mình đã là một "bà mẹ tồi". Nói như vậy, để các bạn FB của mình hiểu rằng, mình đã phải kiên trì và lì lợm như thế nào để quyết định tiếp tục nuôi con BSM.

Đến bé thứ 2, được nuôi hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu, và tiếp tục đến 24 tháng. Hành trình nuôi con BSM lần 2 cũng gặp nhiều khó khăn. Mẹ cũng bị bệnh và phải uống thuốc kháng sinh. Mẹ vừa đi làm vừa đi học, đôi lúc stress cũng bị giảm sữa. Khi bé được hơn 1 tuổi, cũng nhiều người nói ra nói vào về việc cai sữa, rằng để lâu sẽ khó cai, con bám mẹ. Nhưng lần này có kiến thức đồng hành, nên mình rất tự tin và không còn phụ thuộc vào lời nói của mọi người xung quanh nữa. Cùng lúc đó, nhiều thông tin trái chiều về sữa bột xuất hiện trên Internet, mình đã không còn "thần tượng" sữa tươi và sữa công thức như hồi sinh bé đầu.

3. Nói không/hạn chế với đồ ăn hại sức khỏe

2 bé nhà mình được/bị bố mẹ hạn chế tiếp xúc với các đồ ăn công nghiệp ít dinh dưỡng mà hại sức khỏe như: bánh, kẹo, nước ngọt, xúc xích, bim bim... Điều này dường như là một cuộc chiến. Ông bà phản đối, nói người lớn ăn được mà sao không cho trẻ con ăn. Đi chơi đến nhà bè bạn, thấy mình hạn chế bé ăn, mọi người cũng ái ngại. Rất nhiều người không hiểu tại sao vợ chồng mình lại hạn chế bé, dù rằng trên Internet, trong sách vở, đã có rất nhiều bài phân tích về các đồ ăn "junk food" như này. Mình nghĩ quan niệm của mọi người rồi sẽ dần thay đổi, nhưng thực tế là thỉnh thoảng 2 bé vẫn mang về bánh kẹo bim bim mỗi dịp sinh nhật bạn nào đó trong lớp; và đi công viên, mình thấy nhiều nhà vẫn mang theo bánh kẹo cho con ăn vặt.

4. Hạn chế thuốc men
Ngay từ khi nuôi bé đầu, do biết rõ tác hại của thuốc kháng sinh, mình đã tìm cách hạn chế cho bé uống. Chủ yếu là bệnh về đường hô hấp. Nhiều lần bé ốm, lo lắng đưa bé đi khám bệnh, bác sĩ kê thuốc, về nhà đọc kỹ đơn thuốc và hướng dẫn sử dụng. Rồi băn khoăn, rồi lăn tăn, lúc thì tìm cách trì hoãn, rồi cho uống thuốc theo kiểu dân gian, đến khi bệnh nặng thêm rồi cũng phải cho uống thuốc BS kê. Khi thì bớt thuốc, ví dụ BS kê cả thuốc kháng sinh, chống viêm, siro ho, siro dị ứng, mình không cho uống siro ho và dị ứng. Tích cực vệ sinh mũi họng cho bé. Hồi bé mới đi học mầm non, thực sự mình khá stress mỗi khi bé ốm. Vừa lo cho bé, vừa đau đầu với việc cắt xén thuốc men. Ông bà ngoại, là người trực tiếp nhìn thấy quá trình mình chăm sóc bé cũng phản đối. Ông bà bảo, người lớn bệnh cũng phải uống thuốc, vậy mà trẻ con không cho uống, sao nó khỏi được. Dần dà, con mình cũng lớn lên, và số thuốc phải dùng mỗi lần ốm ít dần, thế là mình tự tin hơn. Từ hồi 5 tuổi đến giờ, bé hầu như rất ít bị bệnh đường hô hấp nữa, chỉ vài lần sổ mũi mà không ho. Hệ miễn dịch của bé đã tốt dần lên theo tuổi. Và mình cũng nghĩ do hạn chế dùng thuốc, mà mình đã tạo điều kiện cho hệ miễn dịch của bé làm việc tốt.

Đến bé thứ 2, mình bạo gan hơn. Không chỉ hạn chế thuốc kháng sinh, mà cả thuốc hạ sốt. Công cụ của mình để trị bệnh hô hấp cho bé, chỉ có nước muối sinh lý (lúc nhỏ) và chai xịt nước muối biển (lúc lớn), và mật ong mỗi khi bé ho. Lần này ông bà ngoại không cản nữa. Trị bệnh tiêu hóa thông thường thì chỉ có bù điện giải và men vi sinh (sau này cũng ít dùng). Riêng thuốc hạ sốt, lúc đầu mình vẫn nhất nhất theo bài 38.5 độ thì cho uống. Rồi nhớ đến một lần lúc nuôi bé đầu, có anh bạn kể chuyện, khi chị gái anh ấy ở Úc, bác sĩ nói có thể sốt đến 39-40 độ vẫn không cần dùng thuốc hạ sốt. Lúc ấy mình phản ứng lại ngay, vì theo những gì mình đọc được, thì nếu để bé sốt cao sẽ gây co giật, ảnh hưởng đến não. Đến giờ mình lại nghĩ khác. Thuận theo tự nhiên mà, sốt là cơ chế phản ứng tốt của cơ thể chống lại bệnh tật, sao mình lại phải ngăn cản nó. Thời mà chưa có thuốc hạ sốt, thì con người phải làm thế nào? Vậy là làm phép thử dần dần trên chính bé thứ 2 nhà mình. Đầu tiên để đến 39 độ không cho uống thuốc hạ sốt, tất nhiên vẫn chườm mát và bổ sung nước và điện giải. Không thấy bé co giật. Rồi lần ốm sau là 39.5, thậm chí 40 độ vẫn không thấy co giật. Mặc dù bé rất mệt mỏi, nhưng khi quan sát phản ứng của bé, vẫn thấy biểu hiện bình thường, nên mình yên tâm, lại chỉ chườm mát, cho bổ sung nước và bù điện giải. Đã lâu nay bé sốt cao mình không cho uống thuốc hạ sốt, nhưng vẫn chú ý chườm và lau cho bé, để nhiệt độ của bé về khoảng 39 độ cho bé dễ chịu. Những lần sốt nhẹ, thì hầu như không phải can thiệp gì. Qua những lần không uống thuốc hạ sốt như thế, mình có so sánh với những lần trước, thấy bé khỏi ốm nhanh hơn. Cũng đúng thôi, vì nhiệt độ cao đã giúp tiêu diệt nhiều vi khuẩn/virus gây hại cho bé.

Với cả 2 bé, mình đều không cho bổ sung Calcium hay Vitamin D. Bởi vì mình tự tin với ánh nắng của miền nhiệt đới, cố gắng cho các bé chạy nhảy chơi đùa nhiều dưới nắng. Việc hạn chế nhiều loại thuốc men này hẳn là có nhiều ý kiến trái chiều. Ngay cả mình đọc những bài nói chuyện của giới bác sĩ cũng thấy nhiều điểm mâu thuẫn. Áp dụng vào từng bé một có khi cũng khác. Mình âm thầm lựa chọn áp dụng cho 2 bé nhà mình cho đến giờ vẫn thấy tạm ổn. Bé thứ 2 gần 2.5 tuổi, đã đi học nhà trẻ gần 1 năm, hơn 1 năm nay không cần dùng thuốc kháng sinh và hạ sốt. Bé chưa nằm viện lần nào. Làm bạn với mỗi lần sổ mũi và ho của bé, vẫn là nước muối biển và mật ong. Bé đầu thì từ lúc 5 tuổi đến giờ có 2 lần sốt nhẹ, 1 ngày là khỏi. Gần đây mình thấy có một chị dược sĩ tổ chức các buổi diễn thuyết về chủ đề "Nuôi con không dùng thuốc". Mình không đi nghe, nhưng từ khi biết điều này, mới thầm nghĩ hóa ra mình cũng không cô độc. Do là việc điều trị bệnh chỉ diễn ra ở nhà, nên rất may chỉ có ông bà ngoại chứng kiến và phản đối, đến giờ ông bà đã không còn phải đối nữa. Mình đã không bị ai khác xung quanh tác động làm lung lạc tinh thần, và rất may là chồng thì luôn ủng hộ.

5. Và kết quả
2 bé nhà mình chiều cao và cân nặng là bình thường theo chuẩn tăng trưởng và phát triển của WHO, nhưng lại thấp bé hơn nhiều bạn cùng trang lứa. Điều này làm mình khá là đau khổ. Không chỉ trong họ hàng, làng xóm, mà đi đâu các bé cũng bị nhận xét là còi. Và mẹ thì, tất nhiên, là được nhận xét vụng về không biết chăm con. Những người đó, qua nói chuyện, có đến hơn nửa là chưa biết đến những gì mình đã đọc, số còn lại có lẽ muốn qua việc chê mình để khẳng định họ là bà mẹ tốt. Mình không tranh luận, mà chỉ cười trừ, công nhận, các bé nhỏ thật, "chúng nó ăn tốt nhưng cứ còi thế đấy", vì đơn giản là, ngay từ quan điểm đầu tiên về việc chăm con, đó là cách hiểu chuẩn tăng trưởng và phát triển của WHO bọn mình đã khác nhau rồi. Và vô số lý do được mọi người đưa ra cho việc con mình còi là do mẹ cho ăn đồ đông lạnh (mình làm viên thịt cá đông lạnh cho từng bữa, học theo ăn dặm kiểu Nhật của mẹ Ổi, rau vẫn là rau tươi), mẹ cho ăn thô sớm (bé 2 cho ăn finger food có hơi hướng Baby Led Weaning), ăn cơm sớm (bé đầu 2 tuổi, bé sau 1.5 tuổi). Mỗi lần ông bà nội gặp cháu, câu đầu tiên luôn là “Ôi, sao lại gầy thế này?” Đỉnh điểm Tết năm nào, chị họ ngồi giữa mâm hỏi thăm mình "Bé thứ 2 đã rút kinh nghiệm hơn chưa, bé đầu cho ăn đông lạnh kiểu thế nên bị còi". Mình chỉ cười buồn trả lời "Tây bây giờ đang phải lo béo phì chị ạ, sau này về già nhiều bệnh tim mạch lắm". Biết là trả lời thế chỉ là chống chế, và mình vốn không lo về cân nặng, nhưng lại lo về chiều cao. Mình vẫn hi vọng sẽ cải thiện chiều cao cho con bằng cách hướng các con tập thể thao nhiều sau này. Gần đây biết đến bài chia sẻ của BS Huyên Thảo "Cân nặng của con", mình cảm thấy yên tâm hơn với cách nuôi con của mình.

Bù lại, mình thấy may mắn và hạnh phúc vì ít phải lo con ốm. Tuy mình cũng xanh mặt nhiều lần, nhưng không phải ở viện dài ngày với con. Bé đầu nhập viện 2 lần do sốt cao co giật, ngày hôm sau được xuất viện. Cả 2 lần đều do người lớn chủ quan khi chăm sóc bé. Bé sau thì chưa nhập viện lần nào. Mình cũng có kinh nghiệm đau khổ với một vị BS có tiếng trong ngành TMH khi con bị chẩn đoán viêm tai giữa nhầm. Nhưng hơn 1 năm gần đây, các bé đều mạnh khỏe và không cần đi khám TMH, tiêu hóa nữa.

6. Một số trang mà mình đã tham khảo và thấy hay, phù hợp với quan điểm nuôi con của mình
- Đánh giá sự tăng trưởng ở trẻ - BS Tiến Đoàn : https://www.facebook.com/notes/5966...
- Sốt co giật ở trẻ em - BS Tiến Đoàn: https://www.facebook.com/notes/doan...
- Truyền thuyết về thiếu Calcium hay Vitamin D - BS Tiến Đoàn:
+ Tập 1: https://www.facebook.com/notes/doan...
+ Tập 2: https://www.facebook.com/notes/doan...
+ Tập 3: https://www.facebook.com/notes/doan...
+ Tập 4: https://www.facebook.com/notes/doan...
- Cân nặng của con - BS Huyên Thảo: https://www.facebook.com/huyenthao....
- Hội sữa mẹ Betibuti: https://www.facebook.com/groups/bet...

No comments:

Post a Comment