Đầu xuân phố sách vui rộn ràng, chương trình We Love Reading cũng khơi gợi trẻ niềm đam mê đọc sách: https://www.facebook.com/events/224895771406829/
Dịch giả Vũ Danh Tuấn cũng vừa có hai bài lì xì đầu năm cho độc giả về hướng dẫn cha mẹ giúp con đọc sách:
https://www.facebook.com/Vu.Roger/posts/1561568060631562
https://www.facebook.com/Vu.Roger/posts/1563434003778301
Hẳn ai cũng biết chuyện đọc sách rất quan trọng. Đọc sách là một hình thức giải trí và tự học. Nếu duy trì được thói quen đọc sách, kiến thức con người - dù đã bước qua cánh cửa trường học bao năm - vẫn được mở rộng cho đến hết cuộc đời. Sách vừa là người bạn, vừa giúp định hình tính cách, hướng con người đến kiến thức và những điều tốt đẹp.
Ngày mình còn nhỏ đã may mắn lớn lên cùng với tủ sách của bố mẹ. Tuy không có ai dẫn dắt, nhưng mình tự hình thành sở thích đọc sách một cách tự nhiên. Thuở ấy chưa có truyện tranh, mình đọc bắt đầu bằng bộ Tây Du Ký, rồi thích, rồi đọc đi đọc lại. Lớn lên nữa thì các truyện cổ tích, dân gian như Trạng Quỳnh, Xiển Bột, từ các nhà văn Nam Cao, Nguyễn Công Hoan của Việt, rồi Tam Quốc, Chinh đông chinh tây của Tàu cho đến các đầu sách văn học kinh điển phương Tây. Cuối cấp 1 thì làm quen với truyện tranh Nhật Bản bắt đầu từ 10 tập Doremon đầu tiên, sau đó là Dũng sĩ Hesman, 7 viên ngọc rồng, Thủy thủ mặt trăng. Mình cũng yêu thích sách khoa học từ bộ 2 cuốn Vật lý vui, rồi bộ sách 10 vạn câu hỏi vì sao, Chìa khóa vàng. Sau đấy rồi đắm chìm trong các tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung, nói chung là có gì đọc nấy.
Sách xưa hiếm nhưng quý và nội dung hay. Sách nay nhiều nhưng sách nhảm cũng nhiều. Trẻ bây giờ có tivi, ipad, smart phone nên không nhiều trẻ ham đọc sách. Bố mẹ bây giờ cũng khó khăn hơn trong công cuộc dẫn dắt con ham thích đọc sách. Đi hiệu sách không khó để bắt gặp những cậu bé nhỏ say sưa bên quầy truyện tranh dài tập, hay những đôi bạn trẻ rủ nhau đi mua sách ngôn tình, đam mỹ bây giờ. Gu của tụi trẻ bây giờ khác, nó không theo mong ước của người lớn, là xây dựng được cho con một nền tảng văn hóa đọc tốt giàu tính nhân văn, chống lại những lệch lạc và những thói xấu của xã hội. Thỉnh thoảng trong những câu chuyện con kể mình nghe có bóng dáng của Shin cậu bé bút chì, Jeff the killer, hay cướp biển Luffy trong One piece. Con nghe bạn kể một cách hào hứng, và kể lại cho mẹ nghe cũng một vẻ say mê. Mình hiểu là sức mạnh, bạo lực, vui nhộn, ít chữ là những gì dễ thu nạp vào đầu một đứa trẻ. Nó không cần suy nghĩ nhiều khi đọc, nó thấy hấp dẫn và mơ mộng mình được như các nhân vật trong truyện. Các tiểu thuyết kinh điển nổi tiếng, dù dành cho trẻ em như Pippi tất dài, Tottochan cô bé bên cửa sổ, Những tấm lòng cao cả, nhưng sức thu hút kém hơn bởi hàm lượng chữ dày và trẻ phải ngẫm nghĩ nhiều khi đọc. Khi cái gu đọc đã hình thành thì thật khó thay đổi nó, bởi vậy ước muốn của mình là từ nhỏ đã cho con tiếp xúc thật nhiều với những cuốn sách giá trị, như là tiêm một liều vacxin chống lại dịch bệnh truyền nhiễm từ môi trường sống. Mình luôn tin rằng những đứa trẻ đã đọc qua Những tấm lòng cao cả, Không gia đình, sẽ trở thành những đứa trẻ nhân ái. Sách ở giai đoạn này giúp hình thành nhân cách của trẻ. Nên mình không thả cho con tự chọn sách giống như bạn nó, mình cố gắng cân bằng giữa thể loại con thích và thể loại mình muốn con đọc.
Chìa khóa để giúp con yêu thích đọc sách thật giản đơn nhưng mãi mình mới nhận ra, đấy là đọc cho con nghe ngay từ khi con nhỏ. Trước kia, mình thấy shop bán đồ trẻ em có bán cả sách vải cho bé dưới 1 tuổi. Lúc đó mình nghĩ bé dưới 1 tuổi thì đọc được gì nhỉ, cầm nghịch như đồ chơi thôi, nhưng hóa ra mục đích là để trẻ quen thuộc với sách từ khi còn nhỏ. Mình cũng đã không hiểu sao cha mẹ phương Tây cứ phải đọc sách cho con hàng đêm trước khi đi ngủ, người Việt không bao giờ có thói quen như vậy. Giờ thì mình cũng hiểu, họ đang gieo mầm cho niềm đam mê đọc sách của trẻ. Đứa trẻ được cha mẹ đọc sách cho từ bé sẽ thích sách một cách tự nhiên, vì đấy cũng là một kênh cung cấp kiến thức cho bản tính ham tìm tòi học hỏi của trẻ, là nơi trẻ thỏa mãn trí tưởng tượng về thế giới thần tiên trong những câu chuyện cổ tích, là một phương tiện liên kết hữu hiệu giữa cha mẹ và con. Không gì thú vị hơn là trẻ được ngồi bình yên trong lòng mẹ, nghe mẹ đọc truyện và nói chuyện với mẹ về nội dung cuốn sách. Khi thói quen và niềm yêu thích đọc sách được hình thành, khi lớn dần lên, trẻ trở thành người đọc sách độc lập vẫn duy trì thói quen và niềm yêu thích đó.
Vậy đó, nếu cha mẹ làm tốt 2 việc: chọn được những đầu sách hay cho con, và tạo dựng thói quen đọc sách từ nhỏ, thì cha mẹ đã tạo cho con những nền móng đầu tiên trong thế giới sách là niềm đam mê và gu thẩm mỹ sách. "Today a reader, tomorrow a leader".
No comments:
Post a Comment