Wednesday, May 3, 2017

TỰ NHIÊN, CƠ THỂ NGƯỜI vs THỰC PHẨM CÔNG NGHIỆP, THUỐC và BÁC SĨ

Gần đây mình quan tâm đến nhóm Vaccine nên hay không? Thật khó để nói ra về mặt tâm lý nhưng mình có cảm giác nên tin vào những câu hỏi và lập luận mà một số thành viên kỳ cựu trong này đang đưa ra. Nhận thức của mình về sức khỏe một lần nữa lại thay đổi, sau lần gần đây nhất là nhận thức về vai trò của sữa mẹ - sữa công thức cách đây vài năm. Mình tin bởi vì mình đã qua một số trải nghiệm, những thứ mình tưởng là đúng trước đó thì hóa ra là vì quá nhiều người nói, đặc biệt là giới chuyên môn như bác sĩ nói nên mình tin là đúng, nhưng sau đó lại phát hiện ra nó có vấn đề khi thực hành, khi mình làm theo cách khác, cái mà mình gọi là thuận theo tự nhiên thì thấy kết quả tốt hơn. Nhờ có những trải nghiệm đó, mình bắt được sóng và hiểu được những lập luận này, thay vì đi tin vào những thứ đã được tuyên truyền ra rả một cách như là ... mặc nhiên đúng.

Trải nghiệm về sữa mẹ - sữa công thức đã thay đổi hoàn toàn nhãn quan của mình, cách mình nhìn nhận về sức khỏe. Khi mình nuôi bé đầu quãng thời gian 2008-2010, thời gian đó sữa công thức lên ngôi, quảng cáo rầm rộ trên tivi, với dưỡng chất DHA giúp bé thông minh vượt trội, bổ sung Probiotics giúp bé tiêu hóa tốt. Trên các diễn đàn các bà mẹ lập các topic bàn về sữa công thức nào tốt nhất. Những buổi học tiền sản miễn phí do phòng khám hoặc bệnh viện tổ chức có sự tài trợ của hãng sữa đứng đằng sau, trong buổi học người ta có một danh sách để các bà mẹ điền thông tin cá nhân như tên tuổi, email, số điện thoại và nhận về những món quà nhỏ xinh xắn, như là một chiếc balô (mình vẫn còn giữ chiếc balô của nhãn sữa Ensure) hay một cuốn sách nhỏ dạy cách chăm sóc bé (với những sản phẩm như của Johnson & Johnson). Và sau đấy vài năm là những cuộc điện thoại bất ngờ từ nhân viên tiếp thị hãng sữa, mời mình đi dự hội thảo miễn phí, dùng thử sản phẩm. Tất nhiên đấy là cách mà người ta marketing sản phẩm mà những bà mẹ ngô nghê như mình chưa kịp nhận ra. Nhưng mà, khi truyền thông ngập tràn các thông tin quảng cáo về sữa công thức, và các bà mẹ cũng chỉ nói về sữa công thức, mình thực sự tin rằng sữa công thức là tốt, hoàn toàn có thể thay thế sữa mẹ mỗi khi bà mẹ có vấn đề với việc tạo sữa (dù câu "Sữa mẹ là tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ" được nhai đi nhai lại như là vô thức mà không được giải thích gì thêm). Đó là lý do khi gặp vấn đề về sữa mẹ (sữa mẹ ra ít, bé tăng cân chậm...), bà mẹ có thể chuyển ngay sang sữa công thức mà không hề có một ý niệm gì cần cố gắng giải quyết vấn đề sữa mẹ, hoặc có cố gắng nhưng chưa đúng cách nên không hiệu quả mà stress nên chuyển sang dùng sữa công thức. Bản thân mình, bé đầu bị sinh non, y tá đến tắm cũng khuyên nên bổ sung thêm sữa công thức kèm với sữa mẹ để bé tăng cân tốt hơn. Đó là toàn cảnh bức tranh mình nuôi bé đầu khi đó, sữa mẹ dặm thêm sữa công thức.

Nuôi bé thứ hai, mình có nhiều thời gian hơn nên tham gia các hội nhóm, và lúc này trùng với thời điểm hội sữa mẹ Betibuti mới ra đời. Đọc được những thông tin trong hội này, mình mới hiểu hơn về sức mạnh kỳ diệu của sữa mẹ mà trước kia mình chỉ biết chung chung mà không được giải thích cặn kẽ, như sữa mẹ là tốt nhất (tốt nhất ở những điểm nào? sữa công thức có DHA vậy có phải dùng sữa công thức thông minh hơn sữa mẹ không? sữa mẹ tốt mà sao con tăng cân chậm hơn sữa công thức, con bú sữa mẹ ngủ không ngon giấc như bú sữa công thức vậy có phải mẹ không đủ sữa hay không? mẹ ăn uống nhiều thực phẩm vậy con có bị ảnh hưởng không? mẹ cho con bú phải ăn kiêng quá nhiều quá là khổ cho mẹ, mẹ cho con bú phải tẩm bổ móng giò móng dê và phải ăn cho con nên me quá béo cũng thật khổ cho mẹ), sữa mẹ có kháng thể nên giúp con phòng chống bệnh tật (phòng chống bệnh tật đến mức nào, sữa công thức con tăng cân nhanh khỏe mạnh như thế, có probiotics tốt cho tiêu hóa của con như thế, con bú sữa mẹ mà cứ đi ngoài xì xoẹt suốt thì là tại sữa mẹ hay tại gì?), nên nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu (vậy sau 6 tháng thì sao, ngoài ăn dặm thì sữa mẹ thay bằng sữa công thức có tốt không?). Đấy là vô vàn câu hỏi thắc mắc về sữa mẹ mà mình không thấy ai trả lời, cũng không có nhu cầu tìm hiểu nữa vì có thể thay thế bằng sữa công thức được mặc nhiên công nhận đấy rồi. Đọc một lèo hết các topic về cơ chế tạo sữa, tác dụng của sữa mẹ, nhu cầu sữa mẹ của con sau khi sinh... mình mới hiểu ra những điều kỳ diệu của tạo hóa, và hiểu ra những mặt hạn chế của nhân tạo (sữa công thức) mà trước đó mình không hề biết. Vậy là quyết tâm nuôi con bằng sữa mẹ cũng thành công. Bé thứ hai khỏe mạnh, ít ốm hơn bé đầu.

Trải nghiệm tiếp theo là cơ chế xử lý bệnh tật của cơ thể. Bé đầu mình cũng theo sách vở, cứ 38.5 độ là cho uống thuốc hạ sốt, bé sốt cao, ho hắng là cho đi khám bác sĩ cho yên tâm. Mình không đủ tự tin với kiến thức nuôi con đầu của mình nên luôn cần đến khám và tư vấn của bác sĩ. Mà bác sĩ thì, đi khám lần nào cũng kê thuốc cho bé. Đơn thuốc cho bé khi bị sốt và sổ mũi (có lúc chưa ho) bao giờ cũng là thuốc hạ sốt, thuốc kháng sinh, chống viêm, chai xịt mũi, men vi sinh. Nếu bé ho thì thêm siro ho. Nếu bé sổ mũi lâu ngày thì có thêm thuốc chống dị ứng (bác sĩ bảo bé hay bị sổ mũi do dị ứng thời tiết). Cứ từng đấy thuốc, chia nhau đi lần lượt vào cơ thể bé. Khổ nỗi từ khi 1.5 tuổi và nhất là sau khi đi nhà trẻ là bé lại cứ bệnh đi bệnh lại, cho đến tận 5 tuổi mới đỡ bệnh, cao điểm có tháng bị sốt và sổ mũi tới 2 lần phải uống thuốc. Mình thực sự rất xót con, mà không biết phải làm thế nào, bác sĩ là người có chuyên môn và đáng tin nhất rồi còn gì. Mình ở nhà cũng cố gắng chăm bé theo kiến thức sách vở mình đọc được, đêm phải canh thấm mồ hôi trộm, ngày mặc quần áo theo thời tiết, cho bé ăn uống đa dạng đủ món và bé cũng ăn được. Thực sự không hiểu mình đã sai ở đâu. Lên diễn đàn các bà mẹ tìm hiểu thì con họ cũng bị tương tự, cứ tầm 1-3 tuổi là ốm liên miên, bệnh tai mũi họng cứ lai rai ốm mãi không khỏi. Cứ thế cho đến khi đọc được một số bài về sốt và cơ chế phòng vệ của cơ thể, cộng với kinh nghiệm cực nhọc chăm bé đầu, bé thứ hai mình tự tin hơn hẳn, dám thử nghiệm với sức khỏe của con. Con sốt mẹ bình tĩnh quan sát biểu hiện chưa vội cho uống hạ sốt. Kháng sinh không dùng. Vệ sinh mũi bằng nước muối 0.9% và chai xịt nước muối biển, kiên trì chờ phản ứng của con. Sữa mẹ duy trì đến khi con 2 tuổi, không bổ sung sữa công thức. Thế rồi con cứ qua từng đợt bệnh, khỏe dần lên và khỏi. Tần suất con mắc bệnh ít đi, thời gian mắc bệnh ngắn hơn. Và mình tin vào những gì sức khỏe của con đã chứng minh, đó là sự kỳ diệu của tạo hóa, của cơ thể người mà theo sách vở Tây y, người ta đã vội vã can thiệp bằng thuốc.

Một trải nghiệm nữa là với những người thân quen của mình, người lớn. Bệnh tai mũi họng lai rai, trên diễn đàn nhiều người bệnh kêu ca cứ bị đi bị lại, uống thuốc không khỏi hoặc uống xong lại bị tái phát. Bệnh dị ứng mẩn ngứa ngoài da, đi khám khắp nơi bác sĩ bảo bệnh này dị ứng thời tiết, không điều trị tận gốc được. Bác sĩ cho thuốc về nhà, cứ uống thuốc vào thì đỡ, dừng thuốc thì bị lại, nặng hơn. Mình tìm hiểu thì thuốc dị ứng đó có chứa chất kháng histamin, chỉ có tác dụng khi uống thuốc. Nguyên nhân bệnh này không rõ, do cơ địa từng người. Rồi bệnh cao huyết áp và tiểu đường, ăn kiêng và uống thuốc trọn đời. Rồi ung thư với hóa trị và xạ trị, % không tái phát được thống kê theo 5 năm, 10 năm ... mà không chắc chắn bao giờ khỏi bệnh. Rất rất nhiều bệnh nữa được xếp vào bệnh mãn tính phải chung sống cả đời, uống thuốc cả đời. Có vấn đề gì đó với Tây y, hình như bệnh chỉ được chữa phần ngọn mà không triệt được nguyên nhân tại gốc. Khám bệnh ở khoa nào thì điều trị theo khoa đó, bệnh phát ra ở chỗ nào thì điều trị vào chỗ đó. Đọc cuốn "Nhân tố enzyme" mới thấy cơ thể con người là một sự tổng hòa, bộ phận này ảnh hưởng đến bộ phận kia. Người có tràng tướng, vị tướng đẹp cũng là người có sức khỏe tốt. Nhiều bệnh phát tác cũng có thể là do nội tạng đang có vấn đề. Có vài người kể chuyện khỏi bệnh ung thư nhờ ăn uống, vẩy tay Dịch cân kinh. Bản thân mẹ mình cũng khỏi hẳn bệnh viêm tai giữa nhờ uống Canh dưỡng sinh, sau nhiều năm điều trị với bác sĩ và bệnh viện mà không khỏi. Mẹ mình cũng đang thử nghiệm bài vẩy tay Dịch cân kinh với bệnh dị ứng, có dấu hiệu giảm nhiều. Bạn của mẹ cũng thấy có tác dụng với bệnh khác. Mình luôn luôn có nhiều thắc mắc, tại sao đi khám bệnh lúc nào bác sĩ cũng kê thuốc, có phải chỉ thuốc mới trị được bệnh hay không? Bác sĩ được đào tạo chỉ để dùng thuốc? Tại sao y học thường thức, cách thức chăm sóc sức khỏe, phòng và chống những bệnh thông thường như cảm cúm, thủy đậu, sởi..., cách dùng các loại thuốc thông dụng không được phổ biến rộng rãi và đưa vào trường học như môn học bắt buộc. Học nhiều toán lý hóa văn sử địa để làm gì, khi cơ thể mình mà không biết cách chăm sóc, phải phụ thuộc hoàn toàn vào bác sĩ? Tại sao những mẹo chữa dân gian khá hiệu nghiệm như đánh cảm không được Tây y nghiên cứu, giải thích và áp dụng, mà chỉ bào chế ra mỗi Paracetamol để người cảm uống? Tại sao nhiều ca ung thư bị bệnh viện trả về, uống thuốc dân gian mà khỏi lại không được nghiên cứu và công bố rõ ràng? Tại sao nhiều bài tập như Dịch cân kinh không được nghiên cứu để phổ biến rộng rãi? Tại sao phương pháp chữa bệnh bằng bấm huyệt tồn tại rất lâu đời không được Tây y nghiên cứu giải thích một cách khoa học? Tại sao bác sĩ cứ mắng người bệnh tin vào lang băm mà họ lại không tin vào y học hiện đại? Có phải y học hiện đại quá xa vời với quần chúng, bác sĩ ở quá cao với những lý thuyết cao siêu không giải thích được cho người bệnh hiểu hay không? Những phương pháp dân gian, dù không được khoa học nghiên cứu, đã thành công trên một số cá thể, nhưng khi nêu lên, bị các bác sĩ lập tức bác bỏ và chế giễu như thể là một hình thức mê tín dị đoan trong chữa bệnh. Hay như khi đọc về bệnh tự kỷ, có nhiều cha mẹ chia sẻ họ cho con đi khám và điều trị từ nhiều bác sĩ, nhưng hiệu quả không như mong muốn. Cuối cùng, các phụ huynh có con bị tự kỷ phải chung tay mua tài liệu, dịch tài liệu sang tiếng Việt, tự lập nhóm điều trị, giúp đỡ, giao lưu. Những kiến thức họ có từ việc chung tay làm cho con đó đang hơn nhiều bác sĩ điều trị tự kỷ. Có nhiều việc cha mẹ đã làm thay bác sĩ. Có nhiều điều làm mình không hoàn toàn đặt niềm tin vào bác sĩ nữa. Bác sĩ cũng bị giới hạn trong kiến thức của mình, và nhiều người khi tiếp xúc với bệnh nhân thể hiện thái độ từ chối học hỏi từ bệnh nhân. Gần đây là cuộc chiến vaccine giữa các bác sĩ với một nhóm các cha mẹ đang đặt câu hỏi Vaccine nên hay không?

Mình ám ảnh nhất với câu hỏi đặt ra trong group "Ví dụ, nếu ta vừa ăn xong món gì mà bị nôn tháo thì bác sĩ sẽ kết luận là do ngộ độc thức ăn. Nhưng nếu con cái ta vừa tiêm vx xong mà bị chết thì bác sĩ sẽ nói như vẹt rằng "chưa biết nguyên nhân!" Đây là cái thứ logic mất dạy và khốn nạn gì vậy?". Thực tế có nhiều cha mẹ bị mất con, hoặc con bị biến chứng sau khi tiêm vacxin, họ đã report vào trong nhóm. Chị đồng nghiệp của mình bị sốc phản vệ khi tiêm vacxin Sởi, quai bị, rubella huyết áp và nhịp tim lên cao phải điều trị ở bệnh viện cả tuần và điều trị bằng thuốc cả năm trời. Quãng thời gian dài sau đó là nhịp tim không ổn định. Người lớn còn như thế, trẻ nhỏ thì ảnh hưởng đến thế nào? Đó là những bằng thức thực, nhưng không được công nhận là tai biến vaccine, vậy thì những con số thống kê % tai biến, % đáp ứng, % giảm tỷ lệ mắc bệnh các bác sĩ đưa ra liệu có còn ý nghĩa?

Tây y còn nhiều vấn đề lắm, và cho đến khi sức mạnh của tự nhiên, sự kỳ diệu của cơ thể con người chưa được nghiên cứu đầy đủ thì khi đó con người vẫn còn sống phụ thuộc vào thực phẩm hóa chất, GMO, thuốc, bệnh viện và bác sĩ.