Khi bắt đầu topic này mình đã biết là sẽ bị soi về thu nhập 11 chữ số, và mình hoàn toàn thông cảm về điều đó:Smiling:. Cơm áo gạo tiền lúc nào cũng là nỗi lo lớn nhất của con người, nhất là trong thời lạm phát phi mã như hiện nay mà.
Thực ra định viết về chuyện này vào cuối topic, nhưng vì sự quan tâm lớn quá nên mình cho nó nhảy cóc lên đây. Hy vọng một vài bạn nào đó có thể bắt chước con đường của mình thì vui lắm.
Nói đến kinh doanh, có lẽ tất cả mọi người Việt nam đều nghĩ về bất động sản, vàng, chứng khoán và ngoại tệ. Điều đó đúng nhưng không đủ, mình cũng không kiếm tiền bằng cách ấy.
Nếu thường xuyên xem báo, các bạn có thể đọc được tin “hơn 80% hàng hóa trong siêu thị là hàng Việt nam sản xuất”, có lẽ đúng là như thế, nhưng mình biết chắc đến 90% nguyên liệu của các hàng Việt nam đó là nhập từ nước ngoài.
Sự phụ thuộc gần như hoàn toàn về nguyên liệu và tư liệu sản xuất vào nước ngoài giải thíchsố nhập siêu siêu lớn của Việt nam, năm 2010 đâu như là hơn 10 tỉ$. Chắc các bạn biết Chính phủ từng có ý định hạn chế nhập khẩu những hàng “xa xỉ” như ô-tô, điện thoại di động để giảm bớt nhập siêu, nhưng mình cho đó là vô tác dụng. Tổng kim ngạch nhập ôtô năm 2010 là 1 tỉ$, ĐTDD hình như cũng xêm xêm. Nếu cấm hẳn hai thứ đó thì nhập siêu cũng còn đến 8,9 tỉ.
Vấn đề thực ra không nằm ở hàng xa xỉ, mà ở nguyên liệu và máy móc, là những thứ Việt nam không nhập không được. Một đất nước có 3000km bờ biển mà đến muối ăn đủ chuẩn cũng nhập khẩu, hay vẫn tự hào là “nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới” nhưng đến 80% giống lúa lại mua từ Trung quốc. Đất nước như thế, không nhập siêu kinh niên mới lạ.
Với một nền kinh tế phụ thuộc đến 90%nguyên liệu vào nước ngoài, nếu bạn sản xuất được chỉ cần 0,0000001% giá trị số nguyên liệu đó trong nước với chất lượng tương đương, bán rẻ hơn nước ngoài chỉ cần vài phầm trăm, tiền bạn đã không biết để đâu cho hết rồi.
Thu nhập hơn 20tỉ/năm của mình thực ra là kết quả của sản xuất chỉ 2 nhóm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến với 6 sản phẩm, bí quyết công nghệ mua từ Đức và Séc, giá bán thấp hơn 8-10% so với thị trường thế giới. Mình không buôn bán vàng, cổ phiếu hay chứng khoán, nhà cửa thì thỉnh thoảng làm cho vui nhưng cũng không ham.
Viết thề này có hơi lan man, nhưng quả thực mình rất muốn bạn Dr.K hay các bạn trai khác vào topic, quan tâm đến thu nhập 11 chữ số của mình thì đọc kỹ bài này và nghiêm túc quan tâm đến gợi ý: hãy cố kiếm tiền rồi đầu tư vào sản xuất, bởi nếu đầu tư thành công bạn không chỉ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn mà còn giúp nhiều người khác có công ăn việc làm, và làm ra giá trị cho xã hội. Người Việt nam đang sục sôi vì bất động sản, vàng, chúng khoán, đô-la, tất cả những thứ đó đều KHÔNG LÀM RA GIÁ TRỊ. Căn nguyên nhập siêu của Việt nam chính là ở chỗ đó.
Trước đây mình rất tham việc, thượng vàng hạ cám cái gì cũng muốn can thiệp. Năm 2007 bị một trận sốt virus nặng, đang nằm giường bệnh truyền dịch mà đến cái bệ xí công nhân dùng loại gì cũng bị hỏi. Sau khi khỏi ốm mình thay đổi, tìm người có trình độ, thoả thuận lương thưởng thỏa đáng rồi giao quyền điều hành, ràng buộc thêm bằng hợp đồng chia cổ phần tương lai. Bây giờ mình chỉ còn 80% sở hữu cty (sang năm sẽ giảm xuống 70%) nhưng bù lại mỗi ngày chỉ phải làm việc chừng 6 tiếng mà công việc vẫn chạy tốt, vì những quản lý trẻ “máu mê” công việc và tiền bạc hơn, thứ mà đối với mình đã không còn nhiều ý nghĩa lắm.
-------------------------Quay lại chủ đề chính hôm nay, mình muốn bàn về câu hỏi của bạn kochino: về câu “nghèo thì lâu, giàu mấy chốc”.
Đây là một câu tổng kết rất chính xác. Nếu bạn đọc lại một bài viết trước, mình đã kể là sau thời gian đầu rất khó khăn, đến năm 1999 tự nhiên doanh thu của mình tăng vọt và chỉ sau 1 năm mình không những trả hết nợ mà còn mua được nhà và sắm một số vật dụng lớn. Bản chất của chuyện đó không phải là sự may mắn, mà là một đặc tính mà mình tạm gọi là SỰ BẤT TIỆM TIẾN của các quá trình kinh doanh.
Thế nào là sự bất tiệm tiến? Đó có nghĩa là trong hầu hết trường hợp, mặc dù bạn có ý tưởng đúng, chuẩn bị và tổ chức tốt, việc kinh doanh cũng không bao giờ “tăng dần đều” mà thường có một thời gian dài đi theo đường ngang, không ổn định và thu không bù chi. Phải sau một thời gian nhất định, khi thị trường đủ “ngấm” hàng hóa của bạn thì đến một lúc nào đó, tự nhiên sẽ có một bước nhảy vọt của nhu cầu, và bạn sẽ chứng kiến một sự phát triển vượt bậc về doanh thu và lợi nhuận. Cái gọi là “giàu mấy chốc” chính là như vậy.
Quãng thời gian từ khi bắt đầu đến lúc đạt bước nhảy vọt lúc nào cũng là quãng thời gian rất khó khăn, kể cả với những nhà kinh doanh dày dạn. Bạn sẽ thấy những kế hoạch mình đề ra lúc đầu đều sai bét, sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt tài chính triền miên, trong khi tương lai lại hoàn toàn bất định. Quãng thời gian này chính là thước đo sự sáng suốt, nghị lực, tài tháo vát và độ “liều” cũng như độ “lì lợm” của bạn. Nếu có thể vượt qua sự trì trệ ban đầu, kiên trì đưa kinh doanh đến bước nhảy vọt, thì không những bạn sẽ được nếm trái ngọt của thành công mà tôi còn dám chắc 100%, bạn sẽ trưởng thành vượt bậc.Tuy nhiên, cũng có một tin buồn là cái “thời điểm nhảy vọt” ấy bao giờ thì đến, thậm chí liệu có đến hay không, không ai có thể dự đoán cũng như tính trước được. Nhiều khi đó chỉ thuần túy là dự cảm và niềm tin sắt đá vào chính mình, mỗi người kinh doanh đều phải có dự cảm và niềm tin như vậy thì ít nhất mới có hy vọng thành công.
--------------------------------Quay lại chủ đề mình đang nói, kinh doanh. Một số bạn muốn biết mình khởi nghiệp như thế nào, lấy vốn ở đâu. Thực ra mình may mắn hơn nhiều người vì được gửi đi học nước ngoài, sau 5 năm về nước mình có được một vốn kiến thức rất có ích, một ý tưởng kinh doanh, và tích cóp được gần 6.000$. Mình phải vay mấy người họ hàng thêm 6.000$ nữa với lãi suất 2,5% một tháng mới đủ cho chuyến hàng đầu tiên.
Lúc đó mình chưa có công ty riêng, phải thuê một công ty khác nhập khẩu và xử lý hóa đơn hộ. Khi hàng về, vì không có tiền nên mình phải kiêm tất cả các công việc: giám đốc, kế toán nội bộ, tiếp thị, bán hàng và bốc vác. Có lần trời mưa ngập kho, mình phải tự tay chuyển gấp gần 10 tấn hàng từ chỗ thấp lên chỗ cao, xong việc bị lên 1 cơn co giật vì quá sức, may mà sau đó cũng tự khỏi.
Hai năm 96,97 là hai năm địa ngục đối với mình, nỗi vất vả về làm việc đã lớn, nhưng còn chưa thấm vào đâu so với sự căng thẳng về tài chính. Mình luôn sống trong cảnh giật gấu vá vai, lấy món vay này bù vào chỗ nợ khác. Có những lúc chỉ cần 150 ngàn đồng trả lãi một khoản 5 triệu vay nóng mà cũng không biết làm sao kiếm ra, phải làm một việc kinh khủng là đem cắm bằng tốt nghiệp. Vậy mà không hiểu tại sao ngay trong những lúc đen tối nhất mình vẫn không bao giờ nghĩ mình sẽ thất bại, chỉ lẳng lặng tự đi cho tới cùng, không kêu ca than vãn với ai, kể cả với bố mẹ.
Năm 96 coi như tập sự, năm 97 doanh thu có khá hơn chút ít nhưng thu vẫn xa xa mới đủ bù chi, cả bố mình cũng mấy lần khuyên mình nên thôi nhưng mình không bỏ cuộc. Năm 98 tình hình bắt đầu sáng sủa hơn, đến năm 99, đột nhiên nhu cầu về sản phẩm của mình tăng lên, doanh thu gấp đến 6 lần năm trước, đã thấy dấu hiệu của sự thành công.
Mỗi người kinh doanh, khi thành công đều ít nhiều có một ân nhân, ân nhân của mình chính là vị đại diện khu vực của công ty cung cấp. Suốt hai năm 97,98, mặc dù biết mình không đủ năng lực tài chính nhưng ông vẫn không bác bỏ tư cách đại lý của mình, và năm 99 ông lại lấy tư cách cá nhân bảo lãnh cho mình được mua hàng trả chậm từ công ty mẹ. Chính nhờ có bảo lãnh trả chậm mà hàng về kịp thời, và mình mới không nhỡ cơ hội khi thị trường bùng nổ.
Những năm ấy, tài sản cá nhân duy nhất của mình là chiến Cub 81 bố mẹ mua cho khi về nước, chiếc xe đã cùng mình đi hết tất cả khốn khó đến thành công sau này. Bây giờ chiếc Cub 81 vẫn ở trong nhà mình, trong một góc kín đáo nhưng trang trọng. Thỉnh thoảng buổi tối mình vẫn ra ngồi cạnh, im lặng đặt tay lên yên, lần nào cũng thấy một cảm giác rất khó nói từ chiếc xe truyền sang, cảm giác như với một người tri kỷ.
---------------
Năm 2003 là năm bước ngoặt đối với mình. Trước đó mình chỉ làm thương mại, nói đúng hơn là làm đại lý độc quyền cho một công ty lớn của châu Âu. Mình là người khai phá thị trường cho công ty đó tại Việt nam, đổi lại thì trong một thời gian, công ty đó cho mình toàn quyền thương mại: hàng hoá, giá cả, marketing, thị trường… cứ thế cho đến năm 2002.
Những bạn đã có kinh nghiệm trong ngành phân phối hàng hóa có lẽ đều biết, các công ty lớn của Âu Mỹ khi thâm nhập thị trường thường dùng các công ty bản địa để dọn đường. Họ chọn một nhà phân phối, đặt giá tương đối thấp và thực hiện việc giám sát vòng ngoài. Đến khi doanh thu tại chỗ lên đủ cao thì nhà sản xuất sẽ nhảy vào cuộc, trực tiếp nắm lấy quyền kinh doanh và cắt đứt nhà phân phối bản địa, hoặc sẽ nâng giá bán và biến nhà phân phối thành một dạng như người khuân vác cao cấp, với lãi suất phân phối chỉ chừng 4-5%.
Kịch bản tương tự đã xảy ra với mình năm 2003. Năm 2002, vị đại diện khu vực ân nhân của mình hết nhiệm kỳ về nước (và về hưu luôn), tay đại diện mới sang chỉ hơn mình 4 tuổi, đúng kiểu người kinh doanh hiện đại: nhanh nhẹn, quyết đoán và lạnh lùng. 4 tháng sau khi nhậm chức hắn hẹn gặp mình, thông báo “từ sang năm bọn tao sẽ nắm các quyền quản lý chiến lược, marketing và bán hàng. Việc của chúng mày là nhận đơn hàng, chở hàng đến và thu tiền. Lợi nhuận sẽ là 4,5%, miễn thương lượng!”
Mình không quá bất ngờ vì đã phần nào đoán trước được chuyện đó. Tất nhiên không bao giờ mình có ý định làm phu khuân vác, nên mới bắt tay ngay vào nghiên cứu ý tưởng sản xuất đang hình thành trong đầu.
Ý tưởng đó tới một cách khá tình cờ. Đầu năm 2003 mình đến thăm chị khách hàng ở khu chợ Bình tây, đang nói chuyện thì một người vào hỏi một loại nguyên liệu, chị nói hết rồi. Mấy phút sau lại có người gọi điện thoại hỏi đúng thứ đó, chị mới than vãn với anh chồng “dạo này đứt hàng nhiều quá, nghe khách hỏi mà rầu hết cả ruột”. Mình ngồi đó chỉ thuận miệng hỏi “cái này Việt nam không ai làm hả chị?”
Chị khách hàng lắc đầu ngay: “Có người Hoa thử rồi nhưng khó quá không làm nổi. Chú mà làm được, chị bao tiêu ngay 100%!” Trở về nhà mình bắt đầu nghiên cứu, theo lý thuyết thì loại nguyên liệu đó không quá phức tạp, nhưng thiết bị đắt tiền và cần một số bí quyết sản xuất nên Việt nam vẫn phải nhập khẩu hoàn toàn.
Sau khi nghe thông báo của tay đại diện, mình mới dốc sức tìm kiếm, huy động tất cả các người quen ở Mỹ, Nhật và châu Âu để tìm nguồn chuyển giao công nghệ. Cuối cùng may mắn đã tới từ nơi ít hy vọng nhất là cậu bạn Hà lan cùng học hồi đại học, bạn của bố cậu ta chính là một chuyên gia về lĩnh vực này, hay nhất là ông ta đã về hưu và không có ràng buộc với công ty nào nữa.
Vậy là phần khó nhất đã giải quyết xong, đến khâu xây dựng và thiết bị. Đến đây mình mắc phải một sai lầm lớn là gọi người góp vốn, nhưng người đó lại là bạn bè.
Đó là hai anh em bạn cùng học với mình hồi phổ thông. Ngoài việc gánh đỡ về tài chính, còn có lý do là người em rất giỏi tiếng Trung. Vì thiết bị châu Âu quá đắt nên sau khi tham khảo chuyên gia, mình quyết định mua chừng 1/3 dây chuyền từ Trung quốc, mình cần người giỏi tiếng Trung là như vậy.
Hết năm 2003 mình kết thúc luôn hợp đồng phân phối, tập trung vào nhà xưởng, và đến mùa hè 2004 thì mẻ sản phẩm đầu tiên ra đời. Vị chuyên gia ở nhà máy 1 tháng, dạy hết các bài rồi về nước. Ngay sau đó thì chuyện xấu bắt đầu xảy ra: mặc dù đã vận dụng hết các bí quyết được học, gọi điện tham khảo đủ các cách mà sản phẩm ra cứ lúc được lúc không. Không những hàng bị trả về, mình còn nhận đủ mọi lời mắng chửi của khách, và điều kinh khủng nhất là không hiểu tại sao lại như vậy.
Ban đầu mình nghi vị chuyên gia giấu bài, nhưng khi nói chuyện đó ra ông ấy gạt ngay: “không dạy chúng mày thì tao cũng mang theo bí quyết xuống mồ, giấu để làm gì chứ?” Mình chuyển sang kiểm tra các quy trình vận hành, cũng không phải, vì công nhân mình tuyển cẩn thận, trả lương tốt, làm việc rất nghiêm túc. Nhưng cũng từ kiểm tra vận hành mà mình phát hiện ra một việc khác: thiết bị Trung quốc có vấn đề.
Mình thuê người kiểm định lại, đúng là hàng Trung quốc bị ăn cắp chất lượng. Sự ăn cắp này rất tinh vi, dường như cty Trung quốc biết trước máy móc sẽ hoạt động chính xác trong điều kiện nào để sản xuất những linh kiện chịu đựng quá điều kiện đó một chút. Có điều vì khí hậu nóng ẩm và điện áp không chuẩn ở Việt nam nên điều kiện công tác của máy không hoàn toàn giống như xác định của chuyên gia, lúc đó thiết bị Trung quốc mới lộ ra chuyện bị ăn cắp chất lượng.
Quá trình chuẩn bị, chỉ có ba người là mình và hai anh em đó biết về công thức sản xuất, người em lại phụ trách thương lượng mua thiết bị Trung quốc. Chắp nối lại các sự kiện, mình mới bàng hoàng khi nhận ra một điều: mình đã bị qua mặt, bị tham những một cách trắng trợn.
Lấy một ví dụ cho các bạn dễ hiểu: mình đặt một van chịu được 350 độ nhưng người em biết sản xuất chỉ cần 250 độ, thế là hắn ta nói với nhà máy Trung quốc chỉ lấy van chịu được 280 độ nhưng vẫn làm hồ sơ kỹ thuật và tính giá bằng van 350 độ. Số tiền chênh lệch giữa hai loại van, cty Trung quốc sẽ trả lại bằng tiền mặt cho người em coi như “phí môi giới”. Nếu như những điều kiện sản xuất ở Việt nam mà chuẩn như ở châu Âu thì có lẽ còn lâu mình mới phát hiện ra.
Không phải mình không biết nhìn người, nhưng đã để tình bạn từ thửa hàn vi làm mờ mắt. Mình đã tin tưởng hai anh em họ vô điều kiện, thậm chí khi hàng hỏng bị trả về mình đã nói “nếu thất bại, tớ sẽ bảo toàn vốn góp cho các cậu, đừng lo.” Thế mà họ đã đối xử với mình như vậy.
Cuộc gặp với hai anh em sau đó là một trong những cuộc nói chuyện khó khăn và nặng nề nhất trong đời mình. Cuối cùng hai bên đồng ý rằng mình sẽ bỏ ra 70% số tiền góp vốn của hai anh em để lấy lại toàn bộ cổ phần, và coi như chấm dứt quan hệ. Mình còn lại nhà máy với một dây chuyền sản xuất không đú tiêu chuẩn, một kho hàng kém chất lượng và một tài khoản rỗng tuếch.
Có lẽ trong tất cả tình huống hết hy vọng, con người ta cuối cùng cũng tìm về gia đình. Mình phải xin bố mẹ bán đi ngôi nhà đang ở, dọn vào một căn hộ chung cư cũ kỹ để lấy tiền tái thiết nhà máy. Trong lần này, vị chuyện gia già lại trở thành ân nhân khi tìm được cho mình một số thiết bị cũ nhưng còn tốt của Đức, và tình nguyện sang lần thứ hai, chỉ ở nhà nghỉ 200.000 đồng một ngày, lăn lộn với mình và công nhân suốt 2 tháng cho đến khi nhà máy hoạt động ổn định.
Suốt một thời gian dài, đầu mình luôn ở trạng thái căng như dây đàn. Sau khi nhà máy cho ra được mẻ sản phẩm đạt chuẩn thứ bảy không cần đến chuyên gia, nghĩa là đã coi như thành công, lúc đó mình mới gục xuống ngủ một mạch liền 40 tiếng. Mẹ mình sợ quá phải gọi bác sĩ, ông chú bán sĩ chỉ cười “cứ cho nó ngủ chán nó khắc dậy!”
Mình còn phải mất rất nhiều công để thuyết phục các bạn hàng tin lại vào sản phẩm của mình, nhưng khi đã gây dựng được lòng tin thì doanh thu tăng rất nhanh. Sản phẩm của mình thuần túy là kỹ thuật, không có một chút quan hệ hay chính trị nên thu nhập của mình nghiêm túc và sạch hoàn toàn.
------------------------------Trong topic cách đây hơn 3 năm “Cuối cùng mình cũng lấy được vợ”, tôi từng hứa sẽ viết nhiều hơn về kinh doanh cho các bạn có quan tâm. Lời hứa đó đến nay tôi vẫn chưa thực hiện được, một phần vì bận chuyện gia đình, nhưng chủ yếu là vì hai lý do sau đây:
Thứ nhất, đời sống kinh tế Việt nam trong mấy năm vừa qua đã trải qua một cuộc xáo trộn lớn. Chắc các bạn cũng thấy, tất cả mọi chuyện liên quan đến tiền, hàng hiện nay đều không giống với năm 2011, và càng khác với năm 2008. Vì tình hình đó, tôi muốn chờ những xu hướng mới của nền kinh tế tương đối ổn định mới bắt tay vào quan sát và viết, bởi tôi không muốn những thứ tôi viết ra có thể là lạc lõng và không hợp thời.
Thứ hai, và là lý do chính, topic này của tôi có tên là “Chia sẻ về kinh doanh”, có nghĩa là tôi có thể nghĩ gì viết nấy, miễn là thật. Quả thực cách đây 2 năm tôi đã có ý định làm như vậy, nhưng sau khi viết được gần 1 trang tôi thấy làm như thế không ổn. Bởi kinh doanh là một công việc rất có tính hệ thống, nên nếu tôi viết quá ngẫu nhiên và tản mạn thì rất có thể sẽ gây hiểu lầm và mang lại kết quả tiêu cực nhiều hơn tích cực. Vì thế tôi đã dừng lại và dành thời gian cho việc suy nghĩ và sắp xếp ý tưởng, cố gắng cho những gì viết ra là thật sự rõ ràng và có ích cho những bạn có ý khởi nghiệp hoặc đang bắt đầu con đường tự kiếm tiền của mình. Hy vọng những chia sẻ chân thành và thiện ý của một người đi trước có thể giúp một số bạn nhìn rõ hơn vấn đề hoặc bớt được một vài đoạn vòng trong công việc.
Topic này là những suy nghĩ và quan điểm riêng có được từ trải nghiệm và chính công việc kinh doanh của tôi, không tham khảo hay copy bất cứ một nguồn nào khác. Nếu thấy những gì tôi viết mâu thuẫn với sách vở hoặc suy nghĩ của các bạn thì cũng không nên ngạc nhiên, bởi thực tế là có nhiều kiểu kinh doanh và cách của tôi chỉ là một trong số đó (nhưng tôi chắc chắn là một cách không tồi).
----------------------------Bài mở đầu của tôi có thể làm các bạn bất ngờ, bởi tôi biết rất nhiều bạn (kể cả những người đã kinh doanh lâu năm) chưa bao giờ suy nghĩ nghiêm túc về “các kiểu kiếm tiền”. Trong quan niệm của họ, chỉ cần mua được rẻ hơn và bán được đắt hơn thì chính là kinh doanh. Và nếu thực hiện được vài ba lần mua bán như vậy, bạn đã trở thành một nhà kinh doanh thật sự.
Thực tế thì tại các nước phát triển người ta không phân biệt quá nhiều về các kiểu kiếm tiền. Tại các nước đó, nền kinh tế có căn cơ sâu và vận hành tương đối có quy củ, và nếu bạn có thể kiếm ra tiền bất kể bằng cách nào thì công việc của bạn cũng sẽ nhanh chóng được điều tiết bởi môi trường kinh doanh và pháp luật, khiến cho nó dần dần mang tính hợp pháp và lâu dài. Việt nam thì lại khác, nền kinh tế đang ở trong giai đoạn tư bản sơ khai và bị chi phối nhiều bởi các yếu tố tế nhị nên sự kiếm tiền ở Việt nam rất ít được điều tiết một cách đúng đắn và lành mạnh, mà biểu hiện đỉnh cao là cơn sốt đất chút nữa dẫn đến tình trạng toàn dân phá sản những năm 2007-2011. Chính vì thế tôi thấy mình cần mở đầu bằng bài viết này để cung cấp cho các bạn một cái nhìn chi tiết (và tỉnh táo) hơn về các cách kiếm tiền, và cũng để giới hạn phạm vi quan điểm của tôi trong kinh doanh thật sự.
Như tôi đã viết và các bạn cũng thấy, người ta có nhiều cách để kiếm ra tiền, và vì vậy cũng có nhiều cách để phân loại sự kiếm tiền. Đối với tôi, cách có ích nhất là phân biệt giữa đầu cơ, đánh quả, và kinh doanh đúng nghĩa.
1. ĐẦU CƠ:
Hiểu một cách đơn giản, đầu cơ là sự mua bán nhằm vào lợi nhuận sinh ra DO THỜI GIAN. Ví dụ ai cũng biết rằng thóc gạo thay đổi theo vụ lúa; bạn bỏ tiền mua 10 tấn lúa vừa gặt xong, chờ vài tháng đến trước vụ gặt mới (lúc giá lúa lên cao nhất) và bán lại ăn chênh lệch, thế là bạn đã thực hiện một hành động đầu cơ. Hoặc thấy vàng hôm nay hạ giá, bạn mua vài ba cây đợi khi vàng lên mang ra tiệm bán lại. Đó chính là một cuộc đầu cơ mẫu mực.
Đầu cơ là nhằm vào sự chênh lệch giá do thời gian. Bạn không cần phải là một người kinh doanh chuyên nghiệp mà chỉ cần mua lẻ - chờ một thời gian - rồi bán lẻ, cũng có thể thu được lợi nhuận. Chính vì thế nên hầu như ai cũng có thể tham gia đầu cơ, và thực tế là người Việt nam đầu cơ rất nhiều, từ vàng đến USD và đặc biệt là đất.
Đầu cơ có ảnh hưởng gì đến nền kinh tế? Xét trên quan điểm kinh tế thì đặc điểm tiêu cực nhất của đầu cơ là khi người ta bỏ tiền ra mua một sản phẩm thì sản phẩm đó BỊ RÚT RA KHỎI LƯU THÔNG và không phục vụ một mục đích kinh tế cụ thể nào. Tình hình sẽ trở nên tồi tệ khi nhiều người tham gia đầu cơ, lúc đó sẽ có nhiều sản phẩm được mua nhưng lại không được quay vòng và rất dễ tạo ra một NHU CẦU ẢO, tức là người ta tưởng nhầm là các sản phẩm đó đã được tiêu thụ nhưng thực tế là không như vậy, chúng chỉ được rút ra khỏi lưu thông để chờ thời quay lại thị trường. Khi những người đầu cơ đồng loạt tìm cách bán ra để thu lợi nhuận hoặc thu tiền, thị trường sẽ xáo trộn hoặc thậm chí sụp đổ vì cung vượt quá cầu.
Tôi sẽ không đi sâu hơn vào khái niệm này mà chỉ muốn các bạn hiểu một cách rõ ràng thế nào là đầu cơ và những hệ quả tiêu cực nó có thể gây ra cho nền kinh tế nói chung và cho chính bạn. Tuy nhiên như tôi đã nói, đầu cơ dù tiêu cực nhiều hơn tích cực nhưng nếu vận dụng một cách tỉnh táo, nó vẫn là một cách kiếm tiền tốt, đặc biệt khi được kết hợp một cách hợp lý với kinh doanh thường xuyên.
2. ĐÁNH QUẢ
Tôi đã phân vân khá nhiều vì cái tên “Đánh quả” có vẻ quá thông tục, nhưng rốt cuộc tôi phải dùng nó vì đó có vẻ là hình dung tốt nhất cho cách kiếm tiền này.
Theo quan điểm của tôi, “Đánh quả” là một hành động mua bán đơn nhất, khi bạn – bằng cách nào đó – có thể mua được một món hàng dưới giá trị và sau đó bán lại bằng giá trị của nó. Những “cách nào đó” như tôi viết ở trên có thể là: a) Bạn có một quan hệ đặc biệt, b) Bạn có một nguồn thông tin đặc biệt, và c) Bạn có một sự nhạy bén đặc biệt để nhận ra sự chênh lệch giá nhất thời của một sản phẩm nào đó ở hai không gian khác nhau và thực hiện việc mua bán để kiếm lợi nhuận (cũng là nhất thời).
Tôi sẽ minh hoạ bằng các ví dụ cho các bạn dễ hình dung:
a)Quan hệ đặc biệt: Có một mảnh đất kẹt, bình thường giá 50 triệu/m2 nhưng người chủ chỉ bán 20 triệu/m2 do không làm được giấy tờ. Nếu bạn có đủ quan hệ và biết cách vận dụng, bạn có thể mua mảnh đất đó, làm giấy tờ cho nó và bán đi thu lợi nhuận.
b)Nguồn thông tin đặc biệt: những ví dụ về cách này rất nhiều và dễ hình dung, tôi sẽ không nêu ra thêm.
c)Đây là trường hợp thú vị nhất, bởi có một số người có giác quan đặc biệt thính nhạy về việc chênh lệch giá. Tôi có một anh bạn chuyên lướt sóng đất đai, và trường hợp tiêu biểu nhất là có một mảnh đất anh ấy mua đi bán lại đúng 4 lần, lần nào cũng thu lãi kha khá.
Trong đời sống kinh tế luôn có một không gian nhất định cho sự đánh quả và đầu cơ (kể cả ở các nước phát triển). Tuy nhiên các bạn nên thấy rằng đặc điểm lớn nhất của đánh quả là TÍNH ĐƠN NHẤT của nó. Một quan hệ đặc biệt hoặc một tình hình đặc biệt nói chung là khó tồn tại lâu dài hoặc lặp đi lặp lại, đó là lý do tôi dùng chữ “đánh quả” để chỉ cách kiếm tiền này.
Đầu cơ và đánh quả là hai cách kiếm tiền đặc biệt và đang khá phổ biến ở Việt nam. Điều hơi đáng buồn là chúng phổ biến đến mức có xu hướng lấn át sự kinh doanh chân chính. Hình dung từ mà xã hội đang dùng “làm ăn chộp giật” thực ra không có gì khác là mang tâm lý đánh quả đi thực hiện các thương vụ có tính chất lâu dài. Tôi sẽ không đi sâu phân tích hiện tượng này bởi nó sẽ tế nhị và có nhiều động chạm, cái tôi tập trung vào là kinh doanh trong phần sau.
Mặc dù vậy, tôi nêu ra bản chất và các hạn chế của đầu cớ và đánh quả không phải có ý khuyên các bạn tránh xa mà ngược lại, quan điểm của tôi là nếu có cơ hội, hãy không ngần ngại kiếm tiền bằng đầu cơ và đánh quả. Có điều bạn hãy tỉnh táo để nhận ra đâu là giới hạn và dừng lại đúng lúc, vì cả đầu cơ và đánh quả đều không thể thực hiện được lâu dài.
Muốn kiếm tiền một cách bền vững, có bài bản và xây dựng được sự nghiệp, bạn phải đầu tư vào cách kiếm tiền thứ ba: kinh doanh. Trong phần sau tôi sẽ bàn kỹ hơn về cách kiếm tiền này vì đó cũng chính là ý đồ của tôi khi mở topic.
3. KINH DOANH
Theo định nghĩa của tôi, kinh doanh là hành động tham gia trực tiếp vào đời sống kinh tế bằng cách tạo ra một sản phẩm (có thể hữu hình hoặc vô hình) nhằm thoả mãn một nhu cầu có thật và bền vững của xã hội. Tuỳ vào tính chất sản phẩm và cách thức bạn tham gia vào guồng máy kinh tế đang vận hành, bạn sẽ nhận được phần tương ứng của mình. Đó chính là phần lợi nhuận tổng mà kinh doannh mang lại (tất nhiên sau đó bạn phải trừ đi các chi phí, phần còn lại mới là lợi nhuận đích thực của bạn).
Như vậy, để được gọi là kinh doanh thì công việc của bạn phải thoả mãn hai điều kiện:
Một là bạn phải TẠO RA MỘT SẢn PHẨM. Sản phẩm này có thể là hữu hình như chiếc pizza, cũng có thể là vô hình như một dịch vụ (giặt là chẳng hạn). Nên chú ý là khi mở một cửa hàng tạp hoá thì sản phẩm của bạn không phải là bánh xà phòng hay gói bimbim mà chính là cái dịch vụ bán lẻ mà bạn đang thực hiện. Bằng việc tham gia vào chuỗi phân phối xã hội, bạn đã có chỗ đứng trong guồng máy kinh tế và được quyền nhận lại phần của mình, chính là lợi nhuận khi mua các sản phẩm từ nhà phân phối bằng giá bán buôn và bán lại bằng giá bán lẻ.
Có nhiều kiểu kinh doanh mà sản phẩm của bạn là sự kết hợp của cả hữu hình và vô hình. Dịch vụ ăn uống là một ví dụ, khi bạn mở một quán phở, sản phẩm của bạn là sự kết hợp cả hữu hình (bát phở do bạn trực tiếp làm ra) và vô hình (không gian quán, cách thức và thái độ phục vụ). Nếu muốn kinh doanh có bài bản, một điều không thể thiếu là bạn phải định nghĩa được sản phẩm của mình, xác định chiến lược sản phẩm (cả hữu hình và vô hình) một cách hợp lý nhất và duy trì chiến lược một cách vừa bền vững vừa linh hoạt. Đó sẽ là chủ đề của một bài viết riêng.
Đặc điểm không thể thiếu thứ hai của kinh doanh là bạn phải HƯỚNG TỚI CÁC NHU CẦU CÓ THẬT VÀ BỀN VỮNG. Đây là đặc điểm rất quan trọng vì nó quyết định sự lâu bền và vững chắc của việc kinh doanh của bạn. Dựa trên tính chất “có thật và bền vững” của nhu cầu mà bạn mới có thể lập ra tổ chức (doanh nghiệp) xây dựng các chiến lược, sách lược và kế hoạch phát triển. Đây cũng chính là phần trọng tâm tôi sẽ tập trung chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm và nhận định với các bạn, bao gồm:
1.Ý tưởng kinh doanh
2.Xác định sản phẩm và hình thức kinh doanh
3.Vốn và đầu vào
4.Tạo ra sản phẩm
5.Bán hàng
6.Thu tiền
7.Chiến lược nhân sự
8.Chiến lược gọi vốn – gọi người cộng tác
9.Bảo vệ và bảo hiểm kinh doanh
10.Quản lý tài chính
11.Tâm thế kinh doanh
Những phân mục này tôi sẽ chia sẻ dần với các bạn trong những bài viết sau. Tuy nhiên các bạn cũng phải thể tất rằng tôi không thể viết đều đặn theo thời khoá biểu được vì thời gian có hạn, hơn nữa các nội dung trên đều là các chủ đề rất khó mà tôi lại không có thói quen viết qua loa.
Một điều cũng phải nói rõ là giữa đầu cơ, đánh quả và kinh doanh có gì mâu thuẫn không? Theo tôi là vừa có vừa không. Ba kiểu kiếm tiền trên có khác nhau về bản chất nhưng luôn luôn đan xen và xuất hiện cùng nhau. Đặc biệt với người kinh doanh, ngay trong công việc thường ngày của mình cũng vẫn hay có cơ hội đầu cơ hoặc đánh quả. Việc nhìn ra và kết hợp các cơ hội sẽ làm cho sự kiếm tiền của bạn có kết quả hơn.
----------------- II. NHỮNG PHẨM CHẤT CỦA NGƯỜI KINH DOANH HAY ĐÂU LÀ ĐIỂM KHÁC NHAU GIỮA MỘT NHÀ KINH DOANH THÀNH CÔNG VÀ MỘT NHÀ NGHIÊN CỨU KINH TẾ GIỎI
Em gái tôi có một cậu bạn học rất giỏi, làm tiến sĩ kinh tế ở Úc, sau đó về Việt nam giảng dạy và nhanh chóng gây dựng được danh tiếng. Ngoài dạy ở trường, cậu ta hay được mời đào tạo cho các công ty lớn và trường dạy doanh nhân, riêng thu nhập từ việc đi dạy và viết bài đã đủ để mua nhà mua xe và có một khoảnh tích luỹ kha khá.
Năm 33 tuổi cậu ta lấy vợ (cũng muộn gần như tôi!). Gia đình nhà vợ tương đối khá giả, rất hãnh diện vì anh con rể tài giỏi và cổ vũ cậu bạn tôi ra ngoài tự kinh doanh, cái lý của ông bố vợ cậu ta lúc ấy là “nó dạy được giám đốc thì thừa sức làm giám đốc”. Cậu bạn em tôi xin nghỉ không lương ở trường, ra ngoài lập công ty và sau gần 3 năm thì đốt sạch số tiền tiết kiệm của mình thêm một khoản không nhỏ của nhà vợ, cuối cùng cậu ta quay lại trường và bây giờ thì đã yên tâm giảng dạy. Thật may là hai vợ chồng vẫn rất hạnh phúc.
Trường hợp cậu bạn em tôi ở trên là một trong số rất nhiều minh chứng cho sự thật là, kiến thức kinh tế dù sâu dày đến mấy cũng hoàn toàn không phải là đảm bảo cho kinh doanh thành công. Ở chiều ngược lại chúng ta cũng có thể thấy không ít người, mặc dù không được đào tạo bài bản về kinh tế nhưng lại là những nhà kinh doanh đại tài. Đặc biệt ở vùng Đại Trung Hoa (Trung Quốc, Hồng Kông, Đài loan) và cả Hàn Quốc, phần lớn các nhà kinh doanh thế hệ trước đều không có điều kiện học hành tử tế, trong đó không ít người thậm chí không học hết phổ thông. Những hạn chế đó không ngăn cản họ trở thành các doanh nhân vĩ đại sau này với các công ty nổi tiếng như Huttchinson (Li Ka Shing), Foxconn (Terry Gou), kể cả Hyundai và Samsung cũng vậy.
Nếu lấy cả các nhà kinh doanh trí thức (như phần lớn các công ty phương Tây ngày nay) ra xem xét thì cũng luôn luôn có một câu hỏi: cho dù các doanh nhân đó là cử nhân, thạc sĩ hay thậm chí tiến sĩ thì cũng có vô số cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ khác cũng giỏi như họ và cũng ôm mộng giàu sang không kém họ, tại sao chỉ có một số ít người thành công? Rõ ràng, ngoài kiến thức ra còn có một điều gì đó rất quan trọng với sự thành công của các doanh nhân mà nếu thiếu nó, kiến thức nhiều đến mấy cũng không đủ.
Tôi chắc rằng đã có không ít các cuốn sách, bài báo nói về vấn đề này. Người ra đã liệt kê rất nhiều yếu tố như sự chăm chỉ, dám làm hay vận may vv… Tuy nhiên theo quan sát của tôi, yếu tố quan trọng nhất làm nên một nhà kinh doanh thành công lại nằm ở một đặc tính khác (mà tôi rất ngạc nhiên không hiểu sao không thấy ai nói tới), đó chính là KHẢ NĂNG NHÌN THẤY TIỀN TỪ TRƯỚC KHI NÓ ĐƯỢC LÀM RA, khác với đại đa số người trong xã hội, kể cả các nhà nghiên cứu kinh tế là họ chỉ nhìn thấy tiền SAU KHI NÓ ĐÃ ĐƯỢC LÀM RA RỒI.
Để cho rõ hơn, hãy lấy ví dụ một bài thơ: Nhà thơ trong một phút xuất thần viết ra một bài thơ hay, nhà phê bình văn học sau đó có thể phân tích bài thơ ở đủ mọi khía cạnh, đến mức bảo nhà thơ tự phân tích cũng không thể được như vậy, nhưng nếu bảo nhà phê bình văn học đi sáng tác thơ thì chắc chắn ông ta không sáng tác được.
Quay lại chủ đề chính, tôi muốn nói rằng nhà kinh doanh cũng đóng vai trò sáng tạo: anh ta phải có khả năng nhìn ra tiền ở nơi mà người khác chưa nhìn ra rồi biến khả năng đó thành hiện thực. Khả năng đó, theo tôi, là khả năng quan trọng nhất quyết định một người có thể trở thành nhà kinh doanh hay không, còn quan trọng hơn cả sự chăm chỉ hay may mắn. Bởi nếu không có khả năng “nhìn ra tiền” thì chăm chỉ đến mấy cũng chỉ là sự chăm chỉ mù quáng, và cũng không thể nhìn ra cơ hội khi có hội đến trong tay.
Mặc dù hơi thô nhưng tôi thấy có một cách hình dung tốt nhất để diễn đạt đặc tính quan trọng này, đó là nhà kinh doanh phải có cái mũi thính đủ để NGỬI RA TIỀN một khi có tiền ở đâu đó trong tầm tay. Năng khiếu này là bẩm sinh, hầu như không thể học hỏi, đào tạo hay tập luyện được. Tính chất “bẩm sinh” của năng khiếu “ngửi ra tiền” giải thích tại sao có những người chỉ tốt nghiệp cấp 2 mà kinh doanh rất giỏi, kể cả trong những lĩnh vực hoàn toàn vượt quá sự đào tạo của họ (tất nhiên họ phải dùng các nhân viên phù hợp). Trong khi không ít thạc sĩ hay tiến sĩ, mặc dù vận dụng đủ mọi mô hình, điều tra và phương pháp, cuối cùng cũng chỉ là ném tiền qua cửa sổ.
Đây là thông điệp, mặc dù có hơi buồn, mà tôi muốn gửi cho các bạn: Vì khả năng ngửi ra tiền là một năng khiếu bẩm sinh nên không phải ai cũng có thể trở thành nhà kinh doanh, hoặc cũng có thể nói phần lớn chúng ta đều không kinh doanh được vì bẩm sinh không có năng khiếu này. Tất nhiên, việc không có khả năng “ngửi ra tiền” không hề là rào cản để các bạn không tham gia vào đời sống kinh tế, mà bạn nên nhận định chính xác về năng khiếu của mình để có lựa chọn thích hợp vì trong các tổ chức kinh tế, không hiếm các vị trí (kể cả các vị trí cao) không cần bạn phải có năng khiếu nhìn ra tiền.
Lại một vấn đề đặt ra ở đây là: làm sao để một người biết mình có năng khiếu kinh doanh hay không? Không hề có một thiết bị hay một phương pháp trắc nghiệm nào có thể chỉ ra được điều đó. Trong đa số trường hợp, một người chỉ nhận ra mình không có năng khiếu kinh doanh sau khi đã đốt rất nhiều tiền của bản thân và gia đình, và tiêu tốn không ít năm tuổi trẻ. Trong các bài viết sau, tôi hy vọng chỉ ra được một nguyên tắc đại loại để bạn có thể tự nhận xét bản thân trước khi quyết định đầu tư vào một công việc nào đó. Việc biết mình không có năng khiếu và không sa đà vào kinh doanh cũng quan trọng không kém việc biết nên kinh doanh như thế nào (với những người có năng khiếu kinh doanh).
Nếu bạn ra bất cứ một hiệu sách nào, bạn cũng có thể thấy vô số sách dạy kinh doanh và dạy làm giàu. Tôi đã xem qua một số trong đó và ấn tượng thực sự không được tốt lắm. Có mấy kiểu như sau: khá nhiều sách nói về làm giàu như một việc tương đối dễ dàng, ai cũng làm được. Một số sách khác thì thuật lại con đường làm giàu của các nhà kinh doanh nổi tiếng thậm chí rất chi tiết, nhưng rốt cuộc lại không hề rút ra những chỉ dẫn hoặc nguyên tắc nào cho độc giả. Một số sách dịch khác cũng có nói đến các nguyên tắc nhưng nói chung lại không phù hợp với Việt nam, cuối cùng cũng chỉ là “đọc để biết vậy” (chẳng hạn như cuốn Tôn Tử binh pháp trong kinh doanh, nghe thì hay nhưng thực sự không vận dụng được).
Trở lại với chủ đề bài viết, đâu là những phẩm chất làm nên một nhà kinh doanh thành công? Như đã nói ở trên, tôi cho rằng năng khiếu “nhìn ra tiền” hay “ngửi ra tiền” là yếu tố quan trọng nhất quyết định một người CÓ THỂ trở thành nhà kinh doanh hay không. Tất nhiên đó mới là điều kiện cần, bởi nếu muốn biến cơ hội thành hiện thực, nhà kinh doanh cần có thêm một số những phẩm chất khác.
Trang điện tử vnexpress cách đây mấy hôm có đăng một bài dịch “Người giàu thành công nhờ đâu” trong đó có nêu những yếu tố mà những người kinh doanh giàu có ở Mỹ cho là quyết định để họ thành công, theo thứ tự là: 1. Chăm chỉ (quyết định nhất); 2. Giáo dục; 3. Chấp nhận rủi ro; 4. Tiết kiệm; 5. May mắn. Chiếu theo liệt kê này thì hình như chúng ta ai cũng có thể kinh doanh thành công được vì yếu tố bất định nhất là may mắn lại xếp ở tận thứ năm, nghĩa là không có vai trò quá lớn.
Rất tiếc là dù ở Mỹ hay Việt nam thì đều không phải như vậy. Mặc dù hầu hết chúng ta đều chăm chỉ, có giáo dục. sẵn sàng chấp nhận rủi ro và hết sức tiết kiệm thì số người kinh doanh thành công vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong xã hội. Vì vậy tôi có thể nói chắc với các bạn rằng liệt kê ở trên không sai hoàn toàn nhưng cũng hoàn toàn không đúng. Theo tôi thì vì lý do ngoại giao nên những người giàu ở Mỹ mới đưa ra một liệt kê như vậy, chứ theo tôi thì ngài Warren Buffet chẳng hạn chỉ cần nói một cách đơn giản “Tôi giàu, vì tôi giỏi hơn các vị!” Ở đây tôi sẽ đưa ra một liệt kê khác, dựa trên kinh nghiệm của chính tôi. Các bạn có thể tin rằng liệt kê của tôi là đúng vì tôi không cần ngoại giao, cũng không có ý định động viên ai, bởi quan điểm của tôi rất rõ ràng: Chỉ một số trong chúng ta có năng khiếu kinh doanh.
----------------PHẨM CHẤT THỨ HAI: SUY NGHĨ VÀ LÀM VIỆC CÓ HỆ THỐNG
Phần trước tôi đã liệt kê năng khiếu “ngửi ra tiền” như phẩm chất cơ bản nhất của nhà kinh doanh. Một điều tôi muốn nói thêm ở đây là năng khiếu ngửi ra tiền ở một người, nếu có, thì cũng không phải là vĩnh viễn và lúc nào cũng nhạy bén như nhau. Đúng là có một số nhà kinh doanh có năng lực liên tiếp đưa ra các quyết định đúng, nhưng không ít người khác (kể cả các nhà kinh doanh lớn), sau phút loé sáng ban đầu thì lại hầu như mất năng lực và mắc không ít sai lầm. Về thực tế này, có lẽ không ví dụ nào tiêu biểu hơn Nokia. Đầu những năm 1980 ban lãnh đạo công ty đã có một quyết định thiên tài khi chuyển từ sản xuất giấy sang điện thoại di động, nhưng 20 năm sau họ lại không đủ khả năng ngửi ra tiền với smartphone mặc dù chính là hãng đầu tiên sản xuất ra nó, và tập trung vào điện thoại cơ bản. Và số phận của Nokia bây giờ ra sao thì chắc tất cả chúng ta điều biết.
Năng khiếu “ngửi ra tiền” với tôi là chiếm vị trí thứ nhất, vị trí thứ hai theo quan điểm của tôi là khả năng SUY NGHĨ VÀ LÀM VIỆC MỘT CÁCH CÓ HỆ THỐNG.
Ông cha chúng ta đã nhận ra điều này từ rất sớm và tổng kết nó trong một câu tục ngữ hết sức chính xác: “Một người lo bằng một kho người làm”. Với vị trí là người kinh doanh độc lập, bạn bắt buộc phải đóng tròn vai người lập kế hoạch, lo việc và điều hành công việc. Tất cả những chuyện đó bạn chỉ có thể làm được khi bạn có khả năng suy nghĩ là làm việc một cách có hệ thống.
Dù bạn kinh doanh một mình hay có tổ chức thì bạn sẽ thấy rằng công việc kinh doanh của bạn luôn luôn có tính hệ thống ở cả hai phương diện: a) Việc kinh doanh của bạn tự nó là một hệ thống và b) Việc kinh doanh của bạn là một phần của một hệ thống lớn hơn hoặc phục vụ cho một hoặc một số hệ thống khác.
Có thể nói với những người khởi nghiệp, việc bạn thành công lâu hay chóng, và mức độ thành công thế nào là hoàn toàn phụ thuộc vào việc hệ thống của bạn tốt/kém ra sao và bạn có thể hoà nhập hệ thống của bạn vào các hệ thống hoặc cơ cấu vốn có nhanh hay chậm, nông hay sâu.
Đa số chúng ta đều có khả năng suy nghĩ hệ thống ở một mức độ nào đó, và nếu biết kết hợp với một ý tưởng tốt thì hầu như đều có thể thành công ở mức độ khởi nghiệp. Nhưng để phát triển thì lại là một vấn đề khác. Quy mô kinh doanh càng lớn thì đòi hỏi về tính hệ thống càng lớn khiến cho không ít nhà sáng lập trở nên hụt hơi vì khả năng suy nghĩ hệ thống của họ không đủ. Tôi không muốn đi sâu hơn về ý này vì nó có vẻ hơi sớm đối với khởi nghiệp mà chỉ muốn các bạn biết rằng: điều sống còn của thành công trong kinh doanh là bạn phải có tư duy hệ thống và biết cách làm việc một cách có hệ thống. Trường hợp ngược lại, dù ý tưởng của bạn tốt mấy bạn cũng sẽ thất bại.
Khác với năng khiếu “ngửi ra tiền” tôi nói đến ở trên, khả năng suy nghĩ và làm việc có hệ thống có một phần là bẩm sinh, một phần là kiến thức và kỹ năng mà bạn có thể học hay luyện tập được. Thậm chí khi bạn có nhiều tiền, bạn có thể thuê người khác suy nghĩ và làm việc cho bạn. Tuy nhiên ở giai đoạn đầu khởi nghiệp, bạn nên tự mình thực hiện tất cả các công việc để chính mình có thể hiểu và thâm nhập sâu vào hệ thống kinh doanh của bạn. Khi bạn đã hiểu và làm chủ được hệ thống, bạn chỉ cần thuê người nắm giữ các đầu mối của hệ thống là có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức, trong khi lợi nhuận thu về vẫn không giảm.
Như đã nói ở trên, khả năng suy nghĩ và làm việc có hệ thống là có thể học và luyện tập, và cách luyện tập có hiệu quả nhất theo tôi là HỌC ĐẠI HỌC TỬ TẾ. Ở khía cạnh này, quan điểm của tôi trùng với liệt kê của các người giàu ở Mỹ, đó là GIÁO DỤC. Một trường đại học tử tế sẽ cung cấp cho bạn phương pháp tư duy và giải quyết vấn đề một cách có hệ thống. Dù ít hay nhiều, điều đó cũng sẽ giúp bạn trong con đường sau này.
Rất nhiều bạn trẻ ngày nay phàn nàn kêu ca rằng học đại học xong đi làm, không dùng gì đến kiến thức nhà trường, thậm chí còn phải làm trái ngành. Lời khuyên của tôi cho các bạn là đừng đặt nặng quá vấn đề kiến thức mà hãy chú ý nhiều hơn đến phương pháp và tầm nhìn. Phương pháp tư duy đại học chính là phương pháp tư duy có hệ thống, nếu bạn có thể học và quen được với cách tư duy ấy thì mấy năm đại học của bạn đã hoàn toàn không uổng.
PHẨM CHẤT THỨ BA: DÁM LÀM, DÁM CHỊU VÀ DÁM THẤT BẠI
Khá nhiều sách báo cả ở Việt Nam và Phương Tây dùng từ “dám mạo hiểm” để diễn tả ý này. Tôi không đồng ý với cách diễn đạt đó vì từ “mạo hiểm” gợi lên ý nghĩa của sự đánh bạc và có tính chất nhất thời. Kinh doanh, không phải là đánh bạc, mà là một công việc nghiêm túc được vận trù và điều hành cẩn thận. Dù thắng hay thua thi thắng thua của kinh doanh cũng không hề là thắng thua của đánh bạc mà luôn luôn có những lý do hẳn hoi về ý tưởng, hệ thống hay thời thế. Nếu bạn nghĩ rằng kết quả kinh doanh phụ thuộc vào may hay không may thì tốt nhất bạn nên đi đầu cơ hay đánh quả.
Nếu nhớ lại quan điểm của tôi, kinh doanh là phục vụ các nhu cầu có thật và bền vững thì bạn sẽ thấy, kinh doanh không phải là mạo hiểm mà vấn đề là, bạn có dám làm hay không. Và theo kinh nghiệm của tôi thì sự “dám làm” của bạn không phải thể hiện ra ở lúc bắt đầu, khi bạn đang có đủ sức, đủ tiền và tràn ngập hy vọng, mà ở vài tháng sau đó, lúc chắc chắn bạn đang khó khăn thiếu thốn trăm bề. Rất nhiều người khởi nghiệp đã không vượt qua giai đoạn này (giai đoạn khó khăn sau khi bắt đầu) và không dám đi tiếp, họ than thở hối hận suốt ngày, cuối cùng kết thúc kinh doanh hoặc tìm cách bán lại cửa hàng cành nhanh càng tốt. Đó mới chính là lúc bản lĩnh dám làm và dám thất bại của nhà kinh doanh thể hiện rõ rệt và trung thực nhất.
Cho dù bạn có thất bại thật sự và phải kết thúc hay bán lại doanh nghiệp, bạn cũng không nên coi đó như một sự không may phải quên đi gấp mà hãy đủ bãn lĩnh suy nghĩ, phân tích và rút ra bài học cho lần khởi nghiệp sau. Quan điểm “dám làm, dám chịu và dám thất bại” của tôi là như vậy
----------------------Tôi đã nêu ra ba phẩm chất của nhà kinh doanh mà tôi thấy rằng nên phân tích nhất: năng khiếu ngửi ra tiền, khả năng tư duy hệ tống và sự dám làm. Còn có một số phẩm chất khác đã được bàn nhiều tôi chỉ liệt kê sau đây, các bạn chắc sẽ tìm thấy phân tích ở rất nhiều nơi khác:
- Chăm chỉ, không ngại làm việc với các chi tiết
- Khả năng nhìn người và làm việc với người
- Khả năng làm việc với tiền và quản lý tài chính
- Khả năng cân bằng giữa kinh doanh và cuộc sống riêng
Bây giờ, tôi sẽ chuyển sang nói về kinh doanh cụ thể:
4. BƯỚC ĐẦU TIÊN CỦA KINH DOANH: Ý TƯỞNG
Không ít bạn cho rằng khởi đầu của một kinh doanh là vốn, càng nhiều vốn càng tốt. Hãy tin tôi rằng thực tế không phải là như vậy. Mặc dù vốn, hoặc khả năng chạy được vốn, là một phần không thể thiếu của kinh doanh nhưng sự thật là khi bạn muốn bắt đầu kinh doanh, điều quan trọng nhất chính là bạn phải hình thành được một Ý TƯỞNG.
Hình thành ý tưởng kinh doanh thực chất là bạn hình dung chính xác mình sẽ làm cái gì, tức là xác định một cách đại thể sản phẩm của bạn. Nội dung “làm gì” là nội dung quan trọng nhất (mặc dù không phải là duy nhất) của ý tưởng kinh doanh. Xét theo cách nhìn hệ thống, nếu coi kinh doanh là một ván cờ thì sự xác định “làm gì” chính là nước đi đầu tiên, quy định sự phát triển và tính chất của ván cục sau này.
Tất cả các bạn chắc đã không ít lần đọc được trên các diễn đàn khác nhau, trên vnexpress hay vietnamnet các câu hỏi đại loại như “Có 200 triệu, nên kinh doanh gì” hay “Có 100 triệu, nuôi bò sữa được không?” (trong khi một con bò sữa giá phải 40-50 triệu). Riêng tôi thì không biết đã bị những câu hỏi như vậy dội bom bao nhiêu lần. Thậm chí có hôm một ông bác họ còn đột ngột dẫn ông con út đến nhà (gọi là “ông” vì 22 tuổi mà khệnh khạng như kễnh, chém lên 5 tỉ chém xuống 10 tỉ như mua rau), ông bác bảo tôi thế này “Anh nó học xong muốn kinh doanh, bác gom góp được 550 triệu, bác giao cho anh phải giúp anh nó làm ra tiền” (!)
Tất cả những trường hợp trên đều có thể tóm tắt vào một câu: dành dụm được một ít tiền, rất muốn kinh doanh nhưng không có ý tưởng và hỏi bất cứ ai rằng mình nên làm gì, và hy vọng người nào đó cho mình một chỉ bảo dẫn đến thành công.
Có thể có khả năng đó không? Câu trả lời của tôi rất ngắn gọn, rõ ràng (và phũ phàng) là: KHÔNG THỂ! Bạn có thể đi làm dành được tiền, có thể vay mượn hay thừa kế của cha mẹ được một số hoặc thậm chí rất nhiều tiền, nhưng nếu bạn muốn khởi nghiệp mà không có một ý tưởng do bạn tự nảy ra thì phần chắc là bạn không thể thành công!
Tại sao tôi lại khẳng định như vậy? Ở bài viết trước tôi đã nêu quan điểm rằng yếu tố quan trọng nhất để một người có thể trở thành một nhà kinh doanh là anh/cô ta phải có khả năng “ngửi ra tiền”. Khả năng “ngửi ra tiền” này, biểu hiện ra ngoài của nó chính là khả năng hình thành những ý tưởng kinh doanh tốt, và nếu bạn không thể nảy ra ý tưởng thì cũng đồng nghĩa với việc bạn không có khả năng “ngửi ra tiền”: năng khiều kinh doanh của bạn hoặc không có, hoặc chưa thức tỉnh!
Vậy là có lẽ trái với mong đợi của nhiều bạn đang đọc bài này, tôi sẽ không đưa ra một ý tưởng nào cho các bạn mà chỉ khẳng định rằng, nếu muốn khởi nghiệp, bạn phải tự nảy ra ý tưởng của riêng mình. Đó là nhiệm vụ nhất thiết bạn phải thực hiện trước khi đi giải quyết các nhiệm vụ khác. Nếu không thể nảy ra được một ý tưởng mà tự bạn thấy là tốt thì hãy yên tâm đi làm việc khác và đợi thời. Đừng copy ý tưởng của người khác, cũng đừng hy vọng ai đó sẽ nghĩ ra ý tưởng hộ mình.
Mặc dù không đưa ra một ý tưởng cụ thể, tôi sẽ cố gắng giúp các bạn bằng cách nêu lên một số phương pháp hoặc phương hướng mà các bạn có thể tham khảo. Bằng cách này, tôi đã giúp được một vài người bạn khởi nghiệp thành công.
5. MAY MẮN HAY CƠ HỘI
Rất nhiều bài viết về kinh doanh nêu lên “may mắn” như là một yếu tố quyết định của thành công trong kinh doanh. Hãy tham khảo bài viết mới đây trên vnexpress “Người giàu thành công nhờ đâu” thì thấy rằng ở phương Tây, những người thành công trong kinh doanh tự cho rằng các yếu tố thành công xếp theo thứ tự là 1. Chăm chỉ, 2. Giáo dục, 3. Chấp nhận rủi ro, 4. Tiết kiệm và 5. May mắn. Bài báo này làm cho tôi có nhiều băn khoăn, và tôi cho rằng có thể vì lịch sự mà họ đã trả lời như vậy bởi qua thực tế nhiều năm kinh doanh tôi có thể khẳng định rằng, danh sách trên nên có các yếu tố khác và với thứ tự khác.
Hãy xem xét yếu tố may mắn, người phương Tây xếp nó ở vị trí thứ năm, còn ở Việt nam thì tôi chắc phần lớn các bạn sẽ coi nó là thứ nhất. Rất nhiều các bạn chưa thành công than thở rằng mình không có gia đình giàu có, không ở Hà nội hay Sài gòn, không lớn lên đúng thời sốt đất hay chứng khoán “nếu không thì bây giờ ta đã chẳng kém ai”, và đổ cho đó là sự thiếu may mắn. Nhưng có thật là như vậy không?
“May mắn” là từ để chỉ những cơ hội hữu hạn, dễ ăn, và tự nó có thể rơi vào người này và không rơi vào người kia. Tôi thì khẳng định 100% rằng sự thành công trong kinh doanh khởi nghiệp có rất ít yếu tố may mắn. Cơ hội luôn có nhiều và đối xử với chúng ta như nhau. Việc có thể nhìn ra và tận dụng cơ hội không phải là may mắn mà là năng khiếu và phẩm chất của bạn. Nếu bạn không nhìn ra cơ hội thì không có nghĩa là bạn không may mà đơn giản là bạn không có năng khiếu kinh doanh hoặc năng khiếu của bạn chưa đủ chín, vậy thôi.
Hãy để thời giờ tham khảo các ý tưởng lập nghiệp của các nhà kinh doanh thành công, các bạn sẽ thấy phần lớn các ý tưởng đó đều không có gì cao xa. Đặc biệt trong xã hội mới bắt đầu tư bản hoá như Việt nam lại có nhiều người thành công bằng các ý tưởng đơn giản, khiến cái cảm giác về sự may mắn càng lớn và dễ khiến người ta tưởng nhầm. Thực ra ở đây không có gì là may mắn cả. Bạn không nhìn ra cơ hội trong khi người ta nhìn ra, hoặc bạn cũng thấy cơ hội nhưng lại không đủ khả năng biến cơ hội thành thành công, đó là vì người ta đã làm giỏi hơn bạn chứ không phải may mắn hơn bạn.
Nếu bạn thực sự là người có năng khiếu và ý chí kinh doanh, chắc chắn bạn sẽ thành công ở mức độ nào đó. May mắn nếu có, chỉ là yếu tố giúp bạn thành công nhanh hơn và lớn hơn chứ không thế quyết định thành công hay thất bại của bạn. Đó là điều tôi muốn nói trong phần này.
Theo quan điểm của tôi thì việc hình thành ý tưởng kinh doanh phải là trách nhiệm của chính người khởi nghiệp, tôi biết rằng quan điểm đó sẽ làm nhiều bạn không hài lòng bởi các bạn sẽ nghĩ “Nói thế chẳng khác gì không nói”. Nhưng các bạn hãy tin tôi, kinh doanh không khác gì một đứa trẻ mà các bạn phải chăm chút, dạy dỗ và nuôi lớn, để đến khi trưởng thành đứa trẻ ấy báo đáp lại các bạn bằng lợi nhuận. Theo quan điểm đó thì ý tưởng kinh doanh chính là cái bào thai, và nếu như các bạn vay mượn hoặc copy ý tưởng, đó chẳng khác gì lấy con của người khác về nuôi. Bạn sẽ hầu như không thể có được tâm huyết, sự gắn bó và hy sinh như khi bạn nuôi con của chính mình, mà một khi như thế thì dù đứa con đó có tốt đến mấy thì cũng hầu như không thể lớn lên khoẻ mạnh giỏi giang để có thể báo đáp cho bạn.
Có điều, việc hình thành được một ý tưởng kinh doanh tốt là một việc rất khó. Mặc dù không nêu những ý tưởng cụ thể nhưng bằng thực tế bản thân và các quan sát trong giới kinh doanh, tôi sẽ cố gắng giúp các bạn bằng cách đưa ra một số phương pháp mà các bạn có thể vận dụng để hình thành ý tưởng kinh doanh cho chính mình. Các phương pháp đó, tôi sẽ trình bày và phân tích ở bài viết sau.
-----------------
No comments:
Post a Comment