Monday, April 24, 2017

RUNG CHUÔNG VÀNG VÀ HÌNH THỨC MARKETING TRÁ HÌNH

Gần đây các trường tiểu học rộ lên tổ chức cuộc thi Rung chuông vàng (Ring the Golden Bell), trường con mình cũng không ngoại lệ. Cuộc thi này phụ huynh không được báo trước, mà con thi xong mình mới biết, con cầm về một tờ giấy học bổng 1 triệu của trung tâm tiếng Anh tổ chức cuộc thi (nếu con đăng ký khóa học ở trung tâm thì sẽ được giảm trừ 1 triệu). Tức là đứng sau cuộc thi này, là một trung tâm tiếng Anh nào đó (cũng không phải trung tâm TA đang liên kết dạy tại trường). Cũng tốt thôi nếu như các con có một cuộc chơi vui vẻ, cũng gọi là một chút kiểm tra trình độ hiện tại của con, cho đến khi trung tâm TA kia gọi điện thoại cho mình nhắc ngày đưa con đến kiểm tra trình độ miễn phí và xếp lớp học tại trung tâm. Họ có số điện thoại của mình và họ tên, lớp của con, hẳn là đã có một tờ form nào đó cho các con điền vào, và đấy là một hình thức thu thập dữ liệu cá nhân mà không được sự đồng ý của phụ huynh. Tất nhiên mình từ chối vì không có nhu cầu cho con đi học.
Chưa hết, đã có nhiều phụ huynh phản ánh khi họ đưa con đi test ở trung tâm, thì các cháu bị chê khá nặng nề, từ vựng ít, phát âm sai, ngữ pháp kém... Điều đáng nói là các cháu đều xuất sắc hơn các bạn ở lớp, nghĩa là được chọn rồi mới đi thi, và đi thi có kết quả đáng kể mới nhận được tờ giấy học bổng và được trung tâm gọi đi test. Nhiều phụ huynh khá sốc và hoang mang khi lần đầu tiên nghe nhận xét về con mình như vậy. Và đi hỏi nhiều nơi, hỏi những người có chuyên môn tiếng Anh đã tiếp xúc với con thì mới biết, hóa ra các con phải làm những bài test vượt quá trình độ (ví dụ lớp 4 phải làm bài tương đương trình độ lớp 7), không chỉ quá trình độ tiếng Anh mà còn cả vượt quá cả khả năng nhận thức lứa tuổi. Thật dễ hiểu vì sao kết quả test con chỉ đạt được như vậy. Và kết quả đó đánh vào tâm lý lo sợ của phụ huynh, để dễ dàng đăng ký khóa học tại đó cho con.
Và khóa học đó là gì, là đóng hơn 100 triệu một lúc để con được học tại đó với cam kết học đến bao giờ IELTS đạt 7.0. Chưa nói đến việc một học sinh tiểu học thì khả năng nhận thức chưa phù hợp để học IETLS, đóng ngay một khoản tiền lớn như thế với một cam kết khá mơ hồ, lỡ học đến già mới đạt IELTS 7.0 thì sao? Cứ cho 10 năm là đạt được đi, tính ra bình quân mỗi năm chi phí học TA tầm 10 triệu nghĩ là rẻ, nhưng chất lượng trung tâm dạy có kiểm soát được không, 10 năm nữa trung tâm đó họ còn tồn tại không hay đã phá sản rồi. Một hình thức chiếm dụng vốn mà người đầu tư tự đưa mình vào thế bí, dựa vào cái kết quả test vô đạo đức kia và những lời hứa suông.
-------------------
FB Hoang Anh
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10155987498149325&id=697054324
Chiều nay có 1 PHHS đến gặp mình. Con đã theo học ở lớp của mình được 3 năm nay, thuộc dạng học giỏi của 1 lớp nâng cao. Thế mà mẹ đến mếu máo, căng thẳng: "E ơ
i chị mất ngủ cả trưa nay, chỉ mong đến chiều để gặp em". Câu chuyện bắt đầu như sau:
Sáng nay chị đưa con đến trường thì khảo sát do TT Res tổ chức. Con là 1 trong 10 bạn học giỏi nhất lớp nên được cô chọn để đi thi. Cả mẹ và con đều háo hức, thế mà thi xong TT đó hỏi mẹ: Con đã được đi học TA bao giờ chưa chị? Chị bảo con học từ lớp 2. Res nhận xét: E tưởng con chưa được đi học bao giờ. Ngữ pháp kém, vốn từ ở mức cơ bản, phát âm sai.
Từng ấy câu nói làm mình đủ phát điên. Không thể nào có chuyện đấy, mình dạy thì mih biết học sinh của mình tn chứ. Chị đưa bài KT cho xem, 10 câu ngữ pháp, thì 5 câu có thì QK, HTHT v 1 số kiến thức lớp 7. Con chỉ làm đúng 5 câu, cũng là 5 câu con được học. Bài kiểm tra 1 hs lớp 4, nhưng 1/2 bài là kiến thức của hs lớp 7, và nhận xét con hổng ngữ pháp.
Tiếp đến bài thi nói, nhận xét nguyên văn của Res là: Con không có vốn từ các chủ đề: geography, biology, physics. Tại sao không nói hẳn là địa lý, sinh học, vật lý để bố mẹ đọc hiểu? Bắt 1 bạn hs lớp 4 phải có vốn từ TA về những chủ đề này, chẳng phải là quá đáng lắm sao?
Mình đọc mà ức phát khóc, cảm giác bao tâm huyết dạy dỗ của mình, bây giờ được 1 TT nổi tiếng nhận xét là: TA của con ở mức báo động, làm phụ huynh v hs hoang mang vô cùng.
Chị ấy khóc, vì lo cho con. Con khóc vì bị mẹ mắng, nghĩ mih kém cỏi. Mình cũng khóc, vì cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. Bây giờ có nói thế nào, cũng chỉ lạc thanh minh mà thôi.
Lấy hết sức bình tĩnh, mih phân tích cho chị ấy thế này: Con là 1 trong 10 bạn được chọn, tức là lực học của con đã được cô giáo đánh giá cao đúng không chị ? Chị nhìn lại 10 câu ngữ pháp của con, thì đến 5 câu của hs lớp 7, con mới lớp 4, không làm được e nghĩ cũng dễ hiểu chị nhỉ? Các chủ đề nói về địa lý, sinh học, vật lý, theo chị nếu hỏi tiếng việt, con có trả lời được không ạ?
Chị ấy nghe và ồ lên rằng: chị có biết TA đâu cô, nên mới phải đến gặp cô đây. Con học với cô lâu rồi chị biết cô sát sao với con thế nào, nhưng hn họ đánh giá như vậy, chị choáng quá.
Mih tiếp: họ tư vấn cho chị khoá học trọn đời 100tr đúng k ?
Chị ấy tròn mắt lên: Sao cô biết? Nếu hn đóng luôn thì 110tr, vì là hs của trường nên được giảm giá, nhưng ngày mai thì con là hs tự do, HP là 125tr. Nếu anh chị không mang tiền có thể đặt cọc. Phải 1 nửa số PH hn đóng đặt cọc luôn e ạ.
Mình chỉ cười, vì đã quá thuộc bài của bọn này. Rồi chị ấy nghĩ 1 lúc, kết luận thế này: à chị hiểu rồi, họ phải nói con kém để c đóng tiền cho con học, chứ giỏi thì đời nào c đóng đúng không e?
May quá, là chị nhận ra, chứ không phải e nói c nhé hihi.
Cũng may là, đây là 1 PH lâu năm và hiểu chuyện, nên đã chia sẻ thẳng thắn và lắng nghe; giả sử là 1 PH không hiểu chuyện, thì có khi mình lại được cái tiếng là dạy chả ra gì 😊
Thế đấy các bạn ạ, ở cái thời đại mà PR marketing với đủ các chiêu trò lên ngôi, thì những GV chân chính như chúng mình, càng phải cố gắng hơn nữa, chứ biết làm sao giờ ? Res không chỉ đến 1 trường, mà bằng nhiều cách đã len lỏi vào khắp các trường, từ cấp 1- cấp 3. Cái giỏi của họ là bằng 1 bài quảng cáo bài bản v chuyên nghiệp đánh trúng tâm lý PH, họ có thể lôi kéo cả những gia đình tài chính còn chưa mạnh, nhưng sẵn sàng bỏ cả trăm triệu để mong con có 1 nền tảng TA "chuẩn", tức là chỉ có hs học ở đây mới chuẩn, còn học đâu cũng gặp các vấn đề rất cơ bản. Nhiều lúc tự hỏi, lương tâm nghề nghiệp của những con ngừoi đấy để đâu, khi lợi dụng lòng tin của rất nhiều PH, xúc phạm rất nhiều GV, nói là giẫm đạp lên người khác để kiếm tiền khéo cũng không sai.
Vậy nên, xin được nhắn nhủ đến Res, mong rằng các bạn sẽ đọc được. Mình không yêu cầu được các bạn dạy học bằng tâm, nhưng mình mong các bạn hãy kinh doanh có lương tâm. 

Thursday, April 20, 2017

VÌ SAO MÌNH VIẾT BLOG

Thời gian gần đây, trí nhớ của mình suy giảm nhiều. Có nhiều sự kiện xảy ra trong quá khứ mà mình không hề nhớ gì cả, đến khi người thân gợi lại thì mới à, hóa ra đã từng như thế. Chị đồng nghiệp hỏi kinh nghiệm ăn dặm, mình quên hết đã từng cho con tháng này ăn gì, từ tinh đến thô như thế nào dù rằng xưa kia đã từng rất chăm chút cho con ăn dặm. Chị gái sắp sinh rồi cũng không nhớ cần chuẩn bị những đồ gì cho bé trước khi sinh, phải mở lại file excel xưa kia còn lưu. Rồi đôi lần search bài trên internet, mới đọc lại những comment của mình xưa kia, mới ồ hóa ra ngày xưa mình đã từng comment như này, đã từng nghĩ như này. Vậy là nảy ra ý muốn thôi thúc mình viết blog, lưu lại những kiến thức quý giá mình đã từng mất nhiều thời gian trăn trở, học hỏi, và biến nó thành kinh nghiệm của riêng mình, cũng là lưu lại hành trình nhận thức của mình đã biến đổi ra sao. Nhận lại nhiều từ người khác rồi, thì cũng đến lúc phải cho đi. Kiến thức đã nhiều người chia sẻ rồi, mình chia sẻ lại tiếp cho những người cần biết. Trước giờ mình vẫn ngại chia sẻ vì càng đọc nhiều, càng thấy hiểu biết của mình có hạn, càng muốn chờ đến khi mình thật giỏi rồi mới chia sẻ. Nhưng rồi khi bắt gặp những câu hỏi giản đơn của những người mới bắt đầu bước vào lĩnh vực ấy, mình mới nghĩ lại. Chia sẻ của mình hóa ra vẫn sẽ có ích cho một ai đó. Và thế là bắt tay vào viết thôi. Một bài viết công phu cũng tốn khá nhiều thời gian, ví dụ như mất nguyên 1 tiếng buổi trưa mới viết xong. Muốn viết hay thì còn phải thêm mình minh họa, lại càng cầu kỳ hơn nữa, nên đôi khi mình cũng ngại viết. Thỉnh thoảng lại phải tự ủn mình một tí, thôi cứ viết đi, cho mình và cho mọi người.

CAPTAIN HOOK - NHỮNG CHIA SẺ VỀ KINH DOANH

Khi bắt đầu topic này mình đã biết là sẽ bị soi về thu nhập 11 chữ số, và mình hoàn toàn thông cảm về điều đó:Smiling:. Cơm áo gạo tiền lúc nào cũng là nỗi lo lớn nhất của con người, nhất là trong thời lạm phát phi mã như hiện nay mà. 

Thực ra định viết về chuyện này vào cuối topic, nhưng vì sự quan tâm lớn quá nên mình cho nó nhảy cóc lên đây. Hy vọng một vài bạn nào đó có thể bắt chước con đường của mình thì vui lắm.

Nói đến kinh doanh, có lẽ tất cả mọi người Việt nam đều nghĩ về bất động sản, vàng, chứng khoán và ngoại tệ. Điều đó đúng nhưng không đủ, mình cũng không kiếm tiền bằng cách ấy.

Nếu thường xuyên xem báo, các bạn có thể đọc được tin “hơn 80% hàng hóa trong siêu thị là hàng Việt nam sản xuất”, có lẽ đúng là như thế, nhưng mình biết chắc đến 90% nguyên liệu của các hàng Việt nam đó là nhập từ nước ngoài. 

Sự phụ thuộc gần như hoàn toàn về nguyên liệu và tư liệu sản xuất vào nước ngoài giải thíchsố nhập siêu siêu lớn của Việt nam, năm 2010 đâu như là hơn 10 tỉ$. Chắc các bạn biết Chính phủ từng có ý định hạn chế nhập khẩu những hàng “xa xỉ” như ô-tô, điện thoại di động để giảm bớt nhập siêu, nhưng mình cho đó là vô tác dụng. Tổng kim ngạch nhập ôtô năm 2010 là 1 tỉ$, ĐTDD hình như cũng xêm xêm. Nếu cấm hẳn hai thứ đó thì nhập siêu cũng còn đến 8,9 tỉ. 

Vấn đề thực ra không nằm ở hàng xa xỉ, mà ở nguyên liệu và máy móc, là những thứ Việt nam không nhập không được. Một đất nước có 3000km bờ biển mà đến muối ăn đủ chuẩn cũng nhập khẩu, hay vẫn tự hào là “nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới” nhưng đến 80% giống lúa lại mua từ Trung quốc. Đất nước như thế, không nhập siêu kinh niên mới lạ.

Với một nền kinh tế phụ thuộc đến 90%nguyên liệu vào nước ngoài, nếu bạn sản xuất được chỉ cần 0,0000001% giá trị số nguyên liệu đó trong nước với chất lượng tương đương, bán rẻ hơn nước ngoài chỉ cần vài phầm trăm, tiền bạn đã không biết để đâu cho hết rồi. 

Thu nhập hơn 20tỉ/năm của mình thực ra là kết quả của sản xuất chỉ 2 nhóm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến với 6 sản phẩm, bí quyết công nghệ mua từ Đức và Séc, giá bán thấp hơn 8-10% so với thị trường thế giới. Mình không buôn bán vàng, cổ phiếu hay chứng khoán, nhà cửa thì thỉnh thoảng làm cho vui nhưng cũng không ham.

Viết thề này có hơi lan man, nhưng quả thực mình rất muốn bạn Dr.K hay các bạn trai khác vào topic, quan tâm đến thu nhập 11 chữ số của mình thì đọc kỹ bài này và nghiêm túc quan tâm đến gợi ý: hãy cố kiếm tiền rồi đầu tư vào sản xuất, bởi nếu đầu tư thành công bạn không chỉ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn mà còn giúp nhiều người khác có công ăn việc làm, và làm ra giá trị cho xã hội. Người Việt nam đang sục sôi vì bất động sản, vàng, chúng khoán, đô-la, tất cả những thứ đó đều KHÔNG LÀM RA GIÁ TRỊ. Căn nguyên nhập siêu của Việt nam chính là ở chỗ đó.

Trước đây mình rất tham việc, thượng vàng hạ cám cái gì cũng muốn can thiệp. Năm 2007 bị một trận sốt virus nặng, đang nằm giường bệnh truyền dịch mà đến cái bệ xí công nhân dùng loại gì cũng bị hỏi. Sau khi khỏi ốm mình thay đổi, tìm người có trình độ, thoả thuận lương thưởng thỏa đáng rồi giao quyền điều hành, ràng buộc thêm bằng hợp đồng chia cổ phần tương lai. Bây giờ mình chỉ còn 80% sở hữu cty (sang năm sẽ giảm xuống 70%) nhưng bù lại mỗi ngày chỉ phải làm việc chừng 6 tiếng mà công việc vẫn chạy tốt, vì những quản lý trẻ “máu mê” công việc và tiền bạc hơn, thứ mà đối với mình đã không còn nhiều ý nghĩa lắm.
-------------------------Quay lại chủ đề chính hôm nay, mình muốn bàn về câu hỏi của bạn kochino: về câu “nghèo thì lâu, giàu mấy chốc”.

Đây là một câu tổng kết rất chính xác. Nếu bạn đọc lại một bài viết trước, mình đã kể là sau thời gian đầu rất khó khăn, đến năm 1999 tự nhiên doanh thu của mình tăng vọt và chỉ sau 1 năm mình không những trả hết nợ mà còn mua được nhà và sắm một số vật dụng lớn. Bản chất của chuyện đó không phải là sự may mắn, mà là một đặc tính mà mình tạm gọi là SỰ BẤT TIỆM TIẾN của các quá trình kinh doanh.

Thế nào là sự bất tiệm tiến? Đó có nghĩa là trong hầu hết trường hợp, mặc dù bạn có ý tưởng đúng, chuẩn bị và tổ chức tốt, việc kinh doanh cũng không bao giờ “tăng dần đều” mà thường có một thời gian dài đi theo đường ngang, không ổn định và thu không bù chi. Phải sau một thời gian nhất định, khi thị trường đủ “ngấm” hàng hóa của bạn thì đến một lúc nào đó, tự nhiên sẽ có một bước nhảy vọt của nhu cầu, và bạn sẽ chứng kiến một sự phát triển vượt bậc về doanh thu và lợi nhuận. Cái gọi là “giàu mấy chốc” chính là như vậy. 

Quãng thời gian từ khi bắt đầu đến lúc đạt bước nhảy vọt lúc nào cũng là quãng thời gian rất khó khăn, kể cả với những nhà kinh doanh dày dạn. Bạn sẽ thấy những kế hoạch mình đề ra lúc đầu đều sai bét, sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt tài chính triền miên, trong khi tương lai lại hoàn toàn bất định. Quãng thời gian này chính là thước đo sự sáng suốt, nghị lực, tài tháo vát và độ “liều” cũng như độ “lì lợm” của bạn. Nếu có thể vượt qua sự trì trệ ban đầu, kiên trì đưa kinh doanh đến bước nhảy vọt, thì không những bạn sẽ được nếm trái ngọt của thành công mà tôi còn dám chắc 100%, bạn sẽ trưởng thành vượt bậc.
Tuy nhiên, cũng có một tin buồn là cái “thời điểm nhảy vọt” ấy bao giờ thì đến, thậm chí liệu có đến hay không, không ai có thể dự đoán cũng như tính trước được. Nhiều khi đó chỉ thuần túy là dự cảm và niềm tin sắt đá vào chính mình, mỗi người kinh doanh đều phải có dự cảm và niềm tin như vậy thì ít nhất mới có hy vọng thành công.


--------------------------------Quay lại chủ đề mình đang nói, kinh doanh. Một số bạn muốn biết mình khởi nghiệp như thế nào, lấy vốn ở đâu. Thực ra mình may mắn hơn nhiều người vì được gửi đi học nước ngoài, sau 5 năm về nước mình có được một vốn kiến thức rất có ích, một ý tưởng kinh doanh, và tích cóp được gần 6.000$. Mình phải vay mấy người họ hàng thêm 6.000$ nữa với lãi suất 2,5% một tháng mới đủ cho chuyến hàng đầu tiên.

Lúc đó mình chưa có công ty riêng, phải thuê một công ty khác nhập khẩu và xử lý hóa đơn hộ. Khi hàng về, vì không có tiền nên mình phải kiêm tất cả các công việc: giám đốc, kế toán nội bộ, tiếp thị, bán hàng và bốc vác. Có lần trời mưa ngập kho, mình phải tự tay chuyển gấp gần 10 tấn hàng từ chỗ thấp lên chỗ cao, xong việc bị lên 1 cơn co giật vì quá sức, may mà sau đó cũng tự khỏi.

Hai năm 96,97 là hai năm địa ngục đối với mình, nỗi vất vả về làm việc đã lớn, nhưng còn chưa thấm vào đâu so với sự căng thẳng về tài chính. Mình luôn sống trong cảnh giật gấu vá vai, lấy món vay này bù vào chỗ nợ khác. Có những lúc chỉ cần 150 ngàn đồng trả lãi một khoản 5 triệu vay nóng mà cũng không biết làm sao kiếm ra, phải làm một việc kinh khủng là đem cắm bằng tốt nghiệp. Vậy mà không hiểu tại sao ngay trong những lúc đen tối nhất mình vẫn không bao giờ nghĩ mình sẽ thất bại, chỉ lẳng lặng tự đi cho tới cùng, không kêu ca than vãn với ai, kể cả với bố mẹ.

Năm 96 coi như tập sự, năm 97 doanh thu có khá hơn chút ít nhưng thu vẫn xa xa mới đủ bù chi, cả bố mình cũng mấy lần khuyên mình nên thôi nhưng mình không bỏ cuộc. Năm 98 tình hình bắt đầu sáng sủa hơn, đến năm 99, đột nhiên nhu cầu về sản phẩm của mình tăng lên, doanh thu gấp đến 6 lần năm trước, đã thấy dấu hiệu của sự thành công.

Mỗi người kinh doanh, khi thành công đều ít nhiều có một ân nhân, ân nhân của mình chính là vị đại diện khu vực của công ty cung cấp. Suốt hai năm 97,98, mặc dù biết mình không đủ năng lực tài chính nhưng ông vẫn không bác bỏ tư cách đại lý của mình, và năm 99 ông lại lấy tư cách cá nhân bảo lãnh cho mình được mua hàng trả chậm từ công ty mẹ. Chính nhờ có bảo lãnh trả chậm mà hàng về kịp thời, và mình mới không nhỡ cơ hội khi thị trường bùng nổ. 

Những năm ấy, tài sản cá nhân duy nhất của mình là chiến Cub 81 bố mẹ mua cho khi về nước, chiếc xe đã cùng mình đi hết tất cả khốn khó đến thành công sau này. Bây giờ chiếc Cub 81 vẫn ở trong nhà mình, trong một góc kín đáo nhưng trang trọng. Thỉnh thoảng buổi tối mình vẫn ra ngồi cạnh, im lặng đặt tay lên yên, lần nào cũng thấy một cảm giác rất khó nói từ chiếc xe truyền sang, cảm giác như với một người tri kỷ.

---------------

Năm 2003 là năm bước ngoặt đối với mình. Trước đó mình chỉ làm thương mại, nói đúng hơn là làm đại lý độc quyền cho một công ty lớn của châu Âu. Mình là người khai phá thị trường cho công ty đó tại Việt nam, đổi lại thì trong một thời gian, công ty đó cho mình toàn quyền thương mại: hàng hoá, giá cả, marketing, thị trường… cứ thế cho đến năm 2002. 

Những bạn đã có kinh nghiệm trong ngành phân phối hàng hóa có lẽ đều biết, các công ty lớn của Âu Mỹ khi thâm nhập thị trường thường dùng các công ty bản địa để dọn đường. Họ chọn một nhà phân phối, đặt giá tương đối thấp và thực hiện việc giám sát vòng ngoài. Đến khi doanh thu tại chỗ lên đủ cao thì nhà sản xuất sẽ nhảy vào cuộc, trực tiếp nắm lấy quyền kinh doanh và cắt đứt nhà phân phối bản địa, hoặc sẽ nâng giá bán và biến nhà phân phối thành một dạng như người khuân vác cao cấp, với lãi suất phân phối chỉ chừng 4-5%.

Kịch bản tương tự đã xảy ra với mình năm 2003. Năm 2002, vị đại diện khu vực ân nhân của mình hết nhiệm kỳ về nước (và về hưu luôn), tay đại diện mới sang chỉ hơn mình 4 tuổi, đúng kiểu người kinh doanh hiện đại: nhanh nhẹn, quyết đoán và lạnh lùng. 4 tháng sau khi nhậm chức hắn hẹn gặp mình, thông báo “từ sang năm bọn tao sẽ nắm các quyền quản lý chiến lược, marketing và bán hàng. Việc của chúng mày là nhận đơn hàng, chở hàng đến và thu tiền. Lợi nhuận sẽ là 4,5%, miễn thương lượng!” 

Mình không quá bất ngờ vì đã phần nào đoán trước được chuyện đó. Tất nhiên không bao giờ mình có ý định làm phu khuân vác, nên mới bắt tay ngay vào nghiên cứu ý tưởng sản xuất đang hình thành trong đầu. 

Ý tưởng đó tới một cách khá tình cờ. Đầu năm 2003 mình đến thăm chị khách hàng ở khu chợ Bình tây, đang nói chuyện thì một người vào hỏi một loại nguyên liệu, chị nói hết rồi. Mấy phút sau lại có người gọi điện thoại hỏi đúng thứ đó, chị mới than vãn với anh chồng “dạo này đứt hàng nhiều quá, nghe khách hỏi mà rầu hết cả ruột”. Mình ngồi đó chỉ thuận miệng hỏi “cái này Việt nam không ai làm hả chị?”

Chị khách hàng lắc đầu ngay: “Có người Hoa thử rồi nhưng khó quá không làm nổi. Chú mà làm được, chị bao tiêu ngay 100%!” Trở về nhà mình bắt đầu nghiên cứu, theo lý thuyết thì loại nguyên liệu đó không quá phức tạp, nhưng thiết bị đắt tiền và cần một số bí quyết sản xuất nên Việt nam vẫn phải nhập khẩu hoàn toàn. 

Sau khi nghe thông báo của tay đại diện, mình mới dốc sức tìm kiếm, huy động tất cả các người quen ở Mỹ, Nhật và châu Âu để tìm nguồn chuyển giao công nghệ. Cuối cùng may mắn đã tới từ nơi ít hy vọng nhất là cậu bạn Hà lan cùng học hồi đại học, bạn của bố cậu ta chính là một chuyên gia về lĩnh vực này, hay nhất là ông ta đã về hưu và không có ràng buộc với công ty nào nữa.

Vậy là phần khó nhất đã giải quyết xong, đến khâu xây dựng và thiết bị. Đến đây mình mắc phải một sai lầm lớn là gọi người góp vốn, nhưng người đó lại là bạn bè.

Đó là hai anh em bạn cùng học với mình hồi phổ thông. Ngoài việc gánh đỡ về tài chính, còn có lý do là người em rất giỏi tiếng Trung. Vì thiết bị châu Âu quá đắt nên sau khi tham khảo chuyên gia, mình quyết định mua chừng 1/3 dây chuyền từ Trung quốc, mình cần người giỏi tiếng Trung là như vậy.

Hết năm 2003 mình kết thúc luôn hợp đồng phân phối, tập trung vào nhà xưởng, và đến mùa hè 2004 thì mẻ sản phẩm đầu tiên ra đời. Vị chuyên gia ở nhà máy 1 tháng, dạy hết các bài rồi về nước. Ngay sau đó thì chuyện xấu bắt đầu xảy ra: mặc dù đã vận dụng hết các bí quyết được học, gọi điện tham khảo đủ các cách mà sản phẩm ra cứ lúc được lúc không. Không những hàng bị trả về, mình còn nhận đủ mọi lời mắng chửi của khách, và điều kinh khủng nhất là không hiểu tại sao lại như vậy.

Ban đầu mình nghi vị chuyên gia giấu bài, nhưng khi nói chuyện đó ra ông ấy gạt ngay: “không dạy chúng mày thì tao cũng mang theo bí quyết xuống mồ, giấu để làm gì chứ?” Mình chuyển sang kiểm tra các quy trình vận hành, cũng không phải, vì công nhân mình tuyển cẩn thận, trả lương tốt, làm việc rất nghiêm túc. Nhưng cũng từ kiểm tra vận hành mà mình phát hiện ra một việc khác: thiết bị Trung quốc có vấn đề. 

Mình thuê người kiểm định lại, đúng là hàng Trung quốc bị ăn cắp chất lượng. Sự ăn cắp này rất tinh vi, dường như cty Trung quốc biết trước máy móc sẽ hoạt động chính xác trong điều kiện nào để sản xuất những linh kiện chịu đựng quá điều kiện đó một chút. Có điều vì khí hậu nóng ẩm và điện áp không chuẩn ở Việt nam nên điều kiện công tác của máy không hoàn toàn giống như xác định của chuyên gia, lúc đó thiết bị Trung quốc mới lộ ra chuyện bị ăn cắp chất lượng.

Quá trình chuẩn bị, chỉ có ba người là mình và hai anh em đó biết về công thức sản xuất, người em lại phụ trách thương lượng mua thiết bị Trung quốc. Chắp nối lại các sự kiện, mình mới bàng hoàng khi nhận ra một điều: mình đã bị qua mặt, bị tham những một cách trắng trợn.

Lấy một ví dụ cho các bạn dễ hiểu: mình đặt một van chịu được 350 độ nhưng người em biết sản xuất chỉ cần 250 độ, thế là hắn ta nói với nhà máy Trung quốc chỉ lấy van chịu được 280 độ nhưng vẫn làm hồ sơ kỹ thuật và tính giá bằng van 350 độ. Số tiền chênh lệch giữa hai loại van, cty Trung quốc sẽ trả lại bằng tiền mặt cho người em coi như “phí môi giới”. Nếu như những điều kiện sản xuất ở Việt nam mà chuẩn như ở châu Âu thì có lẽ còn lâu mình mới phát hiện ra.

Không phải mình không biết nhìn người, nhưng đã để tình bạn từ thửa hàn vi làm mờ mắt. Mình đã tin tưởng hai anh em họ vô điều kiện, thậm chí khi hàng hỏng bị trả về mình đã nói “nếu thất bại, tớ sẽ bảo toàn vốn góp cho các cậu, đừng lo.” Thế mà họ đã đối xử với mình như vậy. 

Cuộc gặp với hai anh em sau đó là một trong những cuộc nói chuyện khó khăn và nặng nề nhất trong đời mình. Cuối cùng hai bên đồng ý rằng mình sẽ bỏ ra 70% số tiền góp vốn của hai anh em để lấy lại toàn bộ cổ phần, và coi như chấm dứt quan hệ. Mình còn lại nhà máy với một dây chuyền sản xuất không đú tiêu chuẩn, một kho hàng kém chất lượng và một tài khoản rỗng tuếch. 

Có lẽ trong tất cả tình huống hết hy vọng, con người ta cuối cùng cũng tìm về gia đình. Mình phải xin bố mẹ bán đi ngôi nhà đang ở, dọn vào một căn hộ chung cư cũ kỹ để lấy tiền tái thiết nhà máy. Trong lần này, vị chuyện gia già lại trở thành ân nhân khi tìm được cho mình một số thiết bị cũ nhưng còn tốt của Đức, và tình nguyện sang lần thứ hai, chỉ ở nhà nghỉ 200.000 đồng một ngày, lăn lộn với mình và công nhân suốt 2 tháng cho đến khi nhà máy hoạt động ổn định.

Suốt một thời gian dài, đầu mình luôn ở trạng thái căng như dây đàn. Sau khi nhà máy cho ra được mẻ sản phẩm đạt chuẩn thứ bảy không cần đến chuyên gia, nghĩa là đã coi như thành công, lúc đó mình mới gục xuống ngủ một mạch liền 40 tiếng. Mẹ mình sợ quá phải gọi bác sĩ, ông chú bán sĩ chỉ cười “cứ cho nó ngủ chán nó khắc dậy!” 

Mình còn phải mất rất nhiều công để thuyết phục các bạn hàng tin lại vào sản phẩm của mình, nhưng khi đã gây dựng được lòng tin thì doanh thu tăng rất nhanh. Sản phẩm của mình thuần túy là kỹ thuật, không có một chút quan hệ hay chính trị nên thu nhập của mình nghiêm túc và sạch hoàn toàn.

------------------------------
Trong topic cách đây hơn 3 năm “Cuối cùng mình cũng lấy được vợ”, tôi từng hứa sẽ viết nhiều hơn về kinh doanh cho các bạn có quan tâm. Lời hứa đó đến nay tôi vẫn chưa thực hiện được, một phần vì bận chuyện gia đình, nhưng chủ yếu là vì hai lý do sau đây:

Thứ nhất, đời sống kinh tế Việt nam trong mấy năm vừa qua đã trải qua một cuộc xáo trộn lớn. Chắc các bạn cũng thấy, tất cả mọi chuyện liên quan đến tiền, hàng hiện nay đều không giống với năm 2011, và càng khác với năm 2008. Vì tình hình đó, tôi muốn chờ những xu hướng mới của nền kinh tế tương đối ổn định mới bắt tay vào quan sát và viết, bởi tôi không muốn những thứ tôi viết ra có thể là lạc lõng và không hợp thời. 

Thứ hai, và là lý do chính, topic này của tôi có tên là “Chia sẻ về kinh doanh”, có nghĩa là tôi có thể nghĩ gì viết nấy, miễn là thật. Quả thực cách đây 2 năm tôi đã có ý định làm như vậy, nhưng sau khi viết được gần 1 trang tôi thấy làm như thế không ổn. Bởi kinh doanh là một công việc rất có tính hệ thống, nên nếu tôi viết quá ngẫu nhiên và tản mạn thì rất có thể sẽ gây hiểu lầm và mang lại kết quả tiêu cực nhiều hơn tích cực. Vì thế tôi đã dừng lại và dành thời gian cho việc suy nghĩ và sắp xếp ý tưởng, cố gắng cho những gì viết ra là thật sự rõ ràng và có ích cho những bạn có ý khởi nghiệp hoặc đang bắt đầu con đường tự kiếm tiền của mình. Hy vọng những chia sẻ chân thành và thiện ý của một người đi trước có thể giúp một số bạn nhìn rõ hơn vấn đề hoặc bớt được một vài đoạn vòng trong công việc. 

Topic này là những suy nghĩ và quan điểm riêng có được từ trải nghiệm và chính công việc kinh doanh của tôi, không tham khảo hay copy bất cứ một nguồn nào khác. Nếu thấy những gì tôi viết mâu thuẫn với sách vở hoặc suy nghĩ của các bạn thì cũng không nên ngạc nhiên, bởi thực tế là có nhiều kiểu kinh doanh và cách của tôi chỉ là một trong số đó (nhưng tôi chắc chắn là một cách không tồi).

----------------------------
Bài mở đầu của tôi có thể làm các bạn bất ngờ, bởi tôi biết rất nhiều bạn (kể cả những người đã kinh doanh lâu năm) chưa bao giờ suy nghĩ nghiêm túc về “các kiểu kiếm tiền”. Trong quan niệm của họ, chỉ cần mua được rẻ hơn và bán được đắt hơn thì chính là kinh doanh. Và nếu thực hiện được vài ba lần mua bán như vậy, bạn đã trở thành một nhà kinh doanh thật sự.

Thực tế thì tại các nước phát triển người ta không phân biệt quá nhiều về các kiểu kiếm tiền. Tại các nước đó, nền kinh tế có căn cơ sâu và vận hành tương đối có quy củ, và nếu bạn có thể kiếm ra tiền bất kể bằng cách nào thì công việc của bạn cũng sẽ nhanh chóng được điều tiết bởi môi trường kinh doanh và pháp luật, khiến cho nó dần dần mang tính hợp pháp và lâu dài. Việt nam thì lại khác, nền kinh tế đang ở trong giai đoạn tư bản sơ khai và bị chi phối nhiều bởi các yếu tố tế nhị nên sự kiếm tiền ở Việt nam rất ít được điều tiết một cách đúng đắn và lành mạnh, mà biểu hiện đỉnh cao là cơn sốt đất chút nữa dẫn đến tình trạng toàn dân phá sản những năm 2007-2011. Chính vì thế tôi thấy mình cần mở đầu bằng bài viết này để cung cấp cho các bạn một cái nhìn chi tiết (và tỉnh táo) hơn về các cách kiếm tiền, và cũng để giới hạn phạm vi quan điểm của tôi trong kinh doanh thật sự.

Như tôi đã viết và các bạn cũng thấy, người ta có nhiều cách để kiếm ra tiền, và vì vậy cũng có nhiều cách để phân loại sự kiếm tiền. Đối với tôi, cách có ích nhất là phân biệt giữa đầu cơ, đánh quả, và kinh doanh đúng nghĩa.

1. ĐẦU CƠ:

Hiểu một cách đơn giản, đầu cơ là sự mua bán nhằm vào lợi nhuận sinh ra DO THỜI GIAN. Ví dụ ai cũng biết rằng thóc gạo thay đổi theo vụ lúa; bạn bỏ tiền mua 10 tấn lúa vừa gặt xong, chờ vài tháng đến trước vụ gặt mới (lúc giá lúa lên cao nhất) và bán lại ăn chênh lệch, thế là bạn đã thực hiện một hành động đầu cơ. Hoặc thấy vàng hôm nay hạ giá, bạn mua vài ba cây đợi khi vàng lên mang ra tiệm bán lại. Đó chính là một cuộc đầu cơ mẫu mực.

Đầu cơ là nhằm vào sự chênh lệch giá do thời gian. Bạn không cần phải là một người kinh doanh chuyên nghiệp mà chỉ cần mua lẻ - chờ một thời gian - rồi bán lẻ, cũng có thể thu được lợi nhuận. Chính vì thế nên hầu như ai cũng có thể tham gia đầu cơ, và thực tế là người Việt nam đầu cơ rất nhiều, từ vàng đến USD và đặc biệt là đất.

Đầu cơ có ảnh hưởng gì đến nền kinh tế? Xét trên quan điểm kinh tế thì đặc điểm tiêu cực nhất của đầu cơ là khi người ta bỏ tiền ra mua một sản phẩm thì sản phẩm đó BỊ RÚT RA KHỎI LƯU THÔNG và không phục vụ một mục đích kinh tế cụ thể nào. Tình hình sẽ trở nên tồi tệ khi nhiều người tham gia đầu cơ, lúc đó sẽ có nhiều sản phẩm được mua nhưng lại không được quay vòng và rất dễ tạo ra một NHU CẦU ẢO, tức là người ta tưởng nhầm là các sản phẩm đó đã được tiêu thụ nhưng thực tế là không như vậy, chúng chỉ được rút ra khỏi lưu thông để chờ thời quay lại thị trường. Khi những người đầu cơ đồng loạt tìm cách bán ra để thu lợi nhuận hoặc thu tiền, thị trường sẽ xáo trộn hoặc thậm chí sụp đổ vì cung vượt quá cầu.

Tôi sẽ không đi sâu hơn vào khái niệm này mà chỉ muốn các bạn hiểu một cách rõ ràng thế nào là đầu cơ và những hệ quả tiêu cực nó có thể gây ra cho nền kinh tế nói chung và cho chính bạn. Tuy nhiên như tôi đã nói, đầu cơ dù tiêu cực nhiều hơn tích cực nhưng nếu vận dụng một cách tỉnh táo, nó vẫn là một cách kiếm tiền tốt, đặc biệt khi được kết hợp một cách hợp lý với kinh doanh thường xuyên. 

2. ĐÁNH QUẢ

Tôi đã phân vân khá nhiều vì cái tên “Đánh quả” có vẻ quá thông tục, nhưng rốt cuộc tôi phải dùng nó vì đó có vẻ là hình dung tốt nhất cho cách kiếm tiền này.

Theo quan điểm của tôi, “Đánh quả” là một hành động mua bán đơn nhất, khi bạn – bằng cách nào đó – có thể mua được một món hàng dưới giá trị và sau đó bán lại bằng giá trị của nó. Những “cách nào đó” như tôi viết ở trên có thể là: a) Bạn có một quan hệ đặc biệt, b) Bạn có một nguồn thông tin đặc biệt, và c) Bạn có một sự nhạy bén đặc biệt để nhận ra sự chênh lệch giá nhất thời của một sản phẩm nào đó ở hai không gian khác nhau và thực hiện việc mua bán để kiếm lợi nhuận (cũng là nhất thời). 

Tôi sẽ minh hoạ bằng các ví dụ cho các bạn dễ hình dung: 

a)Quan hệ đặc biệt: Có một mảnh đất kẹt, bình thường giá 50 triệu/m2 nhưng người chủ chỉ bán 20 triệu/m2 do không làm được giấy tờ. Nếu bạn có đủ quan hệ và biết cách vận dụng, bạn có thể mua mảnh đất đó, làm giấy tờ cho nó và bán đi thu lợi nhuận. 

b)Nguồn thông tin đặc biệt: những ví dụ về cách này rất nhiều và dễ hình dung, tôi sẽ không nêu ra thêm.

c)Đây là trường hợp thú vị nhất, bởi có một số người có giác quan đặc biệt thính nhạy về việc chênh lệch giá. Tôi có một anh bạn chuyên lướt sóng đất đai, và trường hợp tiêu biểu nhất là có một mảnh đất anh ấy mua đi bán lại đúng 4 lần, lần nào cũng thu lãi kha khá. 
Trong đời sống kinh tế luôn có một không gian nhất định cho sự đánh quả và đầu cơ (kể cả ở các nước phát triển). Tuy nhiên các bạn nên thấy rằng đặc điểm lớn nhất của đánh quả là TÍNH ĐƠN NHẤT của nó. Một quan hệ đặc biệt hoặc một tình hình đặc biệt nói chung là khó tồn tại lâu dài hoặc lặp đi lặp lại, đó là lý do tôi dùng chữ “đánh quả” để chỉ cách kiếm tiền này. 

Đầu cơ và đánh quả là hai cách kiếm tiền đặc biệt và đang khá phổ biến ở Việt nam. Điều hơi đáng buồn là chúng phổ biến đến mức có xu hướng lấn át sự kinh doanh chân chính. Hình dung từ mà xã hội đang dùng “làm ăn chộp giật” thực ra không có gì khác là mang tâm lý đánh quả đi thực hiện các thương vụ có tính chất lâu dài. Tôi sẽ không đi sâu phân tích hiện tượng này bởi nó sẽ tế nhị và có nhiều động chạm, cái tôi tập trung vào là kinh doanh trong phần sau. 

Mặc dù vậy, tôi nêu ra bản chất và các hạn chế của đầu cớ và đánh quả không phải có ý khuyên các bạn tránh xa mà ngược lại, quan điểm của tôi là nếu có cơ hội, hãy không ngần ngại kiếm tiền bằng đầu cơ và đánh quả. Có điều bạn hãy tỉnh táo để nhận ra đâu là giới hạn và dừng lại đúng lúc, vì cả đầu cơ và đánh quả đều không thể thực hiện được lâu dài. 

Muốn kiếm tiền một cách bền vững, có bài bản và xây dựng được sự nghiệp, bạn phải đầu tư vào cách kiếm tiền thứ ba: kinh doanh. Trong phần sau tôi sẽ bàn kỹ hơn về cách kiếm tiền này vì đó cũng chính là ý đồ của tôi khi mở topic.

3. KINH DOANH

Theo định nghĩa của tôi, kinh doanh là hành động tham gia trực tiếp vào đời sống kinh tế bằng cách tạo ra một sản phẩm (có thể hữu hình hoặc vô hình) nhằm thoả mãn một nhu cầu có thật và bền vững của xã hội. Tuỳ vào tính chất sản phẩm và cách thức bạn tham gia vào guồng máy kinh tế đang vận hành, bạn sẽ nhận được phần tương ứng của mình. Đó chính là phần lợi nhuận tổng mà kinh doannh mang lại (tất nhiên sau đó bạn phải trừ đi các chi phí, phần còn lại mới là lợi nhuận đích thực của bạn).

Như vậy, để được gọi là kinh doanh thì công việc của bạn phải thoả mãn hai điều kiện:

Một là bạn phải TẠO RA MỘT SẢn PHẨM. Sản phẩm này có thể là hữu hình như chiếc pizza, cũng có thể là vô hình như một dịch vụ (giặt là chẳng hạn). Nên chú ý là khi mở một cửa hàng tạp hoá thì sản phẩm của bạn không phải là bánh xà phòng hay gói bimbim mà chính là cái dịch vụ bán lẻ mà bạn đang thực hiện. Bằng việc tham gia vào chuỗi phân phối xã hội, bạn đã có chỗ đứng trong guồng máy kinh tế và được quyền nhận lại phần của mình, chính là lợi nhuận khi mua các sản phẩm từ nhà phân phối bằng giá bán buôn và bán lại bằng giá bán lẻ. 

Có nhiều kiểu kinh doanh mà sản phẩm của bạn là sự kết hợp của cả hữu hình và vô hình. Dịch vụ ăn uống là một ví dụ, khi bạn mở một quán phở, sản phẩm của bạn là sự kết hợp cả hữu hình (bát phở do bạn trực tiếp làm ra) và vô hình (không gian quán, cách thức và thái độ phục vụ). Nếu muốn kinh doanh có bài bản, một điều không thể thiếu là bạn phải định nghĩa được sản phẩm của mình, xác định chiến lược sản phẩm (cả hữu hình và vô hình) một cách hợp lý nhất và duy trì chiến lược một cách vừa bền vững vừa linh hoạt. Đó sẽ là chủ đề của một bài viết riêng.

Đặc điểm không thể thiếu thứ hai của kinh doanh là bạn phải HƯỚNG TỚI CÁC NHU CẦU CÓ THẬT VÀ BỀN VỮNG. Đây là đặc điểm rất quan trọng vì nó quyết định sự lâu bền và vững chắc của việc kinh doanh của bạn. Dựa trên tính chất “có thật và bền vững” của nhu cầu mà bạn mới có thể lập ra tổ chức (doanh nghiệp) xây dựng các chiến lược, sách lược và kế hoạch phát triển. Đây cũng chính là phần trọng tâm tôi sẽ tập trung chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm và nhận định với các bạn, bao gồm:

1.Ý tưởng kinh doanh 
2.Xác định sản phẩm và hình thức kinh doanh 
3.Vốn và đầu vào
4.Tạo ra sản phẩm
5.Bán hàng
6.Thu tiền
7.Chiến lược nhân sự
8.Chiến lược gọi vốn – gọi người cộng tác
9.Bảo vệ và bảo hiểm kinh doanh
10.Quản lý tài chính
11.Tâm thế kinh doanh

Những phân mục này tôi sẽ chia sẻ dần với các bạn trong những bài viết sau. Tuy nhiên các bạn cũng phải thể tất rằng tôi không thể viết đều đặn theo thời khoá biểu được vì thời gian có hạn, hơn nữa các nội dung trên đều là các chủ đề rất khó mà tôi lại không có thói quen viết qua loa. 

Một điều cũng phải nói rõ là giữa đầu cơ, đánh quả và kinh doanh có gì mâu thuẫn không? Theo tôi là vừa có vừa không. Ba kiểu kiếm tiền trên có khác nhau về bản chất nhưng luôn luôn đan xen và xuất hiện cùng nhau. Đặc biệt với người kinh doanh, ngay trong công việc thường ngày của mình cũng vẫn hay có cơ hội đầu cơ hoặc đánh quả. Việc nhìn ra và kết hợp các cơ hội sẽ làm cho sự kiếm tiền của bạn có kết quả hơn.

-----------------
 II. NHỮNG PHẨM CHẤT CỦA NGƯỜI KINH DOANH HAY ĐÂU LÀ ĐIỂM KHÁC NHAU GIỮA MỘT NHÀ KINH DOANH THÀNH CÔNG VÀ MỘT NHÀ NGHIÊN CỨU KINH TẾ GIỎI

Em gái tôi có một cậu bạn học rất giỏi, làm tiến sĩ kinh tế ở Úc, sau đó về Việt nam giảng dạy và nhanh chóng gây dựng được danh tiếng. Ngoài dạy ở trường, cậu ta hay được mời đào tạo cho các công ty lớn và trường dạy doanh nhân, riêng thu nhập từ việc đi dạy và viết bài đã đủ để mua nhà mua xe và có một khoảnh tích luỹ kha khá.

Năm 33 tuổi cậu ta lấy vợ (cũng muộn gần như tôi!). Gia đình nhà vợ tương đối khá giả, rất hãnh diện vì anh con rể tài giỏi và cổ vũ cậu bạn tôi ra ngoài tự kinh doanh, cái lý của ông bố vợ cậu ta lúc ấy là “nó dạy được giám đốc thì thừa sức làm giám đốc”. Cậu bạn em tôi xin nghỉ không lương ở trường, ra ngoài lập công ty và sau gần 3 năm thì đốt sạch số tiền tiết kiệm của mình thêm một khoản không nhỏ của nhà vợ, cuối cùng cậu ta quay lại trường và bây giờ thì đã yên tâm giảng dạy. Thật may là hai vợ chồng vẫn rất hạnh phúc.

Trường hợp cậu bạn em tôi ở trên là một trong số rất nhiều minh chứng cho sự thật là, kiến thức kinh tế dù sâu dày đến mấy cũng hoàn toàn không phải là đảm bảo cho kinh doanh thành công. Ở chiều ngược lại chúng ta cũng có thể thấy không ít người, mặc dù không được đào tạo bài bản về kinh tế nhưng lại là những nhà kinh doanh đại tài. Đặc biệt ở vùng Đại Trung Hoa (Trung Quốc, Hồng Kông, Đài loan) và cả Hàn Quốc, phần lớn các nhà kinh doanh thế hệ trước đều không có điều kiện học hành tử tế, trong đó không ít người thậm chí không học hết phổ thông. Những hạn chế đó không ngăn cản họ trở thành các doanh nhân vĩ đại sau này với các công ty nổi tiếng như Huttchinson (Li Ka Shing), Foxconn (Terry Gou), kể cả Hyundai và Samsung cũng vậy.

Nếu lấy cả các nhà kinh doanh trí thức (như phần lớn các công ty phương Tây ngày nay) ra xem xét thì cũng luôn luôn có một câu hỏi: cho dù các doanh nhân đó là cử nhân, thạc sĩ hay thậm chí tiến sĩ thì cũng có vô số cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ khác cũng giỏi như họ và cũng ôm mộng giàu sang không kém họ, tại sao chỉ có một số ít người thành công? Rõ ràng, ngoài kiến thức ra còn có một điều gì đó rất quan trọng với sự thành công của các doanh nhân mà nếu thiếu nó, kiến thức nhiều đến mấy cũng không đủ.

Tôi chắc rằng đã có không ít các cuốn sách, bài báo nói về vấn đề này. Người ra đã liệt kê rất nhiều yếu tố như sự chăm chỉ, dám làm hay vận may vv… Tuy nhiên theo quan sát của tôi, yếu tố quan trọng nhất làm nên một nhà kinh doanh thành công lại nằm ở một đặc tính khác (mà tôi rất ngạc nhiên không hiểu sao không thấy ai nói tới), đó chính là KHẢ NĂNG NHÌN THẤY TIỀN TỪ TRƯỚC KHI NÓ ĐƯỢC LÀM RA, khác với đại đa số người trong xã hội, kể cả các nhà nghiên cứu kinh tế là họ chỉ nhìn thấy tiền SAU KHI NÓ ĐÃ ĐƯỢC LÀM RA RỒI. 

Để cho rõ hơn, hãy lấy ví dụ một bài thơ: Nhà thơ trong một phút xuất thần viết ra một bài thơ hay, nhà phê bình văn học sau đó có thể phân tích bài thơ ở đủ mọi khía cạnh, đến mức bảo nhà thơ tự phân tích cũng không thể được như vậy, nhưng nếu bảo nhà phê bình văn học đi sáng tác thơ thì chắc chắn ông ta không sáng tác được.

Quay lại chủ đề chính, tôi muốn nói rằng nhà kinh doanh cũng đóng vai trò sáng tạo: anh ta phải có khả năng nhìn ra tiền ở nơi mà người khác chưa nhìn ra rồi biến khả năng đó thành hiện thực. Khả năng đó, theo tôi, là khả năng quan trọng nhất quyết định một người có thể trở thành nhà kinh doanh hay không, còn quan trọng hơn cả sự chăm chỉ hay may mắn. Bởi nếu không có khả năng “nhìn ra tiền” thì chăm chỉ đến mấy cũng chỉ là sự chăm chỉ mù quáng, và cũng không thể nhìn ra cơ hội khi có hội đến trong tay.

Mặc dù hơi thô nhưng tôi thấy có một cách hình dung tốt nhất để diễn đạt đặc tính quan trọng này, đó là nhà kinh doanh phải có cái mũi thính đủ để NGỬI RA TIỀN một khi có tiền ở đâu đó trong tầm tay. Năng khiếu này là bẩm sinh, hầu như không thể học hỏi, đào tạo hay tập luyện được. Tính chất “bẩm sinh” của năng khiếu “ngửi ra tiền” giải thích tại sao có những người chỉ tốt nghiệp cấp 2 mà kinh doanh rất giỏi, kể cả trong những lĩnh vực hoàn toàn vượt quá sự đào tạo của họ (tất nhiên họ phải dùng các nhân viên phù hợp). Trong khi không ít thạc sĩ hay tiến sĩ, mặc dù vận dụng đủ mọi mô hình, điều tra và phương pháp, cuối cùng cũng chỉ là ném tiền qua cửa sổ. 

Đây là thông điệp, mặc dù có hơi buồn, mà tôi muốn gửi cho các bạn: Vì khả năng ngửi ra tiền là một năng khiếu bẩm sinh nên không phải ai cũng có thể trở thành nhà kinh doanh, hoặc cũng có thể nói phần lớn chúng ta đều không kinh doanh được vì bẩm sinh không có năng khiếu này. Tất nhiên, việc không có khả năng “ngửi ra tiền” không hề là rào cản để các bạn không tham gia vào đời sống kinh tế, mà bạn nên nhận định chính xác về năng khiếu của mình để có lựa chọn thích hợp vì trong các tổ chức kinh tế, không hiếm các vị trí (kể cả các vị trí cao) không cần bạn phải có năng khiếu nhìn ra tiền.

Lại một vấn đề đặt ra ở đây là: làm sao để một người biết mình có năng khiếu kinh doanh hay không? Không hề có một thiết bị hay một phương pháp trắc nghiệm nào có thể chỉ ra được điều đó. Trong đa số trường hợp, một người chỉ nhận ra mình không có năng khiếu kinh doanh sau khi đã đốt rất nhiều tiền của bản thân và gia đình, và tiêu tốn không ít năm tuổi trẻ. Trong các bài viết sau, tôi hy vọng chỉ ra được một nguyên tắc đại loại để bạn có thể tự nhận xét bản thân trước khi quyết định đầu tư vào một công việc nào đó. Việc biết mình không có năng khiếu và không sa đà vào kinh doanh cũng quan trọng không kém việc biết nên kinh doanh như thế nào (với những người có năng khiếu kinh doanh).

Nếu bạn ra bất cứ một hiệu sách nào, bạn cũng có thể thấy vô số sách dạy kinh doanh và dạy làm giàu. Tôi đã xem qua một số trong đó và ấn tượng thực sự không được tốt lắm. Có mấy kiểu như sau: khá nhiều sách nói về làm giàu như một việc tương đối dễ dàng, ai cũng làm được. Một số sách khác thì thuật lại con đường làm giàu của các nhà kinh doanh nổi tiếng thậm chí rất chi tiết, nhưng rốt cuộc lại không hề rút ra những chỉ dẫn hoặc nguyên tắc nào cho độc giả. Một số sách dịch khác cũng có nói đến các nguyên tắc nhưng nói chung lại không phù hợp với Việt nam, cuối cùng cũng chỉ là “đọc để biết vậy” (chẳng hạn như cuốn Tôn Tử binh pháp trong kinh doanh, nghe thì hay nhưng thực sự không vận dụng được).

Trở lại với chủ đề bài viết, đâu là những phẩm chất làm nên một nhà kinh doanh thành công? Như đã nói ở trên, tôi cho rằng năng khiếu “nhìn ra tiền” hay “ngửi ra tiền” là yếu tố quan trọng nhất quyết định một người CÓ THỂ trở thành nhà kinh doanh hay không. Tất nhiên đó mới là điều kiện cần, bởi nếu muốn biến cơ hội thành hiện thực, nhà kinh doanh cần có thêm một số những phẩm chất khác.

Trang điện tử vnexpress cách đây mấy hôm có đăng một bài dịch “Người giàu thành công nhờ đâu” trong đó có nêu những yếu tố mà những người kinh doanh giàu có ở Mỹ cho là quyết định để họ thành công, theo thứ tự là: 1. Chăm chỉ (quyết định nhất); 2. Giáo dục; 3. Chấp nhận rủi ro; 4. Tiết kiệm; 5. May mắn. Chiếu theo liệt kê này thì hình như chúng ta ai cũng có thể kinh doanh thành công được vì yếu tố bất định nhất là may mắn lại xếp ở tận thứ năm, nghĩa là không có vai trò quá lớn.

Rất tiếc là dù ở Mỹ hay Việt nam thì đều không phải như vậy. Mặc dù hầu hết chúng ta đều chăm chỉ, có giáo dục. sẵn sàng chấp nhận rủi ro và hết sức tiết kiệm thì số người kinh doanh thành công vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong xã hội. Vì vậy tôi có thể nói chắc với các bạn rằng liệt kê ở trên không sai hoàn toàn nhưng cũng hoàn toàn không đúng. Theo tôi thì vì lý do ngoại giao nên những người giàu ở Mỹ mới đưa ra một liệt kê như vậy, chứ theo tôi thì ngài Warren Buffet chẳng hạn chỉ cần nói một cách đơn giản “Tôi giàu, vì tôi giỏi hơn các vị!” Ở đây tôi sẽ đưa ra một liệt kê khác, dựa trên kinh nghiệm của chính tôi. Các bạn có thể tin rằng liệt kê của tôi là đúng vì tôi không cần ngoại giao, cũng không có ý định động viên ai, bởi quan điểm của tôi rất rõ ràng: Chỉ một số trong chúng ta có năng khiếu kinh doanh.

----------------
PHẨM CHẤT THỨ HAI: SUY NGHĨ VÀ LÀM VIỆC CÓ HỆ THỐNG

Phần trước tôi đã liệt kê năng khiếu “ngửi ra tiền” như phẩm chất cơ bản nhất của nhà kinh doanh. Một điều tôi muốn nói thêm ở đây là năng khiếu ngửi ra tiền ở một người, nếu có, thì cũng không phải là vĩnh viễn và lúc nào cũng nhạy bén như nhau. Đúng là có một số nhà kinh doanh có năng lực liên tiếp đưa ra các quyết định đúng, nhưng không ít người khác (kể cả các nhà kinh doanh lớn), sau phút loé sáng ban đầu thì lại hầu như mất năng lực và mắc không ít sai lầm. Về thực tế này, có lẽ không ví dụ nào tiêu biểu hơn Nokia. Đầu những năm 1980 ban lãnh đạo công ty đã có một quyết định thiên tài khi chuyển từ sản xuất giấy sang điện thoại di động, nhưng 20 năm sau họ lại không đủ khả năng ngửi ra tiền với smartphone mặc dù chính là hãng đầu tiên sản xuất ra nó, và tập trung vào điện thoại cơ bản. Và số phận của Nokia bây giờ ra sao thì chắc tất cả chúng ta điều biết.

Năng khiếu “ngửi ra tiền” với tôi là chiếm vị trí thứ nhất, vị trí thứ hai theo quan điểm của tôi là khả năng SUY NGHĨ VÀ LÀM VIỆC MỘT CÁCH CÓ HỆ THỐNG.

Ông cha chúng ta đã nhận ra điều này từ rất sớm và tổng kết nó trong một câu tục ngữ hết sức chính xác: “Một người lo bằng một kho người làm”. Với vị trí là người kinh doanh độc lập, bạn bắt buộc phải đóng tròn vai người lập kế hoạch, lo việc và điều hành công việc. Tất cả những chuyện đó bạn chỉ có thể làm được khi bạn có khả năng suy nghĩ là làm việc một cách có hệ thống. 

Dù bạn kinh doanh một mình hay có tổ chức thì bạn sẽ thấy rằng công việc kinh doanh của bạn luôn luôn có tính hệ thống ở cả hai phương diện: a) Việc kinh doanh của bạn tự nó là một hệ thống và b) Việc kinh doanh của bạn là một phần của một hệ thống lớn hơn hoặc phục vụ cho một hoặc một số hệ thống khác.

Có thể nói với những người khởi nghiệp, việc bạn thành công lâu hay chóng, và mức độ thành công thế nào là hoàn toàn phụ thuộc vào việc hệ thống của bạn tốt/kém ra sao và bạn có thể hoà nhập hệ thống của bạn vào các hệ thống hoặc cơ cấu vốn có nhanh hay chậm, nông hay sâu.
Đa số chúng ta đều có khả năng suy nghĩ hệ thống ở một mức độ nào đó, và nếu biết kết hợp với một ý tưởng tốt thì hầu như đều có thể thành công ở mức độ khởi nghiệp. Nhưng để phát triển thì lại là một vấn đề khác. Quy mô kinh doanh càng lớn thì đòi hỏi về tính hệ thống càng lớn khiến cho không ít nhà sáng lập trở nên hụt hơi vì khả năng suy nghĩ hệ thống của họ không đủ. Tôi không muốn đi sâu hơn về ý này vì nó có vẻ hơi sớm đối với khởi nghiệp mà chỉ muốn các bạn biết rằng: điều sống còn của thành công trong kinh doanh là bạn phải có tư duy hệ thống và biết cách làm việc một cách có hệ thống. Trường hợp ngược lại, dù ý tưởng của bạn tốt mấy bạn cũng sẽ thất bại.

Khác với năng khiếu “ngửi ra tiền” tôi nói đến ở trên, khả năng suy nghĩ và làm việc có hệ thống có một phần là bẩm sinh, một phần là kiến thức và kỹ năng mà bạn có thể học hay luyện tập được. Thậm chí khi bạn có nhiều tiền, bạn có thể thuê người khác suy nghĩ và làm việc cho bạn. Tuy nhiên ở giai đoạn đầu khởi nghiệp, bạn nên tự mình thực hiện tất cả các công việc để chính mình có thể hiểu và thâm nhập sâu vào hệ thống kinh doanh của bạn. Khi bạn đã hiểu và làm chủ được hệ thống, bạn chỉ cần thuê người nắm giữ các đầu mối của hệ thống là có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức, trong khi lợi nhuận thu về vẫn không giảm.

Như đã nói ở trên, khả năng suy nghĩ và làm việc có hệ thống là có thể học và luyện tập, và cách luyện tập có hiệu quả nhất theo tôi là HỌC ĐẠI HỌC TỬ TẾ. Ở khía cạnh này, quan điểm của tôi trùng với liệt kê của các người giàu ở Mỹ, đó là GIÁO DỤC. Một trường đại học tử tế sẽ cung cấp cho bạn phương pháp tư duy và giải quyết vấn đề một cách có hệ thống. Dù ít hay nhiều, điều đó cũng sẽ giúp bạn trong con đường sau này.

Rất nhiều bạn trẻ ngày nay phàn nàn kêu ca rằng học đại học xong đi làm, không dùng gì đến kiến thức nhà trường, thậm chí còn phải làm trái ngành. Lời khuyên của tôi cho các bạn là đừng đặt nặng quá vấn đề kiến thức mà hãy chú ý nhiều hơn đến phương pháp và tầm nhìn. Phương pháp tư duy đại học chính là phương pháp tư duy có hệ thống, nếu bạn có thể học và quen được với cách tư duy ấy thì mấy năm đại học của bạn đã hoàn toàn không uổng.


PHẨM CHẤT THỨ BA: DÁM LÀM, DÁM CHỊU VÀ DÁM THẤT BẠI

Khá nhiều sách báo cả ở Việt Nam và Phương Tây dùng từ “dám mạo hiểm” để diễn tả ý này. Tôi không đồng ý với cách diễn đạt đó vì từ “mạo hiểm” gợi lên ý nghĩa của sự đánh bạc và có tính chất nhất thời. Kinh doanh, không phải là đánh bạc, mà là một công việc nghiêm túc được vận trù và điều hành cẩn thận. Dù thắng hay thua thi thắng thua của kinh doanh cũng không hề là thắng thua của đánh bạc mà luôn luôn có những lý do hẳn hoi về ý tưởng, hệ thống hay thời thế. Nếu bạn nghĩ rằng kết quả kinh doanh phụ thuộc vào may hay không may thì tốt nhất bạn nên đi đầu cơ hay đánh quả.

Nếu nhớ lại quan điểm của tôi, kinh doanh là phục vụ các nhu cầu có thật và bền vững thì bạn sẽ thấy, kinh doanh không phải là mạo hiểm mà vấn đề là, bạn có dám làm hay không. Và theo kinh nghiệm của tôi thì sự “dám làm” của bạn không phải thể hiện ra ở lúc bắt đầu, khi bạn đang có đủ sức, đủ tiền và tràn ngập hy vọng, mà ở vài tháng sau đó, lúc chắc chắn bạn đang khó khăn thiếu thốn trăm bề. Rất nhiều người khởi nghiệp đã không vượt qua giai đoạn này (giai đoạn khó khăn sau khi bắt đầu) và không dám đi tiếp, họ than thở hối hận suốt ngày, cuối cùng kết thúc kinh doanh hoặc tìm cách bán lại cửa hàng cành nhanh càng tốt. Đó mới chính là lúc bản lĩnh dám làm và dám thất bại của nhà kinh doanh thể hiện rõ rệt và trung thực nhất.

Cho dù bạn có thất bại thật sự và phải kết thúc hay bán lại doanh nghiệp, bạn cũng không nên coi đó như một sự không may phải quên đi gấp mà hãy đủ bãn lĩnh suy nghĩ, phân tích và rút ra bài học cho lần khởi nghiệp sau. Quan điểm “dám làm, dám chịu và dám thất bại” của tôi là như vậy

----------------------
Tôi đã nêu ra ba phẩm chất của nhà kinh doanh mà tôi thấy rằng nên phân tích nhất: năng khiếu ngửi ra tiền, khả năng tư duy hệ tống và sự dám làm. Còn có một số phẩm chất khác đã được bàn nhiều tôi chỉ liệt kê sau đây, các bạn chắc sẽ tìm thấy phân tích ở rất nhiều nơi khác:

- Chăm chỉ, không ngại làm việc với các chi tiết
- Khả năng nhìn người và làm việc với người
- Khả năng làm việc với tiền và quản lý tài chính
- Khả năng cân bằng giữa kinh doanh và cuộc sống riêng

Bây giờ, tôi sẽ chuyển sang nói về kinh doanh cụ thể:

4. BƯỚC ĐẦU TIÊN CỦA KINH DOANH: Ý TƯỞNG

Không ít bạn cho rằng khởi đầu của một kinh doanh là vốn, càng nhiều vốn càng tốt. Hãy tin tôi rằng thực tế không phải là như vậy. Mặc dù vốn, hoặc khả năng chạy được vốn, là một phần không thể thiếu của kinh doanh nhưng sự thật là khi bạn muốn bắt đầu kinh doanh, điều quan trọng nhất chính là bạn phải hình thành được một Ý TƯỞNG.

Hình thành ý tưởng kinh doanh thực chất là bạn hình dung chính xác mình sẽ làm cái gì, tức là xác định một cách đại thể sản phẩm của bạn. Nội dung “làm gì” là nội dung quan trọng nhất (mặc dù không phải là duy nhất) của ý tưởng kinh doanh. Xét theo cách nhìn hệ thống, nếu coi kinh doanh là một ván cờ thì sự xác định “làm gì” chính là nước đi đầu tiên, quy định sự phát triển và tính chất của ván cục sau này.

Tất cả các bạn chắc đã không ít lần đọc được trên các diễn đàn khác nhau, trên vnexpress hay vietnamnet các câu hỏi đại loại như “Có 200 triệu, nên kinh doanh gì” hay “Có 100 triệu, nuôi bò sữa được không?” (trong khi một con bò sữa giá phải 40-50 triệu). Riêng tôi thì không biết đã bị những câu hỏi như vậy dội bom bao nhiêu lần. Thậm chí có hôm một ông bác họ còn đột ngột dẫn ông con út đến nhà (gọi là “ông” vì 22 tuổi mà khệnh khạng như kễnh, chém lên 5 tỉ chém xuống 10 tỉ như mua rau), ông bác bảo tôi thế này “Anh nó học xong muốn kinh doanh, bác gom góp được 550 triệu, bác giao cho anh phải giúp anh nó làm ra tiền” (!)

Tất cả những trường hợp trên đều có thể tóm tắt vào một câu: dành dụm được một ít tiền, rất muốn kinh doanh nhưng không có ý tưởng và hỏi bất cứ ai rằng mình nên làm gì, và hy vọng người nào đó cho mình một chỉ bảo dẫn đến thành công.

Có thể có khả năng đó không? Câu trả lời của tôi rất ngắn gọn, rõ ràng (và phũ phàng) là: KHÔNG THỂ! Bạn có thể đi làm dành được tiền, có thể vay mượn hay thừa kế của cha mẹ được một số hoặc thậm chí rất nhiều tiền, nhưng nếu bạn muốn khởi nghiệp mà không có một ý tưởng do bạn tự nảy ra thì phần chắc là bạn không thể thành công!

Tại sao tôi lại khẳng định như vậy? Ở bài viết trước tôi đã nêu quan điểm rằng yếu tố quan trọng nhất để một người có thể trở thành một nhà kinh doanh là anh/cô ta phải có khả năng “ngửi ra tiền”. Khả năng “ngửi ra tiền” này, biểu hiện ra ngoài của nó chính là khả năng hình thành những ý tưởng kinh doanh tốt, và nếu bạn không thể nảy ra ý tưởng thì cũng đồng nghĩa với việc bạn không có khả năng “ngửi ra tiền”: năng khiều kinh doanh của bạn hoặc không có, hoặc chưa thức tỉnh! 

Vậy là có lẽ trái với mong đợi của nhiều bạn đang đọc bài này, tôi sẽ không đưa ra một ý tưởng nào cho các bạn mà chỉ khẳng định rằng, nếu muốn khởi nghiệp, bạn phải tự nảy ra ý tưởng của riêng mình. Đó là nhiệm vụ nhất thiết bạn phải thực hiện trước khi đi giải quyết các nhiệm vụ khác. Nếu không thể nảy ra được một ý tưởng mà tự bạn thấy là tốt thì hãy yên tâm đi làm việc khác và đợi thời. Đừng copy ý tưởng của người khác, cũng đừng hy vọng ai đó sẽ nghĩ ra ý tưởng hộ mình. 

Mặc dù không đưa ra một ý tưởng cụ thể, tôi sẽ cố gắng giúp các bạn bằng cách nêu lên một số phương pháp hoặc phương hướng mà các bạn có thể tham khảo. Bằng cách này, tôi đã giúp được một vài người bạn khởi nghiệp thành công. 

5. MAY MẮN HAY CƠ HỘI

Rất nhiều bài viết về kinh doanh nêu lên “may mắn” như là một yếu tố quyết định của thành công trong kinh doanh. Hãy tham khảo bài viết mới đây trên vnexpress “Người giàu thành công nhờ đâu” thì thấy rằng ở phương Tây, những người thành công trong kinh doanh tự cho rằng các yếu tố thành công xếp theo thứ tự là 1. Chăm chỉ, 2. Giáo dục, 3. Chấp nhận rủi ro, 4. Tiết kiệm và 5. May mắn. Bài báo này làm cho tôi có nhiều băn khoăn, và tôi cho rằng có thể vì lịch sự mà họ đã trả lời như vậy bởi qua thực tế nhiều năm kinh doanh tôi có thể khẳng định rằng, danh sách trên nên có các yếu tố khác và với thứ tự khác.

Hãy xem xét yếu tố may mắn, người phương Tây xếp nó ở vị trí thứ năm, còn ở Việt nam thì tôi chắc phần lớn các bạn sẽ coi nó là thứ nhất. Rất nhiều các bạn chưa thành công than thở rằng mình không có gia đình giàu có, không ở Hà nội hay Sài gòn, không lớn lên đúng thời sốt đất hay chứng khoán “nếu không thì bây giờ ta đã chẳng kém ai”, và đổ cho đó là sự thiếu may mắn. Nhưng có thật là như vậy không?

“May mắn” là từ để chỉ những cơ hội hữu hạn, dễ ăn, và tự nó có thể rơi vào người này và không rơi vào người kia. Tôi thì khẳng định 100% rằng sự thành công trong kinh doanh khởi nghiệp có rất ít yếu tố may mắn. Cơ hội luôn có nhiều và đối xử với chúng ta như nhau. Việc có thể nhìn ra và tận dụng cơ hội không phải là may mắn mà là năng khiếu và phẩm chất của bạn. Nếu bạn không nhìn ra cơ hội thì không có nghĩa là bạn không may mà đơn giản là bạn không có năng khiếu kinh doanh hoặc năng khiếu của bạn chưa đủ chín, vậy thôi. 

Hãy để thời giờ tham khảo các ý tưởng lập nghiệp của các nhà kinh doanh thành công, các bạn sẽ thấy phần lớn các ý tưởng đó đều không có gì cao xa. Đặc biệt trong xã hội mới bắt đầu tư bản hoá như Việt nam lại có nhiều người thành công bằng các ý tưởng đơn giản, khiến cái cảm giác về sự may mắn càng lớn và dễ khiến người ta tưởng nhầm. Thực ra ở đây không có gì là may mắn cả. Bạn không nhìn ra cơ hội trong khi người ta nhìn ra, hoặc bạn cũng thấy cơ hội nhưng lại không đủ khả năng biến cơ hội thành thành công, đó là vì người ta đã làm giỏi hơn bạn chứ không phải may mắn hơn bạn.

Nếu bạn thực sự là người có năng khiếu và ý chí kinh doanh, chắc chắn bạn sẽ thành công ở mức độ nào đó. May mắn nếu có, chỉ là yếu tố giúp bạn thành công nhanh hơn và lớn hơn chứ không thế quyết định thành công hay thất bại của bạn. Đó là điều tôi muốn nói trong phần này. 
Theo quan điểm của tôi thì việc hình thành ý tưởng kinh doanh phải là trách nhiệm của chính người khởi nghiệp, tôi biết rằng quan điểm đó sẽ làm nhiều bạn không hài lòng bởi các bạn sẽ nghĩ “Nói thế chẳng khác gì không nói”. Nhưng các bạn hãy tin tôi, kinh doanh không khác gì một đứa trẻ mà các bạn phải chăm chút, dạy dỗ và nuôi lớn, để đến khi trưởng thành đứa trẻ ấy báo đáp lại các bạn bằng lợi nhuận. Theo quan điểm đó thì ý tưởng kinh doanh chính là cái bào thai, và nếu như các bạn vay mượn hoặc copy ý tưởng, đó chẳng khác gì lấy con của người khác về nuôi. Bạn sẽ hầu như không thể có được tâm huyết, sự gắn bó và hy sinh như khi bạn nuôi con của chính mình, mà một khi như thế thì dù đứa con đó có tốt đến mấy thì cũng hầu như không thể lớn lên khoẻ mạnh giỏi giang để có thể báo đáp cho bạn. 

Có điều, việc hình thành được một ý tưởng kinh doanh tốt là một việc rất khó. Mặc dù không nêu những ý tưởng cụ thể nhưng bằng thực tế bản thân và các quan sát trong giới kinh doanh, tôi sẽ cố gắng giúp các bạn bằng cách đưa ra một số phương pháp mà các bạn có thể vận dụng để hình thành ý tưởng kinh doanh cho chính mình. Các phương pháp đó, tôi sẽ trình bày và phân tích ở bài viết sau.

-----------------

42 NĂM SỐNG Ở MỸ - ĐƯỢC GÌ, MẤT GÌ?

Tổng hợp từ Facebook Nước Mỹ nơi tôi đang sống: https://www.facebook.com/NhungNgayHuuTri01/


Từ Facebook Le Thanh Hoang Dan:
-------------------------
42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì? (Bài 1)

Trước Trump nước Mỹ là đất nước của di dân và tỵ nạn. Đó là đất nước đã tiếp đón chúng tôi 42 năm trước. Biểu tượng nước Mỹ là Nữ Thần Tự Do đứng sừng sững ở hải cảng New York tiếp đón và mừng di dân đến xây dựng nước Mỹ. Dân tứ xứ khắp thế giới bị đất nước họ ruồng bỏ, không sống được ở quê hương, cũng đến đây xây dựng lại cuộc đời, tìm giấc mơ Mỹ, Tự Do, Hạnh Phúc và No Ấm.

Nhiều bạn hỏi tôi làm sao đi Mỹ. Thú thật với các bạn đi Mỹ là một cơ duyên, trời định. Chính tôi không bao giờ mơ có ngày được đi Mỹ, và trở thành một người Mỹ trung bình như ngày hôm nay. Kỷ niệm 42 năm sống tại Mỹ, tôi tự hỏi, mình được gì, và mất gì? Càng gần đến tháng Tư, câu hỏi này cứ lởn vởn trong đầu tôi. Nếu năm 1975 tôi ở lại, bây giờ tôi và con cháu tôi ra sao?

Một người bạn thân của tôi tại Đại Học Sư Phạm Sài Gòn là Giáo sư Lê Trong Vinh, cựu khoa trưởng trường Đại Học Sư Phạm Huế, đã ở lại vì tin đất nước sắp hòa bình và trung lập, sau bỏ nước ra đi, cả gia đình đã chết ngoài biển khơi, chỉ trừ một cháu còn may mắn sống sót.

Tôi ra đi cũng khổ lắm. Mặc dầu nước Mỹ trước Trump rộng lượng và tốt với di dân, tôi cũng phải tranh đấu nhiều năm, mới sống được vững vàng, có chân đứng vững chắc trong xã hội mới. Điểm đầu tiên cần là phải quên quá khứ, và bắt đầu lại.

Quên quá khứ, sống vì hiện tại và tương lai. Cực khổ đến đâu cũng chịu. Nói thì dễ, nhưng làm rất khó. Nếu không có tình thương gia đình, vợ con, và tình người Việt Nam với nhau, những người Việt Nam do tình cờ lịch sử trôi dạt đến đây, sống gần nhau trong xóm, thương yêu và ủng hộ lẩn nhau, tôi không đủ can đảm tiếp tục dấn thân, bắt đầu lại.

Trong nhiều năm tôi cố gắng quên quá khứ, để có thể tiếp tục sống với hiện tại và tương lai ở Mỹ. Cố gắng riết rồi tôi quên hẳn luôn quá khứ của mình. Có lúc tôi cũng quên luôn mình là ai, mình đã làm gì trước khi đến Mỹ. Tên Le Thanh Hoang Dan, hay Lê Thanh Hoàng Dân, tôi chỉ nhớ lại khi gặp người quen ở Cali, hay Sài Gòn. Lúc đi làm việc, tôi tên là Dan Le, hay Dan H. T. Le. Tên Dan dễ gọi cho bạn Mỹ của tôi, Dan giống như tên viết tắt Daniel của Mỹ.

Những ngày hưu trí, đặc biệt sau khi Tổng Thống Clinton bỏ lệnh cấm vận, vợ chồng tôi đã trở về thăm lại quê hương, gia đình và bạn bè. Quá khứ từ từ trở về. Từ từ tôi thấy rõ những gì tôi được, và những gì tôi mất. Khi trở về gặp lại bạn bè, hiểu được cuộc sống của họ, tôi mới hiểu rõ nếu tôi ở lại, có lẽ tôi cũng như họ mà thôi. Nói ra thì xấu hổ, lúc ở New York tôi nhớ quê hương, nhưng về thăm quê hương, lúc máy bay cất cánh bay về Mỹ, tôi thở phào nhẹ nhõm, thấy mình may mắn quá.

Tôi vẫn nhớ mình đã từng dạy học, viết văn và làm sách ở Sài Gòn. Thời tuổi trẻ tôi cũng nhiều lý tưởng, nên đã theo các đàn anh Giáo Sư Nguyễn Văn Bông và GS Nguyễn Ngọc Huy chống đối chánh phủ, mong muốn một chế độ tốt hơn cho quê hương. Thời ấy đã qua rồi.

Tôi cố gắng quên quá khứ đó, để thích nghi với cuộc sống mới. Nhiều bạn cũ của tôi thời dạy học rất nổi tiếng, khi tôi may mắn gặp lại lúc đến Cali, đều ngạc nhiên thấy tôi thay đổi, hoàn toàn thay đổi. Thân xác vẫn là tôi, tâm hồn hoàn toàn khác, đặc biệt những hiểu biết tôi học được ở Mỹ hoàn toàn khác thời còn ở Sài Gòn. Lúc đó tôi mới ý thức mình đã thật sự trở thành một con người khác, và thật sự đã từ bỏ quá khứ oanh liệt đó rồi.

Qua Mỹ, các bạn tôi vẫn còn làm báo tiếng Việt, viết văn, dịch sách, và liên hệ với giới văn nghệ hải ngoại. Họ nổi tiếng. Khi gặp lại họ, tôi cảm thấy mắc cở, như đã làm điều gì tội lỗi vậy. Tôi thấy họ hay quá. Tôi đã bỏ cuộc, chịu thua, và thật sự bắt đầu lại. Thay vì tiếp tục sống như một người Việt Nam thời ở Sài Gòn xa xưa, tôi đã đổi mới, đã thích nghi, đã sống như một người Mỹ trung bình.

Quyết định bỏ hết quá khứ để bắt đầu lại không phải dễ. Bỏ hết quá khứ có nghĩa bỏ hết những gì làm nên giá trị cá nhân mình trong quá khứ. Lúc sống ở Sài Gòn, đi đâu người ta cũng chào hỏi, thưa Thầy. Đi đâu cũng có người nhận ra tôi, là ông Quê Hương Mến Yêu, là chương trình TV tôi làm MC. Đi đâu người ta cũng nói về sách vở, và nhà xuất bạn Trẻ do tôi chủ trương. Bỏ hết, bắt đầu lại.

Sau hơn 40 năm cố quên quá khứ và đám con tinh thần ngày xưa, lần đầu tiên tôi cầm lại trong tay một cuốn sách do tôi dịch, viết và xuất bản, là vừa rồi về thăm quê hương ăn Tết, một vài bạn FB của tôi ở Hà Nội và Sài Gòn đã gởi tặng một vài quyển sách cũ. Đám con tinh thần của tôi đã tự sống tự chết 42 năm qua, tôi không quan tâm và không để ý tới chúng nữa. Tôi quên hết, để bắt đầu lại. Tôi đã sống dưới đáy xã hội Mỹ, nhưng tôi đã đi lên.

----------------------------------------

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì? (Bài 2)

Trong bài 1 tôi trình bày tâm trạng những ngày mới qua Mỹ, sống lận đận dưới đáy xã hội. Năm 1975, Cộng Sản mạnh lắm. Lúc đó tôi nghĩ sẽ không có ngày tôi trở về thăm lại quê hương, như hiện nay. Tâm trạng thế hệ chúng tôi lúc đó là quên quá khứ, và bắt đầu lại. Tuy nhiên mỗi năm khi tháng Tư trở về, bông hoa nở đầy khắp nước Mỹ, lòng tôi xôn xao nhớ lại quê hương, và những ngày thơ ngây thời tuổi trẻ đã mất.

Ngày nay các bạn đến Mỹ thăm bà con, bạn bè, du lịch, hoặc du học, các bạn sướng hơn tôi. Các bạn đến đây rồi trở về. Quê hương Việt Nam vẫn là quê hương của các bạn. Ở Mỹ, các bạn có một cộng đồng Việt Nam mạnh khắp nước Mỹ chào đón các bạn. Các bạn có thể đi ăn phở, cơm gia đình, canh chua cá kho tô, bánh xèo, bún chả Hà Nội, bún bò Huế v.v.. dễ dàng. Lúc tôi đến đây, không thấy người Việt Nam nào. Phải mấy tháng sau tôi mới biết được nơi mua nước mắm, cuộc đời năm 1975 bơ vơ, khổ lắm. Không còn quê hương để trở về, phải sống bơ vơ và cô đơn dưới đáy xã hội, tranh đấu ngoi lên, vừa làm vừa học, mệt và chán nản vô cùng.

Các bạn nhớ lại quá khứ dễ dàng không? Đối với tôi quá khứ và kỷ niệm những năm sống ở Sài Gòn khó nhớ quá. Tôi cố gắng nhớ lại quá khứ mỗi lần tháng Tư trở về, triệu người vui và triệu người buồn, hoặc mỗi lần gặp bạn bè ở Cali hay Việt Nam. Nhưng hình như có một cái gì đó trong tôi muốn chôn vùi quá khứ, nhớ không được, nói đúng hơn nhớ đại khái, quên hết chi tiết. Muốn thích nghi với đời sống mới tôi phải quên, nhưng thỉnh thoảng tôi lại muốn nhớ. Đúng như một người nào đó nói, có một thời để quên, và một thời để nhớ.

Năm 1975 lúc chúng tôi ra đi, tâm trạng thế hệ tôi là ra đi không trở lại. Tìm một nước chấp nhận mình, và cố gắng sống, nuôi con, gây dựng lại cuộc đời bị Cộng Sản cướp mất. Bây giờ họ gọi chúng tôi là Việt Kiều Yêu Nước. Lúc đó họ coi chúng tôi là kẻ thù. Cái gì ở miền Nam cũng xấu, cũng Ngụy. Gia đình nào trong Nam cũng có người đi tù cải tạo. Sách vở, văn hóa, tất cả những gì của miền Nam cũng Ngụy, cần tiêu diệt. Sách vở bị đốt ngoài đường. Văn hóa miền Nam bị chế diễu. Tiền của mất trắng qua đêm do đổi tiền, nhà cửa bị mất vì nạn đi vùng kinh tế mới v.v.. Với cách hành xử như vậy của Kẻ Chiến Thắng, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác hơn, là đi, đi luôn, không trở lại. Bây giờ thì khác, nhiều người đã trở về thăm lại quê hương, trong đó có chúng tôi. Lúc đó khác.

Năm 1975 chúng tôi đến Mỹ với quyết tâm sống, làm lại cuộc đời, nuôi con, dạy dỗ con thành người, sống cuộc đời hạnh phúc chúng tôi không có. Chúng tôi bắt đầu lại, sống dưới đáy xã hội, nhưng chúng tôi quyết tâm đi lên, cần cù làm việc, vừa làm vừa học. Chúng tôi cực khổ, nhưng nhìn nụ cười của đám con, tôi thấy mình đã đi đúng đường. Trong lúc bên nhà Cộng Sản xúi dục con cái chống lại cha mẹ, rình rập xem cha mẹ có nói xấu gì Đảng và Chế Độ không, ở đây cha mẹ và con cái yêu thương nhau, sống trong tình thương, thay vì hận thù. Chúng tôi nhất quyết thích nghi với đời sống mới, tranh đấu ngoi lên. Muốn thích nghi với cuộc sống mới ở Mỹ, điều cần thiết là quên quá khứ. Quên được quá khứ, con tim mới vui trở lại, như lời một bài ca.

Bây giờ muốn nhớ quá khứ, tôi thấy có một rào cản trong tâm linh muốn đè nén và chôn đi quá khứ, không cho tôi nhớ. Lạ thật. 42 năm trước khi chúng tôi vừa đặt chân đến Mỹ, tôi cũng ở trong tâm trạng này, muốn quên quá khứ, để bắt đầu lại. Phải quên quá khứ mới có thể thích nghi được với cuộc sống hiện tại, và xây dựng tương lai. Nói thì dễ, nhưng phải hơn 7 năm sau khi đến Mỹ, tôi mới quên được quá khứ, và xây dựng được cuộc sống ổn định trên đất nước này.

Chúng tôi may mắn đến Mỹ rất sớm. Chúng tôi thuộc đợt người Việt Nam đầu tiên đến New York vào năm 1975. Sài Gòn mất (được giải phóng) ngày 30 tháng Tư. Ngày 2 tháng 5 chúng tôi đã có mặt ở New York. Vợ tôi làm việc cho ngân hàng Chase Manhattan ở Sài Gòn. Chase đã gởi một phó Giám Đốc ở Bangkok qua Sài Gòn đưa tất cả nhân viên ở đây di tản. Từ Sài Gòn chúng tôi bay qua phi trường Clark bên Phi Luật Tân, từ đó đi Guam, California, và rốt cuộc New York. Nếu không có ngân hàng Chase giúp đỡ, cuộc đời tôi sẽ khổ lắm.

Lúc chúng tôi đến đây, chưa có Cộng Đồng Việt Nam. Về điểm này, tôi không được như các bạn đến sau này, hoặc các cháu đến đây du học. Các bạn có một cộng đồng người đồng hương qua trước. Họ có kinh nghiệm sống ở đây. Những việc dễ như mua gạo, nước mắm, mua thức ăn Việt Nam ở đâu họ đều biết. Họ sẽ hướng dẫn các bạn. Khi chúng tôi đến, phải gần 2 tháng sau một người Việt Nam mới khám phá được nơi bán nước mắm, và gạo. Cô đã thông báo cho cả đoàn biết. Ai cũng mừng.

----------------------------------------

42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì? (Bài 3)

Mỗi năm khi mùa xuân trở về, hoa nở rộn ràng, lòng tôi bồn chồn, nhớ tới quê hương, và những ngày vui thời tuổi trẻ. Trong bài 1 và 2, tôi đã trình bày tâm trạng những ngày đầu đến Mỹ sau sự kiện 30 tháng Tư năm 1975. Các bạn ngày nay may mắn hơn tôi. Các bạn đến thăm viếng nước Mỹ, thăm gia đình và bạn bè, làm việc, kiếm tiền, hoặc du học, các bạn còn đất nước để trở về. Các bạn có một cộng đồng người Việt ở đây, muốn ăn món Việt Nam nào cũng có, muốn mua món Việt Nam nào cũng được. Các bạn không cô đơn, cực khồ, tuyệt vọng và sống dưới đáy xã hội Mỹ như chúng tôi năm 1975. Lúc đó Cộng Sản mạnh lắm, gần như đô hộ phân nửa thế giới, nên chúng tôi đến Mỹ với tâm trạng đi không trở về, chọn nơi này làm quê hương, cố quên quá khứ ở Việt Nam, và dấn thân hội nhập, tranh đấu để sống và chết ở đây.

“…Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy
Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên…” (Thế Lữ)

Năm 1975 khi chúng tôi ra đi, tôi chỉ biết mình phải đi, không biết đi đâu và làm gì, cuộc đời sẽ ra sao. Lúc đó Cộng Sản bao vây Sài Gòn và chuẩn bị tấn công. Chúng tôi tránh lằn bom lửa đạn, tìm đường sống cho các con, thế thôi. Vợ tôi làm việc cho ngân hàng Chase ở Sài Gòn, nên chúng tôi đi New York nơi có Trụ Sở Trung Ương của ngân hàng nầy, và sống ở đây 41 năm và dọn về Florida hơn 7 tháng nay. Chase sponsor (bảo trợ) chúng tôi, nhưng cử một Vice President nhà băng Host (tiếp đãi) chúng tôi trong những bước đầu sống ở Mỹ. Sự khác biệt văn hóa giữa người Việt và Mỹ quá lớn, nên ở nhà Host một thời gian giúp chúng tôi nói tiếng Mỹ khá hơn, hiểu rõ hơn cách người Mỹ sống, giúp chúng tôi thích nghi dễ dàng hơn.

Chúng tôi đến Mỹ với hai bàn tay trắng, gia đình 6 người, vợ chồng và 4 con, trong túi có vài chục đô la Mỹ. Tất cả những gì tôi có ngày nay là do nước Mỹ đã cho chúng tôi. Tôi mất tất cả khi ra đi, tiền, đại gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, học trò, những gì tôi yêu quí nhất đời những năm dạy học, viết văn làm sách ở Sài Gòn. Tôi được một cuộc đời yên bình với con cháu ở Mỹ, và những năm gần đây, tình đại gia đình, tình người Việt Nam những lần về thăm lại quê hương.

Lúc ra đi, điều tôi tiếc nhất là đám con tinh thần ngày xưa của tôi, mấy chục quyển sách tôi đã cùng nhiều bạn hữu viết, dịch và xuất bản, trong Tủ Sách Giáo Dục do Trần Hữu Đức chủ trương, Tủ Sách Tâm Lý và Sư Phạm do tôi điều khiển, Tủ Sách Văn Học Thế Giới, Tủ Sách Khoa Học Nhân Văn v.v… Khi ra đi tôi đã bỏ đám con này ở lại tự sống tự chết. Lần đầu tiên tôi cầm lại trong tay một quyển sách do tôi viết, hay dịch về Tư Tưởng Sư Phạm, Lịch Sử Giáo Dục, Tâm Lý Giáo Dục, và Các Vấn Đề Giáo Dục, là hai năm trước khi về thăm lại quê hương, một vài bạn FB của tôi ở Sài Gòn và Hà Nội đã gởi tặng. Rất vui. Trong đám con tinh thần này, có đứa chưa chết, chưa bị tiêu diệt hoàn toàn trong cơn hồng thủy ngày 30 tháng Tư năm 1975. Còn nhiều đứa khác tôi chưa thấy mặt, không biết bây giờ ở đâu.

Ai sponsor (bảo trợ) cho nhân viên Chase? Chính nhà băng (ngân hàng) Chase bảo trợ. Chase đề cử một số nhân viên có chức quyền trong ngân hàng, mỗi người làm host (chủ nhà) đón nhận một gia đình nhân viên từ Sài Gòn.

"Host" giống như một chủ nhà tiếp đãi khách. Trong trường hợp chúng tôi chân ướt chân ráo từ một nước kém phát triển như miền Nam Việt Nam, rớt vô một xã hội văn minh, kỹ nghệ hóa, tiến bộ như Hoa Kỳ, host còn có nhiệm vụ giúp chúng tôi hiểu và hội nhập. Có nghĩa là giúp chúng tôi hiểu văn hóa, và tổ chức xã hội ở đây, cũng như hiểu một số kỹ năng để sống tự lập.

Sự khác biệt về văn hóa lớn quá. Lấy một thí dụ. Một ngày mùa hè nóng nực, Host rũ chúng tôi (vợ chồng con cái) đi chơi. Hôm đó host muốn cho chúng tôi đi thăm West Point trên núi. Đây là một trường quân sự nổi tiếng của Mỹ. Ở đây cảnh vật rất đẹp. Thấy Host ôm một đóng áo lạnh, vợ chồng con cái tôi xanh mặt, chạy vô nhà, ai cũng ôm một vài áo lạnh ra xe. Hóa ra Host ôm áo lạnh đi giặt. Chúng tôi tưởng trên núi lạnh lắm, giữa mùa hè, cả nhà ôm áo lạnh đi. Còn nhiều chuyện buồn cười như vậy, cho thấy những ngày đầu ở Mỹ khó như thế nào.

Như trên đã nói mấy tháng sau khi đến New York, một nhân viên Chase đã tìm được nơi bán gạo và nước mắm. Vợ chồng tôi ở rất xa thành phố. Muốn đi New York, chúng tôi phải đi xe lửa, xong lấy xe điện ngầm (Subway), xong đi bộ xa xôi mới mua được chai nước mắm đầu tiên. Nhân cơ hội host đi vắng, vợ chồng tôi nấu cơm, luộc hột gà (không biết hột vịt bán ở đâu) dầm nước mắm, ăn ngon quá. Mấy tháng chưa ăn cơm. Buổi cơm đạm bạc đầu tiên ở Mỹ ngon quá sức.

Nước mắm thơm với người Việt Nam chúng ta. Nhưng đối với người Mỹ họ không chịu nổi mùi này. Chúng tôi rất kỹ lưỡng mỗi khi rót nước mắm. Nhè nhẹ mở nút. Đổ một vài nhiễu nước mắm. Đậy nút lại chắc chắn. Lấy giấy lau kỹ miệng chai. Tình cờ người nhà của Host thấy được, kể lại cho Host. Tao thấy tụi nó ăn cái gì quí lắm. Chúng mở chai rất trịnh trọng. Còn lau chai sau khi đổ nước đó ra chén. Tụi nó quí nước này lắm. Không biết nước gì.

Có lần vợ tôi làm chúng tôi hú vía. Mấy tháng đầu tiên ở Mỹ tôi suốt ngày ngồi xem TV để tự học tiếng Mỹ. Host nói gì tôi cũng không hiểu. Tôi nói gì host cũng đoán chừng ý tôi thôi, lúc đúng lúc sai. Vợ tôi đã từng làm việc cho ngân hàng Chase ở Sài Gòn, nên tiếng Mỹ giỏi hơn tôi.

Mỗi ngày Nàng đi xe lửa xuống New York làm việc, chiều tối mới trở về. Hôm đó Nàng ngủ quên (hay lo ra không xuống đúng trạm?). Xe lửa chạy tới trạm cuối cùng ở tiểu bang Pennsylvania. Đó là chuyến xe lửa cuối cùng. Một người Mỹ thấy Nàng lạc lõng ở sân ga, tội nghiệp, giúp gọi về Host ở New York. Host cũng không biết ga đó ở đâu, nên phải lấy bản đồ tìm đường đến đón Nàng về. Hôm đó tôi hú vía.

Kể từ đó Nàng nổi tiếng trên chuyến xe lửa giờ đó. Mỗi lần xe lửa ngừng ở trạm của Nàng, ai cũng nhắc nhở Nàng xuống xe. Người Mỹ rất hiếu khách. Họ thật tình thương và giúp đỡ người Việt Nam mình hội nhập vô xã hội.


----------------------------------------
42 năm sống ở Mỹ: Được gì, mất gì? (Bài 4)
Một vài bạn nói, thôi, 42 năm đã trôi qua rồi, hãy xoá bỏ hận thù, và hòa giải, hòa hợp. Nhớ lại ngày 30 tháng Tư năm 1975, và những ngày đầu lập nghiệp ở Mỹ, tôi không hận thù Kẻ Chiến Thắng, hay những gì họ đã làm. Đó là lịch sử, quá khứ. Mục đích của tôi là nhớ lại chặn đường đã qua, để cảm ơn nước Mỹ, đã tạo cơ hội cho chúng tôi người Việt ra đi, sống được, và hạnh phúc.
Các bạn mới đến Mỹ, định lập nghiệp ở đây, hãy xem trường hợp của tôi. Nếu các bạn chịu khó làm việc, chịu khó hội nhập, và sống hòa động với xã hội, tôn trọng pháp luật, làm việc cần cù, đóng thuế đầy đủ, không gian trá, xã hội Mỹ sẽ cho các bạn cơ hội thực hiện giấc mơ Mỹ. Cố công mài sắt, có ngày nên kim.
Các bạn đến sau sẽ dễ dàng hơn chúng tôi. Các bạn không bị sốc tâm lý như chúng tôi, vì các bạn còn quê hương để trở về, các bạn có thể liên lạc nói chuyện với gia đình và người quen bên nhà bất cứ lúc nào các bạn muốn. Năm 1975 chúng tôi không được vậy. Các bạn có sẵn cộng đồng Việt Nam tại Mỹ với đầy đủ quán ăn, vả tiệm tùng đủ loại, khác với thời năm 1975, chúng tôi sống cô đơn, và thiếu thốn, không thấy tiệm tùng Việt Nam nào, không biết đi đâu mua gạo và nước mắm v..v... Tôi vượt khó khăn được, các bạn sẽ thành công dễ dàng hơn tôi. Hãy giữ vững niềm tin. Đừng để ai nói ngược lại, làm các bạn chán nản. Đường đi chỉ khó tại lòng người sợ khó, ngại núi e sông..
Kể lại những ngày sống ở Mỹ, tôi không thấy hận thù hay ghét Cộng Sản. Thật tình mà nói, tôi thấy thương họ hơn. Họ cũng là người Việt Nam như tôi. Họ nghe lời ngoại bang trong Quốc Tế Cộng Sản, cổng rắn cắn gà nhà, đập chết thằng anh em ruột thịt trong Nam, để được gì? Kết quả là gì? Một nước Việt Nam hoàn toàn lệ thuộc vào Tàu, mất nhiều miền đất biên giới, nổi tiếng nhất là ải Nam Quang, mất Hoàng Sa và Trường Sa, Đồng Bằng Sông Cửu Long hạn hán, ngập mặn, vựa lứa đất nước bị đe dọa.
Bị ức hiếp như vậy, họ cũng không dám phản đối, không dám phẫn nộ, lúc nào cũng ôm kẻ thù truyền kiếp mấy ngàn năm gọi họ là anh em môi hở răng lạnh, anh em 16 chữ vàng v.v.. Ngư dân của họ bị người anh em đâm tàu chìm, họ cũng không dám nói là Trung Quốc đã gây thảm cảnh, nói mù mờ là tàu lạ đã gây sự. Thật tình tôi tội nghiệp họ, và người dân Việt Nam đang sống trong chế độ toàn trị của họ. Tôi không hận thù. Tôi chỉ thương họ thôi. Tôi phải nói rõ điểm này vì nhiều bạn comment thắc mắc trong mấy bài trước, hỏi tôi có hận thù Cộng sản không.
Trở lại những ngày đầu tỵ nạn ở Mỹ, chúng tôi sống với Host trong hơn 2 tháng, sau đó dọn nhà ở riêng. Hai tháng đầu tiên sống chung với một gia đình người Mỹ trung lưu, giúp tôi hiểu nhiều hơn về người Mỹ và nước Mỹ. Kiến thức này rất quí, theo tôi suốt đời, giúp tôi kiên trì đeo đuổi giấc mơ Mỹ, lèo lái gia đình tôi xuyên qua sóng gió, đạt tới bến bờ hạnh phúc ngày nay, 42 năm nhìn lại.
Gia đình của Host là di dân đời thứ 2. Có nghĩa là cha mẹ Host đã như tôi, được sanh ra ở nước ngoài, và tới Mỹ với giấc mơ nhỏ bé, như tôi, tìm một cuộc đời hạnh phúc cho mình và vợ con. Tôi có đến thăm cha mẹ họ, cũng như tôi nói không rành tiếng Mỹ. Cũng như tôi họ phải làm việc chân tay để sống. (42 năm sau, tôi đã đậu hai bằng Thạc Sỉ, nên địa vị xã hội không tệ).
Người chồng góc Pháp. Người vợ góc Ý. Họ được sanh ra và lớn lên ở Mỹ, như đám cháu nội và ngoại của tôi sau này. Nhìn họ sống, hiểu hoàn cảnh của họ và gia đình họ, ở Mỹ và ở nước ngoài, rọi ánh sáng vào hoàn cảnh của chúng tôi, giúp tôi thấy rõ được con đường phải đi, những việc phải làm, để đổi đời, thực hiện giấc mơ Mỹ. Càng ngày tôi càng quyết tâm hơn, sẵn sàng tìm việc làm, nhất quyết bắt đầu lại.
Nước Mỹ thật tuyệt vời. Nếu các bạn là di dân đến đây, sẵn sàng làm việc, cố gắng học hỏi, tôn trọng pháp luật, làm việc hợp pháp, các bạn được đảm bảo một đời sống dễ chịu. Làm việc được lương tối thiểu. mất việc được tiền thất nghiệp. Gia đình đông con, hay lương không đủ sống, có trợ cấp gọi là phiếu thực phẩm, để mua thịt. Ngày già được bảo đảm một nếp sống khả quan. Ai cũng được bảo đảm một đời sống đầy nhân cách.
Chúng tôi bình đẳng với nhau, da trắng, da đen hay da vàng, da nâu. Như Obama nói, đây là đất nước của di dân, và sẽ mãi mãi là đất nước của di dân. Ở đây, dù các bạn từ Việt Nam tới, các bạn cũng có cơ hội đồng đều như tất cả mọi người, không phân biệt màu da, tôn giáo, hay góc gác từ đâu tới. Thời Trump khác, nhưng Trump chưa phá bỏ nổi truyền thống mấy trăm năm của nước Mỹ. (Lẽ dĩ nhiên nếu các bạn còn ôm giấc mơ cụ Hồ, vượt Trường Sơn đánh Mỹ, các bạn có thể gặp khó khăn với dân Mỹ).
(Về điểm này xã hội Mỹ khác với xã hội Cộng Sản. Trước khi Cộng Sản giải phóng (chiếm) Sài Gòn, nhà nào ở đây cũng có tiền. Năm 1975 Cộng Sản vô, đấu tố, đổi tiền, đánh tư sản, chiếm tài sản nhân dân ở đây, ai cũng nghèo, ăn bo bo mà sống. Ngày nay thời đổi mới, chỉ người Cộng Sản mới được quyền nắm giữ chức vụ chỉ huy, có quyền, và có tiền. Xã hội Mỹ tạo cơ hội đồng đều cho dân chúng. Xã hội Cộng Sản có lợi cho đảng viên Cộng Sản, gia đình họ, và nhóm bạn bè quen biết và làm ăn với họ. Họ nắm hết quyền, và nhờ quyền họ nắm hết tiền.).
Trong hơn 2 tháng sống với Host, tôi học được nhiều kỹ năng sống, để có thể ra riêng sống cuộc đời độc lập. Tôi hiểu tiếng Mỹ nhiều hơn, nói nhiều hơn. Tôi hiểu nhiều hơn cách cư xử ở Mỹ, phép lịch sử tối thiểu để sống chung với nhau. Tôi biết ăn “hot dog” và “hamburger”, là hai thức ăn phổ biến, ở đâu cũng có bán. Tôi biết cách mua vé xe lửa, xe subway v.v.. Tôi biết xếp hàng đứng chờ tới phiên mình, biết nhường nhịn người già, người tật nguyền v.v..
(Văn hóa của Mỹ khác với văn hóa Việt Nam hay Trung Quốc. Vừa rồi tôi mổ cột sống, phải cầm gậy mà đi. Tới cửa, người Mỹ mở cửa nhường tôi đi trước. Một vài người có lẽ du khách từ Trung Quốc tới, chen lấn với tôi. Đó là sự khác biệt lớn lao về văn hóa của người dân Mỹ, và dân nước khác.
Người Mỹ không xả rác ngoài đường. Người Trung Quốc đến đây du lịch xả rác tùm lum, dơ dáy. Đi xem hoa, người Mỹ tôn trọng bông hoa, chỉ ngắm vẻ đẹp của hoa. Người Trung Quốc bẻ hoa, chà đạp lên hoa mà đi. Hai nền văn hóa Mỹ và Trung Quốc rất khác biệt. Nhờ sống chung với gia đình Host 2 tháng, chúng tôi sẵn sàng hơn trên con đường sống trên đất Mỹ).
Và chúng tôi dọn nhà về thành phố New York, để bắt đầu cuộc sống ở đây 42 năm nay. Nói theo kiểu Kim Dung, chúng tôi đã được các Sư Phụ truyền dạy Cửu Âm Chân Kinh. Và bây giờ đã tới lúc chúng tôi xuống núi, hành hiệp giang hồ, tranh giành một địa vị khả quan trên đất Mỹ.

Nói đúng hơn, định nghĩa cho thế giới biết thế nào là một người Mỹ gốc Việt. Chúng tôi là thế hệ đầu tiên đến đây. Chúng tôi có bổn phận sống ra hồn, cho thế giới nể phục chúng ta. New York là một thế giới thu nhỏ, di dân tứ xứ đến đây sanh sống. Như lời trong một bài ca về New York, nếu các bạn thành công ở đây, các bạn có thể sống được bất cứ đâu trên đất Mỹ. (Còn tiếp)

-------------------------------------
(Bài 5)

Sống ra hồn. Sống cho thế giới nể phục người Việt Nam. Định nghĩa thế nào là người Mỹ gốc Việt. Nói thì dễ.  Làm rất khó.  Khi các bạn đọc những Trang FB của tôi như "Du lịch thế giới",  "Nước Mỹ nơi tôi đang sống",  "Việt Nam, Quê hương mến yêu", và "Lê Thanh Hoàng Dân đi tìm hạnh phúc", các bạn chỉ thấy kết quả của 40 năm sống ở Mỹ. Con đường đến đó mới gian nan và khó khăn.

Nhiều bạn nghĩ nước Mỹ là thiên đàng. Đây không phải là thiên đàng. Đây không phải là nơi các bạn đến để ở không hưởng phúc lợi xã hội. Ở Mỹ chỉ những người chịu khó làm việc, tuân thủ pháp luật, sống cuộc đời cần cù, chịu khó ăn học, mới thành công. Giấc mơ Mỹ chỉ đến với người làm việc, không bao giờ đến với người đến đây ăn bám xã hội, ở không muốn người khác cho tiền.

(Nước Mỹ cũng không phải địa ngục như báo chí Cộng Sản đã mô ta trước đây, thời còn chống Mỹ. Mỹ không phải là thiên đàng, nhưng chưa có nước nào cho cơ hội đồng đều cho dân chúng, bằng nước Mỹ. Chỉ tại Mỹ một người con của di dân một nước da đen xa xôi (Kenya) mới có thể được bầu làm Tổng Thống. Chưa có nước nào trên thế giới chấp nhận hơn 1.600.000 người Việt Nam sống, như Mỹ. Trung Quốc đô hộ Việt Nam 1,000 năm. Pháp đô hộ Việt Nam 100 năm. Các nước này không có được một cộng đồng Việt Nam như ở Mỹ.  Mỹ chỉ là một đồng minh chống sự bành trướng của Cộng Sản Tàu và Nga thôi, không  phải là một nước đô hộ chúng ta).

Tháng 7 năm 1975, hai tháng sau khi đặt chân đến Mỹ, vợ chồng tôi đã mướn nhà sống riêng, bắt đầu cuộc đời độc lập và tự do ở đây. Tôi đi tìm việc làm, xong vừa làm vừa học, xong làm việc Phố Wall, cần cù làm việc suốt đời. Ngày hưu trí tôi ở không chu du thiên hạ. Con cái của tôi đều sống riêng. 40 năm nhìn lại thấy cuộc đời ở đây hay quá. Giấc mơ Mỹ đã đến với tôi.

Nếu các bạn chỉ nhìn điểm bắt đầu và kết thúc, các bạn thấy tôi sướng quá. Nhưng vấn đề khó là quá trình làm việc và tranh đấu để đạt được ngày hôm nay. Một người nào đó đã nói rất đúng. Đời là một hành trình. Thú vị nằm ở hành trình, ở những việc làm hàng ngày, không phải ở điểm bắt đầu, hay điểm kết thúc. 

Lúc ra riêng gia đình tôi nghèo lắm. Tôi đã ra đi với hai bàn tay trắng. Lúc dọn nhà, tôi vẫn chưa có việc làm. Xin việc làm đầu tiên thật gian nan. Đi tới đâu cũng bị chê. Xin việc lao động, cũng bị chê,  "Over-educated", thiếu kinh nghiệm. Không dám xin việc văn phòng, vì chưa đủ ngôn ngữ, kinh nghiệm.

Tuyệt vọng quá, tôi đi xin "Welfare" và "Food Stamps". Đó là những món tiền cho người nghèo nhất trong xã hội, giúp họ sống qua ngày, chờ lúc có việc (có job). Tuy nhiên khi tôi được chấp nhận những phúc lợi an sinh xã hội này, tôi đã tìm được Job (việc làm). Đó là một việc làm lương tối thiểu, làm nhiều, lương ít, làm việc rất cực khổ.

Tôi làm việc cho một công ty bảo vệ (security guards). Nói cho oai, chớ thật ra chúng tôi đâu có sức bảo vệ ai. Chỉ mặc đồng phục rất oai vệ,  đứng gác hãng bánh, bến tàu, các cao ốc ở đão Manhattan mà thôi. Khổ nhất là những lúc đi gác bến tàu. Lúc đó tôi phải làm việc một ngày 12 tiếng. Đi từ New York qua bến tàu ở tiểu bang New Jersey là 2 tiếng. Trở về cũng 2 tiếng. Mỗi ngày tôi chỉ ở nhà có 8 tiếng, để tắm rửa, ăn uống, và ngủ. Lúc tôi đi, ở nhà không có ai, vợ đi làm, con đi học. Lúc tôi về, ai cũng đã ngủ.

Ngồi gác bến tàu, mỗi ngày tôi ngó lưng của bà Nữ Thần Tự Do, nên những lúc chán nản, tôi thường nói Nữ Thần nầy ngó về phía Âu Châu, thiên vị người da trắng, không bao giờ chịu ngó về phía một người Việt Nam xấu số, do tình cờ của lịch sử được sanh ra và lớn lên ở Sài Gòn, nên phải đến đây chịu cực khổ như vầy.  (Bây giờ Cộng Sản gọi chúng tôi là khúc ruột ngàn dặm, nhưng lúc mới vô, họ coi chúng tôi như Mỹ-Ngụy, gia đình nào con cái cũng đấu tố cha mẹ, cũng có người đi trại tập trung cải tạo, cũng mất hết tiền xuyên qua các đợt đổi tiền, đánh tư sản).  

Hãng tôi làm có nhiều trí thức các nước khác, đặc biệt những nước Đông Âu. Những lúc chán nản, tôi nói chuyện với họ. Người nào cũng kỷ sư bác sĩ hay giảng sư đại học, cũng như tôi đang vừa làm vừa học lại.  Anh chàng tôi thích nhất đã từng là giảng sư ở Tiệp Khắc, đã đậu bằng PhD Tâm Lý Học. Anh học cao hiểu rộng, lại giỏi về môn tôi từng dạy ở Sài Gòn, nên tâm đầu ý hợp. Nhờ nói chuyện với họ, tôi mới đủ can đảm mạnh dạn tiếp tục làm việc. Vừa làm vừa học như họ.

Hai năm đầu tiên ở Mỹ, tôi chưa dứt khoác hẳn với quá khứ. Tôi vẫn còn luyến tiếc thời dạy học, viết văn, làm sách ở Sài Gòn. Nên tôi đã học hơn 60 credit PhD Triết học ở đại học CUNY. Ngồi trong chòi canh ở bến tàu, tôi có nhiều thời giờ đọc sách. Học đại học ở đây đọc sách rất nhiều, nhất là môn Triết Học. Hơn 37 năm bỏ triết học, tôi đã quên gần hết những gì đã học, chỉ còn nhớ mình vất vả với Triết học Mỹ, hoàn toàn chú trọng đến những vấn đề về logic và ngôn ngữ (philosophy of language), tôi chưa bao giờ nghe nói tới ở Sài Gòn.  

Nhớ lại 40 năm sống ở Mỹ (Bài 5)

************

(Bài 6)

Các bạn có bao giờ nghe bài ca "Take Me Home, Country Roads"    (Đường làng oi, hãy đưa tôi về Nhà...) lần nào chưa? Đây là một bài ca nổi tiếng thế giới do John Denver ca, được phát hành vào mùa xuân năm 1971, và đứng nhì trên bảng xếp hạng, được cả thế giới yêu chuộng, bây giờ vẫn còn nổi tiếng. 

Năm 2014 nó được Quốc Hội bang West Virginia biểu quyết chọn nó như "quốc kỳ"  (bài ca tiêu biểu) của bang này.  Trước đó năm 2010, tại đám tang của Thượng Nghị Sĩ bang West Virginia, đây là bài ca tiêu biểu nhất được trình diễn. Nó được ca ở tất cả những cuộc tranh tài thể thao, hay tập hợp ở các đại học bang này.

Bài ca này nói về tình thương đối với quê hương. Bài này nói về bang West Virginia, nơi chôn nhao cắt rún của một nhân vật tưởng tượng. Theo lời của bài hát, đây gần như là thiên đàng (Almost heaven).  Ngày nay ở đây có một hãng bia (beer) lấy tên "Gần như Thiên Đàng"  (Almost Heaven). Năm 2008, khi bà Clinton thắng Obama ở bang này, lời đầu tiên của bà là "You know, like the song says,  'It's almost heaven."  (Các bạn biết không, như lời của bài ca, thật gần như Thiên Đàng).

Bài ca này đã làm tôi khóc nhiều những năm đầu tiên tôi đến Mỹ. Lúc đó cứ mỗi lần nghe bài nầy trên Radio, tôi lại khóc. Bài ca nói về một miền đất ở Mỹ. Tuy nhiên khi nghe bài ca này, tôi lại nhớ tới Việt Nam. Tình thương quê cha đất mẹ trong bài ca gợi tôi nhớ tới quê hương xa xôi tôi đã bỏ lại.

Tình thương quê hương của John Denver đối với West Virginia, đó cũng là những cảm xúc của tôi đối với quê hương tôi bỏ lại những ngày cuối cùng của cuộc chiến, khi quân đội Cộng Sản bao vây Sài Gòn chuẩn bị tấn công.

Một lãnh tụ thời đổi mới nói rất đúng. Ngày 30 tháng tư có triệu người vui, triệu người buồn. Trong lúc ở Sài Gòn, bây giờ là thành phố Hồ Chí Minh, Cộng Sản đang tưng bừng chuẩn bị ăn mừng, ngồi tại New York, nghe lại bản nhạc này, tôi buồn quá.  "Đường làng ơi, hãy đưa tôi về Nhà...". 40 năm đã trôi qua. Yêu cầu Cộng Sản thôi tuyên truyền. Hãy trả lại sự thật cho Lịch Sử.

Mời các bạn nghe bản nhạc này trên You Tube, được gần 10 triệu lần truy cập.

John Denver - Take Mẹ Home, Country Roads


Nhớ lại 40 năm sống ở Mỹ (Bài 6)

*********

(Bài 7)

Những năm đầu sống tại Mỹ, có một vài bài ca làm tôi khóc nhiều. Tôi sống xa nhưng nơi nhiều người Việt sanh sống, như Cali, Texas v.v.., nên ít có cơ hội nghe nhạc Việt Nam. Nơi tôi sống, lúc đó bản "Take Me Home, Country Roads"        (Đường làng ơi, hãy đưa tôi về Nhà...) rất thịnh hành. Tôi đã nói về bản nhạc này trong bài trước. Ngoài bản nãy còn một bản khác cũng làm tôi khóc nhiều. Đó là bài “Don’t Cry For Me Argentina”  (Argentina ơi, đừng khóc cho tôi...).

Mặc dầu bản nhạc này không ăn nhập gì tới hoàn cảnh xa quê hương, vĩnh biệt miền Nam nơi tôi sanh, tôi không hiểu tại sao mỗi lần nghe Madonna ca bản này, tôi lại khóc sướt mướt như vậy. Có lẽ sự từ biệt của phu nhân Tổng Thống Argentina, yêu cầu đất nước của bà đừng khóc cho Bà, có lẽ tâm trạng đó giống với tâm trạng của tôi những ngày đầu ty nạn ở Mỹ. Đó là lời từ biệt, biết rằng mình sẽ vĩnh viễn ra đi không bao giờ trở lại, nhưng không muốn những người từng yêu thương mình phải buồn.  Mỗi lần nghe bản này, tôi nghe như có ai nói "Đừng khóc cho tôi Sài Gòn ơi...", và tôi bắt đầu khóc.

Mời các bạn thưởng thức bản “Don’t Cry For Me Argentina” (Argentina ơi, đừng khóc cho tôi..) do Madonna trình bày. Đoạn Video do Madonna trình bày trong phim "Evita"  được 7,442,354 lần truy cập không còn xem được nữa.  Mời các bạn xem Video với link sau đây, được gần 800,000 lần  truy cập thôi, cũng do Madonna ca, nhưng không hay bằng trong phim:



(Nếu các bạn không truy cập được Video do Madonna trình diễn, mời các bạn truy cập Video này. Trong Video nữ ca sĩ Suzan Erens trình diễn bài này tại Radio City Music Hall New York. Video này được trên 4 triệu lần truy cập (tính đến tháng 4 năm 2015):

Don't Cry For Me Argentina do Suzan Erens ca ở New York


(Mãi sau này khi người Việt Nam đến Mỹ càng ngày càng đông, sinh hoạt văn nghệ khởi sắc, tôi mới có dịp nghe một vài bản nhạc về Sài Gòn, như trong các link sau đây. Buồn nhiều, nhưng tôi không khóc nữa.):

SÀI GÒN VĨNH BIỆT -Khánh Ly


Sài Gòn Ơi! Vĩnh Biệt - Ngọc Lan


Sài Gòn niềm nhớ không tên - Ngọc Lan



Trong phim Evita Madonna (trong vai Evita)  đứng sau cửa sổ Dinh Tổng Thống Argentina, chào quần chúng và ca bản “Đừng khóc cho tôi Argentina..” (Don’t cry for me Argentina), cảm động quá. Bà thương nước Argentina, nhưng bị cancer giai đoạn cuối, và sắp vĩnh viễn ra đi.

Bà giải thích với quần chúng rằng Bà thương họ, không bao giờ muốn rời xa họ, rằng tất cả đều là phù du danh vọng hay tiền tài hay quyền hành. Tất cả đều là ảo vọng, chỉ trừ tình yêu của Bà đối với đất nước và dân tộc Argentina là thật mà thôi. Bà đã chết vì bệnh cancer lúc còn rất trẻ.

Khi đến thăm viếng thủ đô Buenos Aires, vợ chồng tôi có đến trước cửa dinh Tổng Thống chụp hình. Sau lưng vợ tôi là cửa sổ nơi bà đã từng đứng vẫy chào quần chúng và ca bản nhạc này. Cảm động nhiều. Thương tiếc cho một đời hoa sớm nở tối tàn. Cứ mỗi lần tôi nghe bản nhạc “Đừng khóc cho tôi..” là mỗi lần tôi khóc.

Evita là đệ nhất phu nhân của Argentina từ năm 1946 cho đến khi bà qua đời vào năm 1952. Lúc đó bà còn trẻ, đẹp, và được toàn dân Argentina thương tiếc. Bà ra đi để lại một sự tiếc nuối vô bờ của cả nước Argentina, và thế giới.

Bà được người dân Argentina thương tiếc, vì bà đã tranh đấu cho những người cô thế trong xã hội, tranh đấu cho Phụ nữ được quyền bỏ phiếu, tranh đấu cho quyền lợi giới lao động nghèo khổ, tranh đấu cho quyền lợi của những đứa trẻ mồ côi bị xã hội bỏ rơi, quên lãng.

Phim Evita do Madonna đóng vai chánh; bà đã đoạt giải thưởng cao quí Quả Cầu Vàng (Golden Globe) cho vai diễn này. Bản nhạc về Evita có câu làm tim tôi xúc động nhiều: “Đừng khóc cho tôi Argentina ơi..”. Phim Evita của Argentina “Eva Peron: A true story” (Câu chuyện thật về cuộc đời của Eva Peron) được đề nghị tranh giải Oscar phim hay ngoại quốc năm 1996. Kịch ca vũ nhạc “Evita” được trình chiếu khắp thế giới và đã thu được 2 tỷ đô la.

Ngày bà chết, chánh phủ Argentina ngưng tất cả mọi hoạt động chánh thức trong 2 ngày, và hạ cờ rũ xuống (half-staff) trong 10 ngày. Nhưng dân Argentina thấy những biện pháp để tang như vậy chưa đủ, chưa xứng đáng với niềm đau của họ. Vừa nghe hung tin, dân chúng đổ xô đến dinh Tổng Thống đứng chật đường, đám đông dày đặt kéo dài 10 block đường mỗi phía.

Khi xác của bà được dời đi, 10 người bị dẫm chết trong đám đông. 24 tiếng đồng hồ sau khi được tin bà chết, có hơn 2,000 người đã được đưa tới các bệnh viện trong thủ đô để cấp cứu, vì họ bị đám đông dẫm đạp bị thương lúc muốn tiến tới gần xác của bà, lúc bà đuợc dời ra khỏi dinh Tổng Thống đến Bộ Lao Động.

Đường xá Buenos Aires tràn ngập bông hoa tặng bà. Trong nhiều ngày liên tiếp tất cả những tiệm bán hoa ở Buenos Aires không còn hoa để bán. Và chính vì sự luyến tiếc và thương bà của nhân dân đã làm cho chánh phủ đổi ý, quyết định làm quốc táng cho bà mặc dầu bà không phải là Quốc Trưởng.

Đội thể tháo gia của Argentina đang dự Olympics ở Helsinki được tham gia một Lễ Truy Điệu đặc biệt tổ chức cho họ. Cả thế giới theo dõi sự ra đi của bà. Mặc dầu bà căn dặn trước khi vĩnh viễn ra đi, “Đừng khóc cho tôi Argentina ơi..”, cả thế giới đã khóc cho bà, cùng với Argentina.

Nhớ lại 40 năm sống ở Mỹ (Bài 7)

*************

(Bài 8)

Lúc chúng tôi ra riêng, ở khu tôi ở có một vài gia đình người Việt Nam, cũng mới đến đây như tôi. Sống chung với đồng hương trong xóm cũng hay lắm. Thỉnh thoảng ngày nghỉ đi chợ, nghe họ nói tiếng Việt với nhau, tôi thấy trong lòng vui quá, đỡ nhớ nhà. Thời mới đến tôi nhớ nhà nhiều lắm. Mỗi lần nghe John Denver ca bản "Country road take me home"  (Đường làng ơi, hãy đưa tôi về nhà..." tôi khóc tức tưởi, rất buồn. Mỗi lần nghe Madonna ca bản “Don’t Cry For Me Argentina”  (Argentina ơi, đừng khóc cho tôi...), tôi lại nghe trong đầu như  có ai nói "Đừng khóc cho tôi Sài Gòn ơi...", và tôi bắt đầu khóc.

Lúc ban đầu trong xóm chỉ có vài gia đình ngân hàng Chase. Lúc đó nhân viên Chase Sài Gòn được chia làm hai nhóm định cư. Nhóm có lợi tức cao, gia đình ít con, mướn nhà ở một khu khang trang bên Hoboken, tiểu bang New Jersey, bên kia sông Hudson. Nhóm có lợi tức thấp, gia đình đông con,  mướn nhà ở một khu rẻ tiền hơn ở quận Queens thành phố New York. Gia đình tôi ở khu này, vợ chồng và 4 con ở chen chúc trong căn hộ (apartment)  2 phòng ngủ.

Dần dà người Việt Nam từ từ dọn đến khu tôi ở, vừa rẽ, vừa có sẵn một nhóm Việt Nam, vui lắm. Người Việt tới đông quá, nên tôi thường gọi đây là Xóm Việt Nam. Lúc đó chúng tôi đối xử với nhau như người Việt Nam sống xa quê hương, không phân biệt Công Giáo, Phật Giáo, hay địa phương gì cả.

Hoàn cảnh lịch sử làm chúng tôi hiểu nhau hơn, thương nhau hơn, đời sống tinh thần của chúng tôi phong phú hơn. Người Nam nấu ăn món Nam, xong mời bạn bè Bắc và Trung thưởng thức. Ngược lại, tôi cũng được các gia đình Trung và Bắc mời mọc, nên chúng tôi hiểu văn hóa của nhau nhiều hơn, chấp nhận nhau hơn lúc ở Sài Gòn. 

Gia đình của tôi sau này là một nước Việt Nam nho nhỏ. Rể của tôi là người Bắc Hà Nội di cư. Dâu của tôi người Huế, chưa bao giờ biết Sài Gòn. Đặc biệt gia đình bên dâu của tôi gốc người Hoa (người Việt gốc Hoa). Đúng như một người nào đó nói, Mỹ là một "melting pot", một nơi hóa giải mọi khác biệt màu da, chủng tộc, và địa phương.  

Nhờ sống chung với nhau trong xóm, nên chúng tôi ủng hộ tinh thần lẫn nhau, mạnh dạn bắt đầu lại. Chúng tôi cùng chung hoàn cảnh, nên hiểu nhau, chia sẻ kinh nghiệm với nhau, nên mặc dầu sống dưới đáy xã hội, chúng tôi cũng chịu được. Ai cũng cố gắng tìm việc làm, ai cũng có gắng gởi thùng đồ về cho gia đình bên Việt Nam bán lại, sống lây lất với chế độ Cộng Sản.

Sống trong xóm Việt Nam vui lắm. Lúc đó trong xóm có hai bà, một bà đuôi và một bà què. Bà đuôi cõng bà què đi chợ, nói chuyện tiếng Việt inh ỏi, ngồi uống cà phê ngó ra cửa sổ nhìn cảnh tượng này, tôi thấy thương người Việt Nam mình vô cùng. 

Nhờ sống gần nhau, nên mỗi dịp cuối tuần, các bà bày ra nấu ăn món này món kia, thí nghiệm cách dùng "ingredient" tìm được ở chợ Mỹ, để biến chế nấu nướng các món ăn Việt Nam. Đây là một kỹ năng quí giá, ai học được, hay nói đúng hơn khám phá ra được cách  nấu, truyền thụ và chia sẻ với các bạn trong xóm, nên cuộc đời dễ chịu lắm. Ở Mỹ mà còn ăn được thức ăn Việt Nam, lúc đó quí lắm.    

Gần xóm tôi ở có một nhà thờ công giáo. Ở đây có một Cha người Việt từ Rome qua tỵ nạn. Nhờ ông tổ chức thỉnh thoảng người Việt Nam gặp nhau, ăn cơm Việt, ca hát tiếng Việt. Tinh thần Việt Nam trong xóm nhờ vậy đỡ cô đơn, sống lây lất qua ngày mấy năm. Mỗi lần tổ chức như vậy, vợ tôi nấu nướng một số thức ăn đem tới, con tôi tham gia văn nghệ giúp vui, cuộc sống như vậy cũng bận rộn, nếu không muốn nói là vui.

Tôi bận rộn nhiều, vừa học vừa đi làm. Cuộc đời chỉ dễ thở khi tôi dứt khoác với quá khứ dạy học, viết văn, làm sách ở Sài Gòn, để học MBA chuyên môn về vi tính áp dụng trong thương mại. MBA là Master of Business Administration (Thạc sĩ quản lý kinh doanh).  Hơn 35 năm trước, Phố Wall cần tự động hoá (automation), nên những người như tôi dễ kiếm việc làm lắm. Cuộc đời tôi thay đổi từ đó.

Các bạn trẻ muốn tới Mỹ học hoặc làm việc, các bạn có biết ưu điểm và điểm yếu của người Mỹ gốc Việt là gì không? Ưu điểm của chúng ta là cần cù, cố gắng làm việc, tinh thần trách nhiệm, làm việc hết mình, không so đo, cải cọ hay bực bội với sếp hay đồng nghiệp.

Ưu điểm của người Mỹ gốc Việt thế hệ tôi ra đi năm 1975, là chúng tôi đã có sẵn một mớ kiến thức đại học, nên dễ dàng học lại ở Mỹ. Học xong MBA, tôi còn học thêm nhiều "Advanced Certificate" về Tài Chánh (Finance), và Business Economics (kinh tế học áp dụng trong quản trị xí nghiệp) v.v.., nên khả năng chuyên môn được quí trọng ở Phố Wall lúc đó.

Ở Mỹ nếu các bạn tìm được việc làm đúng khả năng, lương bổng ở đây thoải mái lắm. Làm việc ở Phố Wall vài năm, lần vui nhất là tôi được hãng Consultant (Cố vấn, chuyên viên) nơi tôi làm việc thưởng một chuyến du lịch Âu Châu cho vợ chồng. Lúc đó họ nói là tặng chúng tôi "A trip for two"  (Một chuyến du hành cho 2 người), hay lắm.

Từ đó cuộc đời tôi đã đổi khác. Thú vui du lịch, đi, thấy, và hiểu thế giới bao la ngoài Việt Nam và Mỹ, bắt đầu nảy nở từ chuyến đi này. Từ Mỹ tôi bay qua London thăm viếng thành phố này, sau đó đi Pháp, Bỉ, Tây Đức, Áo, Ý Đại Lợi, và Paris, sau đó bay trở về Mỹ. Thật là một chuyến du hành mở mang kiến thức về thế giới.  

Bây giờ nghĩ lại tôi thấy nước Mỹ không phải thiên đàng, nhưng cũng không phải địa ngục. Nước Mỹ hay nhất thế giới ở chỗ chấp nhận những người đến đây làm việc, cố gắng, cần cù. Đặc biệt họ đãi ngộ những chuyên viên, giúp đất nước nầy khá hơn. Các bạn nghe nói nhiều về một vài người Việt Nam thành công ở Mỹ, giàu có, tiếng tăm, quyền lực. Tôi chỉ là một người Mỹ trung bình, không quyền lực, không tiếng tăm, không giàu có. Nhưng tôi cũng sống được không khí tự do như mọi người. Đó là điểm son của xã hội Mỹ.

Nhớ lại 40 năm sống ở Mỹ (Bài 8)

************

(Bài 9)

Sống 40 năm ở Mỹ có một lần tôi rất hãnh diện mình là người Việt Nam. Lúc đó là tháng Tư mấy năm trước. Đáng lý tháng tư là tháng buồn, nhưng năm đó hơn 50 người Mỹ gốc Việt quyết định đi cruise với nhau, đại náo vùng biển Caribe. Năm đó tàu Oasis Of The Sea vừa khai trương. Các bạn có nghe nói tới tàu này chưa?  Đây là tàu lớn nhất thế giới, đã phá nhiều kỷ lục thế giới về tàu cruise.

Tàu cruise nầy lớn bằng 5 lần Nhà Trắng (White House) ở Washington DC, lớn hơn tháp Eiffel của Pháp, cao bằng nhà lầu 20 tầng. Tàu đã phá vỡ  mọi kỷ lục về tàu cruise hiện nay.

Đêm thứ nhì của chuyến du hành trên tàu cruise này, hơn 30 tà áo dài Việt Nam tha thước lượn vòng quanh khu “Royal Promenade” (Lối đi dạo của Vua Chúa), vui quá.

Du khách hơn 35 quốc gia trên thế giới dừng lại ngắm nhìn trầm trồ áo dài Việt Nam. Một người Mỹ hỏi tôi, mấy bà nầy mặc quần áo nước nào vậy? Tôi hãnh diện trả lời, chúng tôi dân Mỹ, nhưng áo này là áo dài Việt Nam. Ai cũng khen đẹp.

Khu Royal Promenade (Lối đi đạo của Vua) rất đặc biệt. Con đường này có 9 quán ăn, quán rượu và tiệm cà phê. Các bà thích mua sắm có thể đi bát phố xem quần áo thời trang, nữ trang và mỹ phẩm. Các ông có thể xem tiệm bán máy chụp hình và máy điện tử. Tổng cộng có 8 tiệm quần áo, mỹ phẩm, nữ trang và máy điện tử.

Ai không thích đi dạo, thích ngồi ngắm nhìn người đẹp đi dạo qua lại, các bạn có thể ngồi trước cửa các quán ăn, uống cà phê, ăn bánh ngọt và xem người đẹp lượn vòng quanh, cuộc đời đáng sống lắm. Người Việt Nam trên tàu gọi khu này là phố Bolsa, vì đa số nhóm du lịch lần này đến từ Cali. Bolsa là một khu phố nổi tiếng của Little Saigon (Phố Sài Gòn Nhỏ).

Tôi và người tình trăm năm gọi khu này là đường Bonard, gợi chúng tôi nhớ tới những ngày xưa thời tuổi trẻ ở Sài Gòn, lúc chiến tranh chưa phủ màu tang tóc trên miền Nam của tôi, lúc còn trẻ thời học trò, chúng tôi thường ngồi tại quán kem ở đường Bonard hẹn hò, ăn kem, và nhìn đám trẻ khác lượn qua lượn lại, vui sống tuổi trẻ.

Khu Royal Promenade này rất đẹp và đặc biệt. Vòm trời bằng kiếng cho phép các bạn nhìn thấy cây cối của Central Park (Công viên Trung Ương). Ánh nắng mặt trời tự nhiên rọi xuống làm chúng tôi tưởng như mình đang đi dạo phố ngoài trời thật sự vậy, chớ không phải ở trong nhà.

Ngoài ra có một quán rượu gọi là rising tide (thủy triều dâng lên), quán này có thể đi từ từ lên tầng lầu trên Công Viên Trung Ương, và từ từ trở xuống, giúp các bạn cảm thấy chơi vơi bay bỗng ngồi nhậu rượu, cảm giác tuyệt vời lạ thường.

Trong khu này có trưng bày một chiếc xe hơi thời xưa cũ nhưng mắc tiền, ai cũng đến chụp hình vì khó thấy được một chiếc xe như vậy ngoài đường phố.

Xin chia sẻ với các bạn một vài hình ảnh áo dài Việt Nam tha thước trong khu Royal Promenade lúc vợ chồng tôi đi bát phố ở đây, trước khi đi ăn tối, và đi nghe nhạc khiêu vũ sau bữa ăn.




Nhớ lại 40 năm sống ở Mỹ (Bài 9)

****************

(Bài 10)

Trong bài trước (Bài 8) tôi đã nói về một vài ưu điểm của người Việt Nam ở Mỹ, nhờ đó chúng ta dễ thành công ở đây. Nước Mỹ là một nước của di dân, và cần chuyên viên xây dựng đất nước. Dân Việt Nam mình đúng là di dân gương mẫu. Chúng ta chịu khó, cần cù, cố gắng học hỏi, không câu nệ. Thế hệ người Việt Nam ra đi năm 1975 phần đông là trí thức ở Sài Gòn, nên dễ học lại những chuyên môn nước Mỹ cần. Nhờ đó phần lớn chúng tôi đã thành công.

Các bạn có biết yếu điểm của người Việt Nam là gì không?  Theo tôi nghĩ, chúng ta "Việt Nam" quá, nên nhiều khi xung đột với xã hội Mỹ. Nếu các bạn đến đây ăn học, mà còn mơ giấc mơ bác Hồ, vượt Trường Sơn đánh Mỹ, tôi khuyên các bạn nên ở Việt Nam học thì hơn. Đến đây với thái độ đó sẽ xung đột với nhiều người lắm. 

Có một lần một ông cán bộ đến Mỹ du lịch. Ông ta vô tiệm Phở ở đây ăn phở, mà miệng bô bô khoe mình có quyền và có tiền ở quê nhà. Suýt nữa ông bị đánh ngay tại tiệm. Đọc báo thấy thế hệ các Thái Tử Đảng thường mang tiền đến Mỹ xài ngông, tôi tội nghiệp cho họ, thấy họ không hiểu xã hội Mỹ quí trọng cái gì. Ở đây chúng tôi quí trọng những người cần cù làm việc. Không quí trọng những tay tham nhũng.

Thế hệ ra đi năm 1975 cố gắng quên quá khứ và bắt đầu lại. Cố gắng nhưng không phải ai cũng thành công. Những nơi cộng đồng Việt Nam đông đảo, người ta vẫn còn nhớ quá khứ nhiều. Chính vì vậy, họ khó thoát khỏi cộng đồng và hội nhập. Người Mỹ tôn trọng họ, vì ở đây xã hội tự do, nhưng sống quây quần với nhau nhiều quá, cũng có tác dụng không tốt. Chúng ta sẽ hội nhập chậm chạp vô xã hội. Sống chung trong cộng đồng Việt Nam, chúng ta vẫn giữ những thói quen tập tục người địa phương chống đối, như ăn thịt chó, cạo gió, đánh đập vợ con, v..v...

Tại New York, chúng tôi không ăn thịt chó, và cũng không có thịt chó để ăn. Tuy nhiên trong nhiều năm chúng tôi thích ăn tiết canh. Tôi có một người bạn, chuyên môn cắt cổ vịt sống, lấy máu để làm tiết canh. Mỗi lần anh nấu, anh mua sẵn con vịt, nhốt trong nhà. Khi anh cắt cổ vịt, con cháu thế hệ sanh ở Mỹ rủ nhau đến xem, và la lớn "Killer"  (Kẻ giết người). Từ đó về sau chúng tôi quyết định không giết vịt trong nhà, dần dà bỏ ăn tiết canh luôn. Lẽ dĩ nhiên sau này chúng tôi đọc nhiều bài báo cho biết hãy cẩn thận ăn máu sống, như tiết canh.

Yếu điểm của người Việt Nam mình là văn hóa quá khác biệt với người Mỹ, và không muốn thay đổi để hòa đồng, hay thay đổi chậm quá, nên khó hòa đồng. Lúc đậu xong MBA và bắt đầu làm việc, tôi thường gặp khó khăn trong các buổi họp, hay trong tiệc tùng cần xã giao. 

Người Mỹ thảo luận hay. Ngôn ngữ họ lưu loát. Tôi nói tiếng Mỹ cũng khá lắm, viết cũng được, nhờ học đại học ở đây. Tuy nhiên tôi cũng gặp khó khăn ăn nói và thảo luận trước công chúng. Lúc làm consultant (Cố vấn, chuyên viên) cho một hãng ở Phố Wall, tôi là trưởng Nhóm, đại diện hãng tôi. Với tánh cách trưởng Nhóm, tôi được quyền mời các chức sắc của hãng nơi tôi làm việc ăn trưa, đi xem thể thao buổi tối, và nhiều trò giải trí khác. Tôi rất khổ sở với những hoạt động này, không cảm thấy thoải mái.

Nhiều người dùng những từ ngữ dao to búa lớn như "Mỹ Hóa" để nói tới sự hòa đồng với xã hội địa phương.  Họ dùng từ ngữ này để chưởi và miệt thị người Mỹ gốc Việt, muốn hòa động với xã hội Mỹ.  40 năm nhìn lại, tôi rất tiếc mình chưa Mỹ Hóa đúng mức, nên không thành công được như mong muốn.  Những năm ở Phố Wall, nếu tôi hòa đồng giỏi hơn với xã hội, có lẽ tôi sẽ thành công hơn, chớ không phải sống cuộc đời trung bình trong bóng tối như ngày hôm nay.

Mặc dầu vậy, tôi cũng hãnh diện phần nào. Đặc biệt trong các buổi tiếp tân, khi có người hỏi tôi từ đâu tới, tôi nói Sài Gòn. Tôi làm việc cần cù ai cũng thương. Chính vì vậy có lần tôi giới thiệu văn hóa Việt Nam cho nhóm bạn Mỹ. Lần đó tôi đã hướng dẫn cả nhóm đến chợ Tàu, ăn cơm Việt Nam, giới thiệu ẩm thực Việt Nam cho họ. Nghĩ lại cũng vui.

Có một lần tôi rất hãnh diện mình là người Việt Nam. Mấy năm trước tôi đã lấy tour du lịch thăm viếng miền Tây nước Mỹ như một du khách. Năm đó vợ chồng tôi kỷ niệm 50 năm ngày cưới. Anh hướng dẫn viên giới thiệu chúng tôi cho đoàn du khách quốc tế. Đây là Dân và Sophie. Họ là người Việt Nam. Họ đến từ New York, thành phố lớn nhất nước Mỹ, để kỷ niệm 50 năm hôn nhân. Cả đoàn vỗ tay.

Tôi không đủ hiểu biết để khuyên các bạn trẻ. Tôi chỉ nói trường hợp riêng của mình, với mớ kinh nghiệm riêng trong 40 năm sống ở đây mà thôi. Suốt 40 năm nay, tôi hình như có hai con người, với hai bậc thang giá trị khác nhau, chưa hội nhập hoàn toàn vô xã hội Mỹ được. 

Trước hết tôi là một người sanh ra ở Sài Gòn, với nhiều đức tánh Việt Nam. Khi tới Cali hay Texas thăm bạn bè, tôi hành xử như người Việt Nam. Nhưng khi đi làm việc, tôi hành xử như một người Mỹ trung bình. Nói đúng hơn tôi cố gắng hết sức để hòa đồng, và có được những đức tánh của người Mỹ. Sống 40 năm tại Mỹ, hai người này vẫn là hai, chưa thành một.

Thế hệ con cháu tôi khá hơn tôi ở điểm này. Cháu của tôi sanh tại Mỹ nói tiếng Mỹ trong điện thoại, các bạn không biết được nó là Việt Nam. Tụi nó hiểu được văn hóa Mỹ hơn tôi, hiểu được âm nhạc, thể thao, tất cả. Còn cái gì Việt Nam trong chúng không? Còn. Chúng thương ông bà cha mẹ từ Việt Nam tới. Đặc biệt chúng thích thức ăn Việt Nam, phở, bánh cuốn, canh chua cá kho tô, cơm tấm sườn bì chả, thịt bò lút lắc v.v.., tất cả các món ăn Việt Nam được cha mẹ cho ăn từ thời tuổi trẻ.  

Nhớ lại 40 năm sống ở Mỹ (Bài 10)

**************

(Bài 11)

Sau khi đậu xong MBA, tôi làm việc ở Phố Wall, mua nhà, dọn ra khỏi Xóm Việt Nam, và bắt đầu cuộc đời hội nhập vô nước Mỹ. Thật ra ở New York, khí hậu lạnh và đời sống mắc mỏ, nên người Việt Nam mình không thích sống. Từ từ xóm Việt Nam không còn người Việt ở nữa. Ngày nay ở đó chỉ còn một gia đình chưa dọn đi mà thôi.

Rồi ngày tháng cứ lặng lờ trôi. Lúc đó tôi có một số bạn Việt Nam, cuối tuần nào cũng hợp nhau ca nhạc, đánh bài, uống rượu, sống vui, yêu đời. Nhờ có bạn Việt Nam cùng hoàn cảnh, nên cuộc đời chúng tôi càng ngày càng vui. Bạn của tôi đều là chuyên viên,  cũng như tôi muốn quên quá khứ, bắt đầu lại và hội nhập. Chúng tôi chia sẻ những kinh nghiệm sống, nhờ vậy càng ngày càng hội nhập tốt đẹp hơn.

Một anh bạn nói đùa về Nhóm ăn nhậu nầy, đây là Nhóm Bụi Đời Miền Đông Bắc Hoa Kỳ. Bụi đời, vì chúng tôi thương nhau như thời trẻ, lang thang bụi đời mỗi dịp cuối tuần. Miền Đông Bắc Hoa Kỳ, vì chúng tôi lang thang dự tiệc khắp nơi ở vùng này. Ở đâu có tổ chức tiệc tùng, ở đó có chúng tôi. Cuộc đời như vậy càng ngày càng vui.  Trong tuần nói tiếng Mỹ, sống như Mỹ. Cuối tuần gặp bạn Việt Nam, ăn cơm Việt Nam, nghe nhạc Việt Nam, sống như Việt Nam.

Con cái của tôi lần lượt lập gia đình và ra riêng. Ở Mỹ người ta sống khác với bên nhà. Khi con cái lớn khôn, chúng nó thích sống riêng. Tự do hơn. Ở Việt Nam mình khó mua nhà, nên hai ba thế hệ thường sống chung một căn nhà chật hẹp. Ở Mỹ đám con của tôi có hai hoặc nhiều nhà, nên ai cũng ra riêng. Gia đình tôi trở thành một "empty nest", một ổ chim trống vắng, không còn chim con chiu chít nữa.  

Lúc con tôi sắp lập gia đình, chuẩn bị ra riêng, ở Việt Nam đói rách, nên nhiều người Việt liều chết ra đi. Đó là phong trào thuyền nhân. Lúc đó ở New York có một cơ sở công giáo kêu gọi giúp đỡ các cháu Việt Nam ra đi một mình, trong tuổi đi học, bơ vơ xứ người. 

Vợ chồng tôi đã mở cửa nhà giúp vài cháu thuyền nhân này một vài năm. Ở chung nhà với chúng tôi giúp các cháu hội nhập dễ dàng hơn vô đời sống ở Mỹ. Ở chung nhà nẩy sanh tình thương. Lúc đầu thương các cháu là người Việt Nam đồng hương, không may mắn, cần giúp đỡ. Sau thương như con. Chúng tôi cũng giúp cho một cháu lập gia đình. 40 năm nhìn lại, thấy cháu hạnh phúc, tôi rất vui.

Từ chỗ khóc vì hoàn cảnh lưu lạc xứ người mấy năm đầu ở Mỹ, tôi từ từ tìm được niềm vui ở đây, giúp thuyền nhân, và giúp đỡ bên nhà nữa. Từ mấy năm đầu chúng tôi đã giúp gia đình qua cơn nghèo đói của chế độ Cộng Sản. Họ ngăn sông, cấm chợ, đổi tiền, đánh tư sản, miền Nam trở thành đói rách. Chúng tôi thỉnh thoảng gởi tiền và thùng đồ để giúp bên nhà.

20 năm sau. Clinton bỏ lệnh cấm vận. Vợ chồng tôi về thăm lại quê hương.  Đời có nhiều bất ngờ quá. 20 năm trước khi ra đi tôi tưởng sẽ không có ngày về. Lúc đó Cộng Sản mạnh lắm. Đó là thế lực đang lên. Miền Nam cố gắng chận đứng họ. Nhưng miền Bắc được Tàu và Nga quyết tâm giúp đỡ, tiền, khí giới và cả nhân sự nữa, để đánh miền Nam, Cộng Sản hóa Đông Dương, và đe dọa cả Đông Nam Á. Năm 1975 tôi tưởng sẽ không có ngày trở về.

Khi máy bay hạ cánh trở lại phi trường Tân Sơn Nhất, tôi bật khóc. Đó là lần tôi khóc đầu tiên sau nhiều năm hết khóc, và vui sống ở Mỹ. 20 năm trước đó, tôi khóc khi nghe Madonna ca "Đừng khóc cho tôi Argentina ơi..", tưởng như nghe "Đừng khóc cho tôi Sài Gòn ơi..". Ngày trở về, tôi thật sự khóc cho Sài Gòn, lúc đó Cộng Sản đặt tên là Hồ Chí Minh.

(Ông là một cán bộ Đệ Tam Quốc Tế, lãnh tụ của Cộng Sản Việt Nam, đã từng gặp Lenin, và được Cộng Sản đệ Tam cử về cố vấn cho Hồng Quân bên Tàu. Tên Hồ Chí Minh xuất hiện hai năm sau cùng ông làm cố vấn cho Hồng Quân ở Trung Quốc. Mời đọc chi tiết trong bài của tôi về Hồ Chí Minh. Tôi không muốn chưởi hay tôn thờ thần tượng hóa ông này. Ông là một nhân vật lịch sử, đáng được Lịch Sử nghiên cứu khách quan. Tôi chỉ muốn tìm hiểu sự thật về Ông mà thôi, không thương, không ghét.).

Nhớ lại 40 năm sống ở Mỹ (Bài 11)

************

(Bài 12)

Lần đầu tiên về thăm lại quê hương, tôi thật sự khóc cho Sài Gòn. Khi máy bay hạ cánh ở phi trường Tân Sơn Nhất, lòng tôi thấy vui buồn lẫn lộn. Vui vì đây là lần đầu tiên sau 20 năm, tôi trở về thăm lại cố hương. Buồn khi thấy phi trường lớn nhất Việt Nam thua xa các nước máy bay đã từng ghé qua, như Đại Hàn và Thái Lan.    (Tôi đã ghé thăm Bangkok 5 ngày trước khi về Sài Gòn).  Năm 1975 miền Nam không thua hai nước này. Lý Quang Diệu có lần mơ ước Singapore được như Sài Gòn.

Lúc máy bay hạ cánh tôi nhìn ra cửa sổ,  thấy một cháu lính Cộng Sản ngồi dưới lều che nắng bên cạnh phi đạo, bảo vệ an ninh cho phi trường. Thấy cháu cực khổ tôi thương cháu quá. 

Tôi thầm nghĩ, cháu nầy tưởng là mình đến giải phóng Sài Gòn và miền Nam đây. Cụ Hồ và đảng Cộng Sản đã nói với họ như vậy, và họ đã tin như vậy. Họ làm bổn phận,  nghe lệnh cấp trên. Chắc chắn cháu không biết được những gì Cộng Sản không muốn  cháu  biết, sự thật.  

Tôi về thăm lại quê hương, rồi đi. Tôi thấy không có bổn phận phải nói sự thật cho ai biết cả, kể cả gia đình và bạn bè của tôi còn sống ở quê hương. Nói cho họ biết chỉ làm khổ cho họ mà thôi.

Tôi chỉ thấy tội nghiệp họ. 20 năm sau 1975,  thế giới đã đổi thay, cháu lính Cộng Sản nầy vẫn ngồi phơi nắng, tinh thần không biết có còn mơ giấc mơ cụ Hồ như thế hệ trước hay không? Giấc mơ gì? Giấc mơ Cộng Sản Hóa Đông Dương,  làm bàn đạp để Tàu và Nga đe dọa Đông Nam Á. Lẽ dĩ nhiên cụ chỉ nói giải phóng miền Nam, đánh Mỹ cứu nước, không nói thẳng thừng như tôi nói.

Tôi không tin cháu nầy hiểu rõ sự thật về cuộc chiến Việt Nam. Làm sao hiểu được sự thật, khi Cộng Sản nắm quyền tuyệt đối trên quê hương, nắm hết báo chí, truyền thanh, truyền hình, tất cả các hội đoàn, hay tổ chức dân sự v.v.. Cộng Sản giỏi về vấn để tuyên truyền.

Họ thắng cuộc chiến nhờ tuyên truyền. Họ làm cho mọi người tin họ yêu nước, kể cả dân Mỹ.  Không ai nghĩ chính họ đã cổng rắn cắn gà nhà, dọn đường cho Tàu hưởng mọi đặc quyền kinh tể ở Việt Nam như ngày nay. Ai nghĩ như vậy, họ sẽ gán cho nhản hiệu thế lực thù địch muốn xâm phạm an ninh quốc gia, và bỏ tù rục xương.

Năm 1994-1995, lúc tôi về, gia đình tôi thê thảm lắm. Phần lớn là vì cha mẹ đã làm công chức cũ, nên con cái thê thảm lắm. Cháu của tôi học xong đại học, ngồi sửa xe máy ngoài đường kiếm sống. Em tôi đã từng đậu cử nhân Luật đại học Sài Gòn, bây giờ bán nước mía, mì và hủ tiếu sống qua ngày.

Tôi trở về thăm lại quê hương năm Clinton "lift embargo"  (bỏ lệnh cấm vận). Sau đó thỉnh thoảng một vài năm tôi lại trở về. Trước là thăm và giúp đỡ gia đình, sau là du lịch, tìm hiểu về quê hương Việt Nam tôi chưa bao giờ biết. 

Tôi sống ở Sài Gòn 38 năm trước khi đi Mỹ lập nghiệp. Nhưng do chiến tranh tôi chỉ sống lẩn quẩn ở thành phố, không du lịch được, không biết gì về quê hương Việt Nam. Nhờ trở về thăm lại quê hương tôi chứng kiến được sự thay đổi của đời sống dân chúng ở đây, nhờ bang giao Việt-Mỹ càng ngày càng đầm ấm.

(Nếu tiếp tục theo Cộng Sản và không đổi mới, bây giờ Việt Nam mình là một Bắc Triều Tiên thứ hai rồi).  Phải thành thật nhìn nhận Việt Nam có thay đổi, có tiến bộ, mặc dầu chậm chạp hơn láng giềng ở Đông Nam Á, nhưng có tiến bộ.  

Về thăm lại quê hương, tôi nhứt quyết không hỏi chuyện nhiều, biết rằng gia đình tôi sẽ nói dối, tìm cách dấu diếm sự thật. Họ không muốn tôi buồn, hay tức giận. Về thăm nhà vài ngày tôi sẽ ra đi, họ sẽ ở lại lãnh đủ mọi trừng phạt của Cộng Sản, nếu tôi biết sự thật. Tôi hiểu vậy, nên cũng không hỏi gì.  Chính một người bạn thời trẻ của tôi, đã từng đi kháng chiến, nói riêng với tôi một câu úp mở, giúp tôi hiểu được sự tình. Mầy về chơi thì được, đừng ở lại.

Gia đình tôi mừng tôi trở về. Có thể nói thành phố này mừng tôi trở về. Có lần tôi thắc mắc không hiểu tại sao dân chúng ở đây biết tôi là Việt Kiều. Em tôi giải thích. Anh đứng giữa ngã tư phát tiền cho đám người ăn xin ở đây. Dân ở đây không ai có đủ tiền cho họ cả. Lúc đó tôi mới thấy mình không giống ai.

(Đó là những năm đầu đổi mới. Càng đổi mới, càng ngày càng có nhiều người Việt Cộng rất giàu. Bởi vậy người đời có câu: Việt Kiều không bằng Việt Cộng. Ý muốn nói Việt Cộng giàu và có quyền. Vừa có quyền, vừa có tiền. Ngày nay giấc mơ một vài cô gái ở Sài Gòn, là được lấy chồng Việt Cộng, thay vì Việt Kiều. Tôi sẽ bàn về vấn để tham nhũng ở một bài riêng.)

Nói ra thì mắc cở. Lúc ở New York tôi nôn nóng về thăm lại quê hương. Nhưng khi ngồi trên máy bay cất cánh khỏi phi trường Sài Gòn, tôi thấy trong lòng nhẹ nhõm. Lúc đó tôi mới hiểu, Sài Gòn là nơi tôi sanh. Nhưng Mỹ mới là nơi tôi sống, phải sống, sống được cuộc đời đáng sống.

Nhớ lại 40 năm sống ở Mỹ (Bài 12)

***************

(Bài 13)

Nỗi đau lớn nhất của tôi 40 năm nay, là mất đứa con gái lớn những năm đầu lập nghiệp ở Mỹ. Đây là nỗi đau tôi còn giữ trong lòng hơn 38 năm nay. Thấy tôi vui, nhưng trong lòng tôi rất buồn. Mỗi tháng Tư, khi hoa bắt đầu nở, vợ chồng tôi đều tới thăm mộ của Lê Mỹ Hạnh, con gái lớn của tôi. Trên mộ vẫn còn ghi câu này:  "Ngàn đời thương nhớ".

Khi ra đi năm 1975, chúng tôi chỉ 6 người, vợ chồng và 4 đứa con. Sau hai năm sống ở New York con tôi không còn nữa. Dư luận lúc đó cũng sôi nổi lắm. Nhiều báo địa phương đều có đăng tin này. Các đài TV đều có loan tin.  Tập san People cũng có một bài đặc biệt về vụ này.

Có một cuốn sách được viết về vụ con gái tôi bị một người Mỹ khùng điên giết chết. Nếu các bạn tìm trên Google tên của tôi Lê Thanh Hoàng Dân (cô dấu hay không dấu) các bạn có thể thấy tên quyển sách này.  Khi tôi nói tôi ghét chiến tranh, tôi không nói đùa đâu. Tôi thật sự ghét cuộc chiến Việt Nam, và những hậu quả của nó.

Sách nầy tên "Aftershocks: A tale of two victims"  (Dư chấn: Câu chuyện hai nạn nhân) do tác giả David Howard Bain viết. Sách được tái bản nhiều lần. Thú thật với các bạn, cho tới nay tôi vẫn chưa có đủ can đảm và bình tĩnh đọc sách này từ đầu đến cuối, nên không phê bình được. Đây là nổi đau trong lòng tôi 38 năm nay, vết thương chưa lành.

Không thể nào hồi tưởng 40 năm sống tại Mỹ mà quên chuyện này. Nhưng tôi không dám nhớ. Không dám nghĩ tới nhiều. Đau lòng lắm. Tôi chỉ ghi lại cho đầy đủ mà thôi. Tim tôi không hận thù. Chỉ đau lòng cho số phận tỵ nạn hẩm hiu, sống dưới đáy của xã hội, cố gắng nhoi lên, nhưng hoàn cảnh quá khó khăn.

Sau khi con tôi chết, tôi thấy tất cả những gì tôi làm như học PhD Triết học, luyến tiếc quá khứ dạy học, viết văn, là phù du, không nghĩa lý gì. Và tôi đã bỏ hết tất cả để học chuyên môn nước Mỹ cần, tìm việc làm nhiều tiền, mua nhà ở khu trung lưu, đưa gia đình hội nhập mạnh hơn vô xã hội Mỹ.

Thỉnh thoảng tôi thấy sách cũ của tôi được ai đó tái bản, nhưng tôi quyết tâm quên quá khứ, nhắm mắt làm ngơ, dần dà quên luôn những đứa con tinh thần này.  Cũng như tôi cố gắng quên đứa con gái đã mất, tôi cũng cố gắng quên đi những đứa con tinh thần của mình năm xưa. 

 Rất vui chúng vẫn chưa chết. Chúng vẫn sống cuộc đời riêng. Khi tôi thấy bìa một số sách đã xuất bản trước đây trên Internet, tôi rất vui. Nhưng đó là quá khứ tôi đã chôn vùi mấy chục năm rồi. 

Tôi không còn đủ can đảm ngồi lại sửa chữa hay hiệu đính đống sách xưa. Vả lại tôi cũng không còn đầy đủ tất cả sách đã xuất bản. Như tôi nói đâu đó, khi ra đi, tôi đã để lại quê hương những gì đã làm ở quê hương. Tôi không còn thời giờ và sức khỏe để sống lại những ngày cũ nửa.

Nhớ lại 40 năm sống ở Mỹ (Bài 13)

************

(Bài 14)

40 năm đã qua rồi. Bao nhiêu nước đã chảy qua cầu rồi. Nhưng ở Sài Gòn, Cộng Sản đang rầm rộ tổ chức ăn mừng ngày chiến thắng. Nhiều nơi trên thế giới, người Việt Nam đang khóc ngày "Quốc Hận".  Tôi viết loạt bài này không phải để đứng về phía nào trong cuộc chiến. 

Tôi chỉ muốn nhân cơ hội này ghi lại quá khứ đau thương cuộc chiến đã gây ra cho đời tôi, và con cái tôi mà thôi. Tôi tin chắc cả thế hệ của tôi, trên tôi vài tuổi, trẻ hơn tôi vài tuổi, cả thế hệ của tôi đều bị cuộc chiến ảnh hưởng, ít hay nhiều, như tôi.

Tôi cũng không muốn qui tội cho Cộng Sản, và lý thuyết đấu tranh giai cấp, dùng vỏ lực chiếm chánh quyền, dùng giết chóc để giữ chánh quyền và cai trị đất nước. Họ đã làm chuyện nầy khắp thế giới, từ Lenin đến Stalin, Mao Trạch Đông và Pol Pot. Những chuyện họ làm, xin để Lịch Sử phê phán.

Một dư luận viên vô Blog của tôi khen cụ Hồ, nói cụ Hồ trước khi chết dặn đừng tắm máu miền Nam sau khi chiến thắng, do đó Cộng Sản không làm như Pol Pot. Những chuyện đó có thật hay không, xin để Lịch Sử phán xét. Cộng Sản sai hay đúng, có phải họ đã cổng rắn cắn gà nhà, bị Nga và Trung Quốc lợi dụng tạo ra cuộc chiến này không? Chuyện đó Lịch Sử sẽ trả lời. Tôi nhỏ bé quá, chỉ còn sống nhiều lắm vài năm nữa thôi, tôi không có ý định bỏ phí thời giờ chống đối họ.

Mục đích tôi viết loạt bài này là để nhớ lại một vài chuyện đã xảy ra trong 40 năm sống tại Mỹ.  Nếu lần này tôi không nhớ được, quá khứ và cuộc đời của tôi ở đây sẽ bị chìm trong lãng quên. Những khó khăn hội nhập của tôi. Thảm kịch gia đình tôi, hậu quả của cuộc chiến, sẽ biến mất như mây khói. Bài học và những trải nghiệm của tôi sẽ coi như vô nghĩa, không giúp ích gì cho ai cả.

Bài học của tôi quí giá vô cùng. Nói ra nhiều bạn sẽ chống đối. Dư luận cho rằng dù ở đâu chúng ta cũng phải Việt Nam. Tuy nhiên Việt Nam quá ở nước ngoài không phải là khôn ngoan đâu. Dù các bạn sống ở Nga hay Tàu, hay Mỹ, các bạn cũng phải tôn trọng phong tục tập quán của người địa phương.  Nếu không dư luận người địa phương sẽ chống đối lại bạn.

Sau khi tôi đậu MBA và hội nhập được vô xã hội, có lần tôi lái xe Lexus, mặc suit (diện bộ đồ lớn) tìm đường tới khu Việt Nam ở New Jersey. Đây là một tiểu bang gần New York. Lúc đó chưa có GPS nên dễ lạc đường lắm. Tôi hỏi một anh chàng Mỹ trắng đường tới khu Việt Nam ở đây. Sau khi chỉ đường, anh ta nói nhỏ với tôi, tới đó anh hãy coi chừng. Tôi hiểu ngay ý nghĩ thầm kín của người địa phương đối với các cộng đồng thiểu số. Thông thường ở đó thường xảy ra nhiều chuyện lôi thôi với pháp luật, người địa phương ngại lắm.

Nhìn ra cộng đồng người Việt Nam ở nhiều nước khác trên thế giới, những nước như Anh, Cộng hòa Czech (Séc), hay Nga, các bạn thỉnh thoảng đọc tin tức về xung đột giữa họ với người địa phương, và cảnh sát. 

Do đó 40 năm nhìn lại, tôi thấy chúng ta nên thận trọng không chưởi nhau bằng cách nói, anh Nga quá, anh Mỹ quá, anh Tàu quá. Sống ở nước ngoài, chúng ta phải khuyến khích lẫn nhau hội nhập, chấp nhận phong tục tập quán địa phương, và làm tốt, trở thành công dân nước đó hãnh diện.

Tôi chỉ có ý kiến nhỏ bé vậy thôi, không trách Nga hay Mỹ hay Tàu. Chuyện lịch sử, xin để Lịch Sự phán xét. Bàn cờ thế giới, với những tay chơi cờ, vẫn y nguyên 40 năm sau. Ở Âu Châu, vẫn anh chàng Nga muốn xưng hùng xưng bá, như mấy trăm năm nay, từ thời Nga Hoàng (Sa Hoàng hay Czar), tới thời Cộng Sản, và hậu Cộng Sản. Ở Á Châu có anh Tàu, từ mấy ngàn năm trước đến nay. Đó là địa chánh trị.

Cụ Hồ hay Ngô Đình Diệm hay ông Thiệu gì, cũng chỉ là những con chốt (tốt) trên bàn cờ quốc tế đó thôi, không hơn không kém. Không có mấy cụ đó, thì các tay ngồi chơi cờ cũng dựng lên nhiều cụ khác đóng vai trò chốt, để họ thí, đơn giản thế thôi.

Chuyện quê hương đất nước bây giờ xa vời đối với tôi. Tôi còn vài năm nữa để sống, nên chỉ còn thời giờ và sức khỏe lo cho riêng mình mà thôi. Nói ra thì giống như ích kỷ. Sự thật là vậy. Ngày nay, lịch hẹn trong tuần của tôi toàn ghi nhà thương và bác sĩ. Hết gấp bác sĩ này tới bác sĩ kia. Thỉnh thoảng có dư luận viên vô Blog của tôi nói đại khái, hãy làm gì cho đất nước. Già gần chết rồi mà làm gì được?  Xin cho tôi hai chữ bình yên.

40 năm nhìn lại tôi mất gì, được gì? Mất nhiều lắm. Mất con gái lớn. Mất cả quá khứ sống ý nghĩa. Đó là khoảng đời tôi sống vì lý tưởng, làm những việc tôi yêu thích, đóng góp thật sự cho đất nước. 

Nghĩ cho cùng, nếu năm 1975 tôi ở lại, chưa chắc tôi còn giữ được những thứ này. Giáo sư Lê Trọng Vinh, bạn thân của tôi, cựu Khoa Trưởng Đại Học Sư Phạm Huế, năm 1975 quyết định ở lại, sau này vượt biên, cả gia đình chết hết, chỉ còn một đứa con trai sống sót.

Đổi lại tôi được gì? Được một đời sống tự do, không sợ hãi. Được sự yên bình và bảo đảm tài sản tôi có, sẽ không có ai đến tịch thu. Không ai nói tôi bóc lột họ, nên họ phải nổi dậy lấy tài sản của tôi chia cho người nghèo, như Cộng Sản thường làm tất cả những nơi họ chiếm được chánh quyền. 

Được gì nữa? Được tương lai tươi sáng cho con cháu, mặc dầu gốc Việt Nam, nhưng bây giờ là công dân Mỹ, sẽ sống cuộc đời của một công dân Mỹ, không bị Tàu, hay Nga gì bắt nạt cả.

Để kết thúc loạt bài này, tôi xin cầu chúc quê hương tôi bỏ lại mọi điều tốt lành. Chúc Việt Nam trở thành một đất nước đáng sống, tự do thật sự, công bằng thật sự, độc lập thật sự. Tôi vẫn theo dõi tin tức bên nhà. Chúc biển Đông thôi nổi sóng. Chúc những tin đồn về thoả thuận giao Việt Nam cho Tàu cai trị ở Thành Đô, chỉ là tin đồn. Chúc quê hương tươi sáng hơn, mạnh hơn, đẹp hơn.

Tôi cũng chúc hơn 3 triệu người Việt Nam bỏ nước ra đi hiện còn sống ở hải ngoại được đời sống vững bền hơn. Chúc các bạn và gia đình hội nhập thành công vô xã hội địa phương. Chúc các bạn vẫn nhớ chúng ta là con rồng cháu tiên, đã có lần sống chung trên quê hương khói lửa. Mặc dầu bây giờ chúng ta là công dân nhiều nước trên thế giới, nhưng chúng ta vẫn cùng chung một nguồn gốc. Chúc các bạn nhiều thành công và hạnh phúc.

Cảm ơn đã đọc hết loạt bài này.

40 năm sống tại Mỹ,  được gì, và mất gì?